Việt Nam cam kết đóng góp vào nỗ lực giảm nghèo

Đại sứ Bùi Thế Giang, Phó trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp quốc, cam kết Việt Nam sẽ nỗ lực cao nhất đóng góp vào công việc của Khóa họp 49 Ủy ban Phát triển xã hội Liên Hợp quốc thể hiện bằng một văn bản cuối cùng bao gồm các khuyến nghị then chốt nhằm cải thiện hơn nữa sự phối hợp và gắn kết giữa các cơ quan này, góp phần thực hiện tốt hơn các cam kết đã được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về phát triển xã hội.

Tại trụ sở Liên Hợp quốc ở New York, Ủy ban Phát triển xã hội Liên Hợp quốc đã bắt đầu phiên họp khóa 49 với chủ đề “Xóa đói giảm nghèo, mối quan hệ qua lại giữa hòa nhập xã hội với việc làm đầy đủ và tốt đẹp cho mọi người”.

Phát biểu tại khóa họp quan trọng này, Đại sứ Bùi Thế Giang, Phó trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp quốc, cam kết Việt Nam sẽ nỗ lực cao nhất đóng góp vào công việc của Khóa họp 49 Ủy ban Phát triển xã hội Liên Hợp quốc thể hiện bằng một văn bản cuối cùng bao gồm các khuyến nghị then chốt nhằm cải thiện hơn nữa sự phối hợp và gắn kết giữa các cơ quan này, góp phần thực hiện tốt hơn các cam kết đã được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về phát triển xã hội.

Quan ngại tình trạng bất bình đẳng

Tán thành hai cách tiếp cận của Tổng Thư ký Liên Hợp quốc trên cơ sở thu nhập và ngoài thu nhập trong việc đánh giá công tác xóa đói nghèo, Đại sứ Bùi Thế Giang bày tỏ quan ngại về tình trạng bất bình đẳng trong phân bổ các nguồn lực và tài nguyên sinh lợi phi tiền tệ hiện nay so với việc phân bổ thu nhập, khiến việc tăng thu nhập không đáp ứng được những thách thức xã hội.

Đại sứ cũng quan ngại nguy cơ đến năm 2015, hàng trăm triệu người sẽ tiếp tục sống trong nghèo đói mặc dù đất nước họ đã hoàn thành mục tiêu xóa đói giảm nghèo.

Điều này một lần nữa nêu bật sự cần thiết phải có cách tiếp cận toàn diện kết hợp với các chính sách hiệu quả để giảm đói nghèo, trong đó cần chú ý đảm bảo tăng trưởng bền vững và nhiều người được thụ hưởng, tạo việc làm, giảm bất bình đẳng, xử lý toàn diện các hậu quả do biến đổi khí hậu và xung đột gây nên.

Việt Nam về đích sớm

Đại sứ Bùi Thế Giang cho biết, Việt Nam đã về đích sớm trong việc thực hiện mục tiêu đầu tiên về xóa nghèo trong 8 Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc với việc giảm tỷ lệ người nghèo trong dân cư từ 58,1% năm 1993 xuống còn 9,45% trong năm 2010. Tuy nhiên, theo Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh tiêu chí nghèo và cận nghèo, số người nghèo tại Việt Nam trong năm 2011 có thể chiếm khoảng 15%.

Đại sứ nêu rõ, chính sách xóa đói giảm nghèo của Việt Nam không chỉ nhằm giúp tăng thu nhập cho người nghèo mà còn giúp họ cải thiện sinh kế và tiếp cận các dịch vụ xã hội như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, hòa nhập xã hội…

Hai năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc tạo việc làm, đào tạo và đào tạo lại cho người lao động, cung cấp vốn vay với lãi suất thấp, thực hiện các chương trình bảo hiểm sức khỏe và nhà cửa miễn phí cho người nghèo, cấp tín dụng ưu đãi cho học sinh và sinh viên..., từ đó góp phần để đất nước đạt mức tăng trưởng GDP 6,78% và nhanh chóng phục hồi sau cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu.

Trong số các chỉ số ngoài thu nhập để đo lường mức độ đói nghèo, Đại sứ Bùi Thế Giang đặc biệt nhấn mạnh yếu tố giáo dục và cho rằng giáo dục có thể giúp người nghèo tận dụng được các cơ hội việc làm, sản xuất và kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo quá trình hội nhập xã hội, công bằng và ổn định xã hội.

Đại sứ nêu bật Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học từ năm 2000, nâng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học từ 83% trong niên khóa 2008-2009 lên 92,6% niên khóa 2009-2010…

Còn nhiều việc cần làm

Tuy nhiên, ông Giang thừa nhận Việt Nam còn nhiều việc cần làm đối với ngành giáo dục, cụ thể như xây dựng chương trình dạy và học phù hợp hơn, tổ chức tốt hơn cơ cấu trường lớp, động viên sự tham gia tích cực và có trách nhiệm hơn của mọi thành phần xã hội.

Ngoài nỗ lực quốc gia, những việc này còn đòi hỏi sự chia sẻ thông tin, chuyên môn và kinh nghiệm quốc tế cũng như hỗ trợ kỹ thuật của nước ngoài, trong đó các cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc đóng một vai trò hết sức quan trọng.

P.V.

Đọc thêm