Việc tiêm nhầm vaccine ảnh hưởng thế nào tới 18 trẻ em ở huyện Quốc Oai?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chuyên gia đầu ngành về tiêm chủng trao đổi những vấn đề liên quan sự cố tiêm nhầm vaccine Comirnaty ngừa COVID-19 cho 18 trẻ tại Trạm Y tế xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai (Hà Nội), vụ việc đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Theo chuyên gia, hiện chưa thể khẳng định cụ thể việc tiêm nhầm ảnh hưởng thế nào tới trẻ, vì đây là vaccine rất mới, chưa có bằng chứng từ các trường hợp tương tự.

"Chúng tôi ghi nhận chỉ có tiêm nhầm vaccine ngừa COVID-19 cho người lớn chứ chưa có tiêm nhầm trẻ em. Do đó chưa có bằng chứng có thấy các cháu xảy ra phản ứng gì, sức khỏe các bé bị tiêm nhầm hiện vẫn ổn định. Đây hoàn toàn sự việc hi hữu", vị chuyên gia này nói.

Tuy nhiên, vị chuyên gia đầu ngành về tiêm chủng của Việt Nam cho biết thêm, theo các chuyên gia thế giới nhận định về các vấn đề truyền nhiễm thì những phản ứng liên quan đến quá liều chỉ là sốt, đau nhức, bởi liều lượng vào cơ thể nhiều hơn so với bình thường. Về nguyên tắc khi sản xuất vaccine là tiêm liều thấp nhất có tác dụng chứ không tiêm liều cao nhất. Bởi thế, khi tiêm liều thấp nhất quá lên cũng sẽ không là vấn đề nghiêm trọng.

"Khi thử nghiệm lâm sàng, nhà sản xuất làm rất nhiều liều khác nhau, trong đó có cả những liều cao và những liều rất thấp. Sau đó người ta sẽ đánh giá tất cả người trong danh sách tiêm, người tiêm liều thấp nhất mà vẫn có tác dụng thì sẽ giữ liều đó lại. Cho nên vấn đề quá liều không sợ, vấn đề là không phải đối tượng mục tiêu”, ông cho hay.

Cũng theo chuyên gia này, từng có nhiều trường hợp tiêm nhầm vaccine, tiêm liều người lớn cho trẻ em, ví dụ tiêm nhầm vaccnie viêm gan, lọ 10 liều nhưng tiêm thành 1 liều… nhưng chưa có trường hợp xấu xảy ra. Muốn kết luận về phản ứng sau khi tiêm nhầm cần có ghi nhận thực tế, kết luận của hội đồng chuyên môn và thời gian để theo dõi. Vì vaccine đến một thời điểm nào đó sẽ đào thải ra ra ngoài chứ không nằm mãi trong cơ thể.

Trước câu hỏi, theo quy trình tiêm, bác sĩ hay y tá cần cho người tiêm xem thông tin về loại vaccine, tại sao vẫn xảy ra nhầm lẫn?. Vị chuyên gia thông tin, khi tiêm vaccine có bảng đối chiếu gồm các nội dung: tên vaccine, số lượng, hạn dụng, đối tượng tiêm, số lô, thời điểm tiêm… Bác sĩ, y tá thực hiện tiêm chủng đều được tập huấn trước khi tiêm.

"Trường hợp ở Quốc Oai rất có thể là địa phương có dịch, người y tá đi tiêm về mệt quá nên hôm sau có nhầm lẫn giữa các lọ vaccine giống nhau, chỉ khác tên", ông nêu giả thiết, đồng thời nhấn mạnh: "Vậy nên, để tránh nhầm lẫn, sai sót, trong mọi tình huống trong tiêm chủng chúng ta cần thận trọng, có những tình huống vaccine và thuốc rất giống nhau đến mức nhìn thoáng qua thì không phân biệt được. Nhầm lẫn với thuốc có thể nguy cơ đến tính mạng. Tuy nhiên trường hợp này là 2 loại vaccine nên nguy cơ đến tính mạng là không có, nhưng vẫn sẽ ảnh hưởng và cần theo dõi thêm theo khuyến cáo của Bộ Y tế về loại vaccine này. Thường 14 - 28 ngày thì vaccine sẽ đào thải ra ngoài".

Thông tin sơ bộ từ UBND TP Hà Nội, ngày 3/11, Trạm Y tế xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội tổ chức tiêm chủng cho các cháu từ 1 tháng đến 6 tháng tuổi. Trong quá trình tiêm chủng đã xảy ra sự cố tiêm nhầm vaccine Comirnaty ngừa COVID-19 của hãng Pfizer-BioNtech cho 18 trẻ.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo khẩn trương chuyển toàn bộ các cháu đến bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn – cơ sở chuyên khoa đầu ngành về nhi của Thành phố để được chăm sóc y tế trong điều kiện tốt nhất.

Sở Y tế Hà Nội đã báo cáo Bộ Y tế và tham vấn ý kiến chuyên môn của các giáo sư hàng đầu trong nước, các chuyên gia y tế của tổ chức Y tế Thế giới và UNICEF.

Các chuyên gia hàng đầu của Bệnh Viện Nhi Trung ương đã trực tiếp thăm khám cho các cháu.

Hiện tại, tình trạng sức khỏe của các cháu đều ổn định, một số cháu có biểu hiện sốt, sưng đỏ nơi tiêm là những phản ứng thông thường sau tiêm; không có trường hợp nào sốc phản vệ.

Huyện Quốc Oai đã có chỉ đạo, yêu cầu Trung tâm y tế huyện và Trạm y tế xã Yên Sơn đình chỉ dây tiêm gồm 4 cán bộ y tế và đình chỉ công tác đối với cán bộ y tế trực tiếp tiêm để xem xét trách nhiệm và rà soát lại các quy trình tiêm chủng vaccine cho trẻ em.

Sở Y tế Hà Nội cũng đã chỉ đạo rà soát lại toàn bộ quy trình tiêm chủng trên địa bàn Hà Nội, tuyệt đối không để những tình huống tương tự xảy ra.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm