“Việc làm xanh” trong ngành năng lượng tái tạo

(PLVN) -Theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, định hướng 2050 (QHĐ8), đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%. Đây cũng là giai đoạn các thế hệ trẻ hiện tại có thể tham gia vào thị trường lao động và có những đóng góp lâu dài. Bên cạnh đó, để chuẩn bị và xây dựng nguồn nhân lực cho tương lai, cũng cần “mở đường” cho lực lượng lao động hiện có trong ngành năng lượng truyền thống tiếp cận với cơ hội sinh kế ổn định và bền vững.
PGS.TS Nguyễn Đức Huy, Trưởng khoa Điện, Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: Đỗ Trang)
PGS.TS Nguyễn Đức Huy, Trưởng khoa Điện, Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: Đỗ Trang)

Cơ hội rộng mở với lao động Gen Z

Nguyễn Đăng Dương (SN 2001), hiện tại là sinh viên năm thứ 5 ngành kỹ thuật điện, định hướng chuyên ngành hệ thống điện, Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội. Dương cũng đang tham gia học tập và nghiên cứu tại tại phòng thí nghiệm (phòng lab) 100% Renewable Energy (100RE) dưới sự dẫn dắt của TS. Nguyễn Đức Tuyên và TS. Trần Thanh Sơn.

Sinh viên Nguyễn Đăng Dương (SN 2001) chia sẻ ngành NLTT sẽ tạo cơ hội cho nhiều lao động trẻ. (Ảnh: NVCC).

Sinh viên Nguyễn Đăng Dương (SN 2001) chia sẻ ngành NLTT sẽ tạo cơ hội

cho nhiều lao động trẻ. (Ảnh: NVCC).

Là một sinh viên sắp ra trường, Dương hiện đang gấp rút hoàn thiện chương trình học trên trường cũng như đẩy mạnh hướng nghiên cứu chuyên sâu trên lab, đồng thời tích cực tìm hiểu về chương trình đào tạo và cơ hội học bổng bậc cao học tại các trường đại học danh tiếng theo chuyên ngành bạn theo đuổi. Nam sinh viên mong muốn sẽ có những đóng góp tích cực năng lượng tái tạo (NLTT) và hệ thống điện. Dương cho rằng, cơ hội phát triển cho các bạn sinh viên ngành NLTT là rất rộng mở, phù hợp với cả những bạn muốn đi làm ngay sau khi tốt nghiệp cũng như muốn học thạc sỹ hay tiến sỹ.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, định hướng 2050 (QHĐ8), đến năm 2050 tỷ lệ NLTT lên đến 67,5 - 71,5%. Đây cũng là giai đoạn thế hệ trẻ như Dương và các bạn đồng trang lứa tham gia vào thị trường lao động. Dương chia sẻ: “Trên thế giới, NLTT cũng sẽ là xu hướng tất yếu. Các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể tham gia vào các dự án quy hoạch, thi công, vận hành các hệ thống NLTT, hoặc làm trong các đơn vị tư vấn NLTT. Trong nghiên cứu, các bạn có thể theo đuổi các đề tài về nguồn điện NLTT, hệ thống lưu trữ năng lượng, xe điện, hệ thống lưới điện thông minh tích hợp NLTT. Nhìn chung, ngành NLTT nói riêng và hệ thống điện nói chung có thể coi như là một trong những trụ cột về an ninh năng lượng, đồng thời có nhiều chủ đề hấp dẫn nếu các bạn đam mê nghiên cứu chuyên sâu”.

Với xu hướng quốc gia chuyển dịch năng lượng từ “nâu” sang “xanh”, nam sinh viên cho rằng, để có thể tìm được công việc mong muốn với mức thu nhập hấp dẫn, các bạn sinh viên nên có sự chuẩn bị từ sớm, chịu khó tìm tòi học hỏi những kiến thức chuyên ngành thông qua quá trình học tập trên lớp và sinh hoạt tại các phòng nghiên cứu do các thầy cô có kinh nghiệm và chuyên môn sâu dẫn dắt; tích cực tham gia các chương trình tìm kiếm việc làm trong và ngoài nước, học bổng du học; trau dồi khả năng ngoại ngữ, kỹ năng mềm,... “NLTT là một lĩnh vực mới nên nó cũng đặt ra rất nhiều cơ hội và thách thức, đòi hỏi sinh viên phải có tinh thần cởi mở, thích khám phá và trải nghiệm ở những môi trường năng động và cạnh tranh cao”, Dương nói.

Tăng cường năng lực cho lao động hiện

Đáng nói, cơ hội việc làm xanh trong ngành năng lượng không chỉ dành cho các sinh viên vẫn còn đang ngồi ghế nhà trường mà cả những người lao động ở các cơ quan, tổ chức. Để chuẩn bị nguồn nhân lực cho tương lai, ngành năng lượng cũng phải tính tới việc tái đào tạo, nâng cao năng lực cho cả những lao động hiện có.

Ví dụ điển hình có thể kể tới chuỗi chương trình đào tạo về hydrogen xanh đã được Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ tổ chức tại TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng mới đây nhằm cung cấp kiến thức tổng quan về ngành, cũng như các chính sách, kinh nghiệm thực tế để thúc đẩy ngành công nghiệp hydrogen xanh tại Việt Nam. Khóa học đầu tiên đã thu hút sự tham gia của 26 học viên đến từ các đơn vị khác nhau, bao gồm cán bộ, nhân viên từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo), Viện Năng lượng (IE), Viện Nghiên cứu dầu khí, Tập đoàn The Green Solutions (TGS), Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 3 (PECC3), Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro) và các tổ chức, doanh nghiệp khác.

Cần cơ chế tạo điều kiện cho những lao động sẵn có trong ngành năng lượng truyền thống tiếp cận việc làm xanh. (Ảnh: Vinacomin)

Cần cơ chế tạo điều kiện cho những lao động sẵn có trong ngành năng lượng

truyền thống tiếp cận việc làm xanh. (Ảnh: Vinacomin)

Đối với ngành NLTT, năng lượng xanh vẫn còn tương đối non trẻ ở nước ta, nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn là một thách thức lớn. Hiện tại, nhiều ý kiến cho rằng, nguồn chuyên gia trong ngành NLTT vẫn phụ thuộc vào nước ngoài. Đánh giá về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Đức Huy, Trưởng khoa Điện, Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng: “Thách thức về nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ đặt ra đối với Việt Nam, mà còn đặt ra với các nước khác trên thế giới, kể cả các nước phát triển. Sự tiến bộ khoa học công nghệ đã làm xuất hiện nhiều yêu cầu mới đối với kỹ năng của người lao động. Ngày nay, người lao động cần có kiến thức liên ngành: NLTT, điện, nhiệt, cơ khí, kinh tế, không thể không nói đến yếu tố công nghệ thông tin”.

Trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng, để bảo đảm sự công bằng cho lao động trong ngành nhiệt điện than sẽ đối mặt nhiều rủ ro và thách thức, Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (Tuyên bố JETP) nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm: “Thúc đẩy tạo việc làm xanh và bền vững trong nền kinh tế phát thải carbonthấp; thiết lập và triển khai các chương trình hỗ trợ tạo việc làm, đào tạo nghề, đào tạo lại nhân sự cho lao động chịu ảnh hưởng bởi quá trình chuyển đổi năng lượng, đặc biệt các nhóm lao động dễ bị tổn thương như nữ giới, lao động phi chính thức, được kết nối thông tin việc làm xanh, được tiếp cận cơ hội đào tạo nghề, được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, duy trì và tạo sinh kế mới phù hợp với điều kiện thực tế”.

Để bảo đảm công bằng trong chuyển đổi năng lượng, không ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhiệt điện than, ông Vũ Quang Chiến, Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Uông Bí kiến nghị: “Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần có nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể về lộ trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu thân thiện với môi trường, tiêu chuẩn quy chuẩn về môi trường, các hướng dẫn về đào tạo, sử dụng lao động để các doanh nghiệp nhiệt điện than, có đủ cơ sở triển khai thực hiện khi thực hiện chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch (than) sang nhiên liệu xanh”. Ông Chiến cũng nhấn mạnh rằng, cơ chế, chính sách chính là nền tảng cốt lõi để các doanh nghiệp có thể xây dựng kế hoạch, lộ trình nâng cao năng lực, tái đào tạo khi cần thiết cho nguồn lao động hiện có.

“Mắt xích” giáo dục

Giáo dục, đào tạo cũng là một “mắt xích” quan trọng để hình thành nên một thị trường lao động bền vững và có chuyên môn, kỹ năng bài bản phục vụ cho ngành NLTT, năng lượng xanh. Theo PGS.TS Nguyễn Đức Huy, hiện nay chương trình đào tạo có nhiều hàm lượng nội dung về NLTT của Đại học Bách khoa Hà Nội là chương trình tiên tiến Hệ thống điện và NLTT (mã tuyển sinh EE-E18), chương trình đào tạo kỹ thuật điện (EE1), kỹ thuật điều khiển tự động hóa (EE2), các chương trình về Quản lý năng lượng (mã tuyển sinh EM1)... Bên cạnh các chương trình đào tạo chính quy, trường cũng cung cấp một số khóa đào tạo ngắn hạn về NLTT cho một số đơn vị trong ngành điện.

Sinh viên tốt nghiệp các chương trình đào tạo về NLTT có thể làm việc trước hết ở các doanh nghiệp trong ngành điện, liên quan đến lĩnh vực NLTT, như các công ty điện lực, Trung tâm điều độ hệ thống điện, các công ty tư vấn - thiết kế điện, các doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài ra, cơ hội học tập và làm việc ở nước ngoài sau đại học cũng tương đối rộng mở khi các quốc gia trong khu vực và trên thế giới cũng đang rất “khát” nhân lực cho ngành điện và NLTT.

PGS.TS Nguyễn Đức Huy cho rằng: “Qua tiếp xúc với sinh viên, kỹ sư trong ngành điện nói riêng, tôi cho rằng chất lượng sinh viên và kỹ sư của Việt Nam là rất tốt so với các nước trong khu vực. Các kỹ sư giỏi của Việt Nam có khả năng học hỏi, thích nghi nhanh chóng với công nghệ mới, có những sáng tạo nhất định để nâng cao hiệu quả công việc… Điều quan trọng trong việc tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành NLTT không hẳn nằm ở các khối kiến thức chuyên sâu, mà ở khả năng tạo ra các chương trình tổng hợp, liên ngành, để tăng khả năng thích nghi trong thị trường lao động có yêu cầu cao, cập nhật kiến thức không ngừng”. Tuy nhiên, PGS.TS. Nguyễn Đức Huy cũng trăn trở “tỉ lệ sinh viên nữ của Đại học Bách khoa ở các khối ngành kỹ thuật nhìn chung còn khiêm tốn”.

Đọc thêm