Viết cho tóc ngắn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ngay trong những ngày thi đấu đầu tiên của Thế vận hội Tokyo 2020, Quốc ca của Hàn Quốc đã vang lên khi nữ cung thủ An San, 20 tuổi giành 2 Huy chương Vàng ở các nội dung bắn cung đồng đội nữ và đồng đội hỗn hợp nam - nữ.
Viết cho tóc ngắn

Thế nhưng, có một điều đáng buồn đã xảy ra khi với đóng góp của An San, môn bắn cung của Hàn Quốc vươn lên hàng đầu thế giới, nhưng phẩm giá của chính cô lại bị vùi dập khi cô trở thành nạn nhân bị công kích trên Internet bởi người dùng mạng xã hội là nam giới ở Hàn Quốc – quê hương của nữ vận động viên.

Theo thông tin từ Hãng tin AFP thì cánh nam giới đó chỉ trích nữ cung thủ Hàn Quốc giành 2 Huy chương Vàng Olympic để tóc ngắn vì “muốn thể hiện nữ quyền” và theo họ đó là điều đáng lên án. Thậm chí nhiều nam giới còn quá khích đến mức đưa ra yêu cầu An San phải xin lỗi vì “muốn thể hiện nữ quyền” và đòi tước huy chương Olympic của cô.

Một số người đàn ông khác thậm chí còn sỉ nhục cô trên mạng xã hội: “Chúng tôi không huấn luyện và nuôi cô bằng tiền thuế để cô thực hiện những hành động thể hiện nữ quyền như thế”, một người viết trên tài khoản Instagram của An San.

Từ câu chuyện buồn của An San, nhiều người tự hỏi: Nữ quyền là gì và vì sao nó lại bị ghét bỏ? Theo Từ điển Oxford, nữ quyền là niềm tin, mục tiêu rằng phụ nữ phải có các quyền và cơ hội như nam giới và những cuộc đấu tranh để đạt được mục tiêu này.

Về định nghĩa này, nhiều người đưa ra lập luận rằng phụ nữ và nam giới ngay từ khi sinh ra đã không giống nhau nên không thể đòi hỏi bình đẳng. Thế nhưng, “giống nhau” không có nghĩa là “bình đẳng”. Cốt lõi của chủ nghĩa nữ quyền là về bình đẳng nam nữ, không phải sự giống hay khác nhau.

Nữ quyền, dù truyền cảm hứng cho mọi người nhìn nhận, hành động và tin tưởng vào phụ nữ, mở ra các phong trào góp phần thay đổi lịch sử, nhưng vẫn bị coi là một đặc quyền ảo tưởng, phi thực tế ở một số nơi trên thế giới.

Đài NPR của Mỹ đã từng đặt ra cho khán giả trên khắp thế giới của họ câu hỏi: “Trở thành một nhà nữ quyền ở đất nước của bạn có nghĩa là gì?” Và đây là các câu trả lời: “Ở Mỹ, nhiều định kiến bủa vây nhà nữ quyền. Không ít người coi các nhà nữ quyền là ích kỷ, thiếu suy xét, chống việc lập gia đình và không muốn ở nhà nuôi dạy con cái”; “Phản xã hội, kém hấp dẫn, không được yêu thương, mất việc là những gì người Hàn nghĩ về nhà hoạt động nữ quyền”; “Tại Bồ Đào Nha, người ta sẽ nói: “Bạn bất mãn về điều gì? Mọi thứ tốt hơn bao giờ hết” với nhà nữ quyền”…

Thực tế này cho thấy, khi nhiều người, trong đó có cả phụ nữ vẫn không hiểu nữ quyền thực sự là gì để đồng tình với nó thì sợi dây định kiến vẫn ràng buộc nữ giới trên khắp mọi nơi.

Thế nên, mới có câu chuyện phụ nữ đi xin việc luôn gặp phải những câu hỏi về việc kết hôn, sinh con, thậm chí bị bắt thử thai, trong khi điều đó không xảy ra với nam giới; trả lương bình đẳng là một giấc mơ với phụ nữ tại nơi làm việc; những áp lực đè nặng về tiêu chuẩn sắc đẹp ngoại hình, tâm hồn đang hiện hữu khiến một thế hệ phụ nữ trẻ ở châu Âu nhận ra rằng bình đẳng trong pháp luật không được chuyển hóa thành bình đẳng trên thực tế… Và câu chuyện của nữ vận động viên An San cũng là một ví dụ.

Về chuyện của An San, đã và đang có những phản pháo từ các chính trị gia, nhà hoạt động xã hội trước những bình luận tiêu cực đến từ mạng xã hội. Tuy nhiên, mọi vấn đề không thể chỉ giải quyết trong một sớm một chiều và “cuộc chiến” với nữ quyền, với nạn phân biệt giới tính sẽ còn kéo dài.

Nhớ cách đây không lâu, tại cuộc tọa đàm mang tên “Globalguytalk”, có một ý kiến rất độc đáo: “Tôi không muốn nói nhiều về đấu tranh đòi nữ quyền. Nếu mà nói đấu tranh thì sẽ có người thắng, người thua. Tôi ủng hộ sự win - win, làm sao để cả hai cùng thắng thông qua chia sẻ suy nghĩ, tình cảm… qua đó tôn vinh bình đẳng giới với mọi thành viên trong xã hội, trong gia đình”.

Ở một góc độ nào đó, quan điểm này không hề là bàn lùi, không hề là kéo lui “nữ quyền” về phía sau, mà đó chính là thế giới của tương lai khi tất cả đạt đến độ thấu cảm đủ để dành sự tôn trọng sâu sắc cho từng bản sắc cá nhân, từng bản sắc giới tính của mỗi con người.

Và từ nay đến ngày hạnh phúc đó, tôi mong rằng, An San và nhiều cô gái khác như em, dù thế nào thì vẫn cứ là chính mình, tóc ngắn, mắt bồ câu sáng ngời, sống tự tin.