Anh Nguyễn Bình Thạnh (SN 1985) cho biết, có mảnh đất bố mẹ khai hoang để lại cho mình canh tác ở vùng rừng cát thôn Cừa Phú, ước tính gần 14.000m2. Nhiều năm trước, anh thuê thêm hơn 6.000m2 liền kề khu đất do UBND xã quản lý với giá 6 triệu đồng/năm, sau đó anh đã trả lại xã diện tích đất thuê. Trên 14.000m2, anh Thạnh trồng các loại hoa màu thời vụ và cây lâu năm.
Năm 2018, UBND xã thông báo về dự án sân golf của Cty CP Tập đoàn Trường Thịnh quy hoạch trên đất trên. Cùng năm, UBND xã bị cho là lập ra hội đồng đo đạc, kiểm đếm tính toán đền bù cho các hộ dân có đất nằm trong vùng quy hoạch dự án. Rồi xã mời các hộ dân đến họp, thông báo giá bồi thường 198.000 đồng/m2. Các hộ dân đồng ý.
“Ngày 17/11/2018, tôi đến nhận tiền đền bù tại UBND xã. Tại đây, bên chi trả tiền chỉ có nữ Kế toán UBND xã. Số tiền tôi nhận được và ký vào biên bản là 594 triệu đồng. Ngoài việc ký vào giấy nhận tiền, nữ cán bộ còn đưa sơ đồ một thửa đất ra để tôi ký thêm. Nhìn vào giấy này, tôi thấy diện tích gia đình nằm trong dự án sân golf lên đến 20.026,8m2, vượt quá diện tích thực 6.000m2”, anh Thạnh phản ánh.
Đến 2021, một cán bộ thôn bị cho là dẫn một người tự xưng là kế toán Cty đến nhà anh Thạnh, đưa ra tờ giấy nhận tiền đền bù ghi năm 2018 nhờ anh ký vào. “Ban đầu tôi không đồng ý vì đã ký trong lần nhận tiền tại UBND xã. Sau vì được thuyết phục và phần vì tin tưởng cán bộ thôn nên tôi đã ký”, anh Thạnh nói.
Một số hộ dân khác ở thôn Cừa Phú có đất thuộc diện GPMB cho dự án sân golf Bảo Ninh cũng cho rằng thực nhận số tiền thấp hơn so với diện tích trong hồ sơ đền bù GPMB mà cán bộ xã đã lập ra.
|
Anh Nguyễn Bình Thạnh (phải) cho rằng có một số vấn đề chưa phù hợp khi đền bù dự án sân golf Bảo Ninh. (Ảnh: Thanh Hà) |
Trở lại với dự án sân golf Bảo Ninh theo tiêu chuẩn 36 lỗ, được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 1072/QĐ-TTg ngày 21/7/2020 phê duyệt chủ trương đầu tư; triển khai trên diện tích 164,75ha, vốn đầu tư 800 tỷ đồng; thời gian hoạt động 50 năm. Ngày 18/8/2022, UBND tỉnh có Quyết định 2245/QĐ-UBND thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất và cho Cty Trường Thịnh thuê đất để thực hiện dự án (đợt 1).
Ngày 31/1/2024, Cty Trường Thịnh có Văn bản 99/TĐTT-NSHC gửi UBND xã Bảo Ninh, có nội dung: “Trước khi có quyết định của UBND tỉnh về việc thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất và giao đất cho Cty Trường Thịnh để thực hiện dự án; phía Cty đã chuyển toàn bộ số tiền đền bù đất và tài sản trên đất cho UBND xã để tiến hành đền bù cho các hộ dân có đất và tài sản trên đất trong diện tích thu hồi; và được UBND xã có Văn bản 656/UBND xác nhận hoàn thành việc đền bù…”.
Như vậy, dù dự án chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư, chưa được thuê đất; nhưng người dân đã được cán bộ xã trả tiền “đền bù”. Nhận định về sự việc, LS Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Cty Luật Vinh LAW cho rằng: “Khoản 1 Điều 68 Luật Đất đai 2013 quy định: “Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, GPMB gồm tổ chức dịch vụ công về đất đai, hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư”. Khoản 1 Điều 2 Thông tư 61/2022/TT-BTC nêu rõ, đối tượng được thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao. Cụ thể, chính quyền cấp huyện trở lên mới đủ thẩm quyền để tổ chức đền bù GPMB”.
“Mặt khác, theo điểm b khoản 1 Điều 69 Luật Đất đai 2013, thì UBND cấp xã chỉ có trách nhiệm phối hợp tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, GPMB triển khai thực hiện. Nếu UBND cấp xã tự ý đứng ra tổ chức lập hội đồng, thực hiện thủ tục và nhận tiền của DN để đền bù GPMB là làm không đúng quy định pháp luật”, LS Vinh nói.
Trả lời PLVN, ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh nói: “Việc đền bù GPMB này được thực hiện bởi nhiệm kỳ trước (2016 - 2021). Lúc đó anh Hiếu (ông Nguyễn Ngọc Hiếu - PV) đang giữ chức Chủ tịch UBND xã. Các hồ sơ lưu trữ về diện tích, việc ký nhận tiền đền bù hiện không được lưu trữ tại xã”.