Viện Y dược học dân tộc TP HCM: Vì sao chi vượt trần, vượt quỹ khám chữa bệnh BHYT?

(PLO) - Tại chương trình làm việc của Đoàn Giám sát của Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam về tình hình chi vượt trần, vượt quỹ khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) thời gian qua, bác sỹ Huỳnh Nguyễn Lộc (Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh) cho biết,  trong 9 tháng đầu năm, Viện đã chi vượt trần, vượt quỹ khám chữa bệnh BHYT 25 tỷ đồng.
Chỉ 9 tháng đầu năm, Viện vượt trần, vượt quỹ KCB BHYT 25 tỷ đồng
Chỉ 9 tháng đầu năm, Viện vượt trần, vượt quỹ KCB BHYT 25 tỷ đồng

9 tháng đầu năm 2018, vượt trần, vượt quỹ 25 tỷ đồng

Viện Y dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh (Viện) là Bệnh viện chuyên ngành y học cổ truyền duy nhất trên địa bàn TP Hồ Chí Minh được đăng ký KCB BHYT. Từ tháng 7/2016, Viện chính thức nhận đăng ký KCB BHYT ban đầu và số lượng thẻ BHYT đăng ký tại đây không ngừng tăng. Nếu năm 2016 chỉ có 550 thẻ thì đến nay đã có hơn 6.600 thẻ. Bên cạnh những kết quả tích cực thì vấn đề đáng lo ngại từ năm 2017, tình hình chi vượt trần, vượt quỹ KCB BHYT tại Viện này bắt đầu xảy ra. Năm  2017 chỉ vượt trên 11 tỉ đồng và đến tháng 9/2018 đã tăng lên trên 25 tỉ đồng.

Về nguyên nhân dẫn đến việc vượt trần, vượt quỹ KCB BHYT tại Viện, Viện trưởng Huỳnh Nguyễn Lộc cho rằng: Thời gian qua tần suất sử dụng thẻ BHYT của người bệnh tại Viện tăng cao (từ 1,22 lượt khám/người bệnh/năm vào năm 2016 đã tăng lên trên 4,7 lượt vào năm 2018). Bên cạnh đó, người có thẻ BHYT đến KCB tại Viện chủ yếu là người lớn tuổi, có bệnh mãn tính, trong khi Viện là nơi duy nhất điều trị một số bệnh bằng y học cổ truyền như trĩ, ung bướu… và cơ cấu thẻ ban đầu không có các nhóm đối tượng HSSV và công nhân lao động, mà chủ yếu là người già…

Ngoài ra, từ đầu năm 2017 đến nay, Viện đã tăng cường một số dịch vụ kỹ thuật (DVKT) mới và đã được phê duyệt như: Xoa bóp bấm huyệt, vật lý trị liệu với phác đồ điều trị mới. Ngoài ra, Viện cũng đang chú trọng việc chữa trị bằng phương pháp không dùng thuốc như cấy chỉ, vật lý trị liệu…

Viện có chỉ định dịch vụ kỹ thuật rộng rãi hay không?

Sau khi nghe báo cáo của Viện, Đại tá Phạm Hữu Thao - Phó Cục trưởng Cục Tổ chức cán bộ (Bộ Công an)  đặt câu hỏi, nếu nguyên nhân vượt trần, vượt quỹ được Viện lý giải như vậy, tại sao cơ quan BHXH lại không chấp nhận thanh toán? 

Đại tá Phạm Hữu Thao đề nghị, Viện làm rõ hơn nguyên nhân vượt trần, vượt quỹ. Có hay không việc Viện chỉ định DVKT một cách rộng rãi? Ngoài ra, cần làm rõ việc xã hội hóa đầu tư máy móc, thiết bị y tế có hợp lý hay không?

Đồng quan điểm, ông Lê Hùng Sơn - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (BHXH Việt Nam) – nhận định: Qua báo cáo của Viện cho thấy, hiện đa tuyến đến tại Viện tăng rất nhanh (nội tỉnh từ trên 11.600 lượt vào năm 2016, tăng lên gần 18.000 lượt vào 9 tháng năm 2018; ngoại tỉnh trên 1.500 người vào năm 2016, tăng lên trên 4.700 người trong 9 tháng năm 2018). Đáng chú ý, chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, có người đi KCB tại Viện tới trên 20 lần… 

Ông Sơn đề nghị cần làm rõ, liệu có phải chất lượng KCB của Viện rất tốt, hay việc chỉ định DVKT không đúng quy định?...

Còn bà Lưu Thị Thanh Huyền - Phó Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh - cho rằng, cần có quan điểm rõ ràng trong việc sử dụng dịch vụ y tế của Viện. Hiện nay Viện đang sử dụng dịch vụ đông tây y kết hợp trong KCB. Vậy đâu là đông y, đâu là tây y cũng cần phải làm rõ. Thêm nữa, chính vì các dịch vụ y tế của Viện không có trong dữ liệu danh mục dùng chung nên thường bị xuất toán qua Hệ thống Giám định BHYT điện tử. Bên cạnh đó, việc đẩy dữ liệu KCB BHYT của Viện này lên Cổng giám định điện tử cũng còn chậm. "Vì vậy, đòi hỏi nhanh việc tạm ứng kinh phí cho Viện là không thể…" - bà Huyền khẳng định.

Trước những băn khoăn của các thành viên Đoàn giám sát, Viện trưởng Huỳnh Nguyễn Lộc cho biết: Ngoài những nguyên nhân đặc thù trong KCB BHYT như đã báo cáo, Viện cũng đang gặp khó khăn trong việc giải trình một số dữ liệu KCB BHYT. Vì vậy, Viện ghi nhận và sẽ có những báo cáo giải trình cụ thể với các cơ quan chức năng trong thời gian tới, đồng thời sẽ khắc phục ngay những hạn chế trong quá trình KCB BHYT./.