Việt Nam cam kết rất mạnh trong thúc đẩy, bảo vệ quyền của người khuyết tật

(PLO) - Qua các cuộc làm việc tại Việt Nam, bà Helena Berger - Chủ tịch kiêm CEO của Hội Người khuyết tật Mỹ (AAPD) – nhận định Chính phủ Việt Nam thực sự quyết tâm và cam kết rất mạnh trong việc đảm bảo cuộc sống cũng như thúc đẩy và bảo vệ quyền của người khuyết tật.
Bà Berger
Bà Berger

Trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua, bà Berger đã dành cho Báo PLVN một buổi phỏng vấn riêng. 

Thưa bà, bà có thể chia sẻ một chút thông tin về tình hình người khuyết tật ở Mỹ hiện nay cũng như các tổ chức hoạt động vì quyền của họ?

- Ở Mỹ hiện có khoảng 56 triệu người khuyết tật. Tuy nhiên, một báo cáo gần đây của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh cho rằng con số là khoảng 66 triệu người. Tôi chưa đọc báo cáo đó nhưng tôi nghĩ số người khuyết tật ở Mỹ dao động trong khoảng từ 57 đến 60 triệu người. Chúng tôi hiện có khoảng 1.000 các tổ chức đang hoạt động vì quyền của người khuyết tật, bao gồm cả cấp bang và liên bang.

Theo bà đâu là những thách thức lớn nhất đối với người khuyết tật?

- Một trong những thách thức lớn nhất đó chính là việc làm. Như các bạn đã biết, luật về người khuyết tật của Mỹ được xây dựng cách đây 28 năm nhưng hiện nay tỷ lệ việc làm, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của người khuyết tật ở Mỹ vẫn còn quá nhỏ. Khi không có việc làm thì cuộc sống của người khuyết tật sẽ gặp khó khăn, do đó họ khó có thể tự lập về mặt kinh tế, kéo theo khó có thể hòa nhập vào xã hội. Ngoài ra còn có thách thức rất lớn là nhiều người khuyết tật nhận được các dịch vụ hỗ trợ tại các trung tâm bảo trợ hoặc trung tâm trợ giúp cho người khuyết tật trong khi họ muốn nhận được dịch vụ tại nhà. Như vậy, có thể nói 2 thách thức lớn nhất đối với người khuyết tật trong việc hòa nhập cộng đồng hiện nay là việc làm và thứ hai là đảm bảo người khuyết tật có thể nhận được các dịch vụ trợ giúp tại nhà thay vì ở các trung tâm bảo trợ.

Như bà đã nói, một trong những thách thức lớn nhất đối với người khuyết tật hiện nay là vấn đề việc làm. Tại Việt Nam, người khuyết tật vẫn đang gặp nhiều trở ngại trong tìm kiếm  việc làm. Tới đây chúng tôi sẽ sửa Luật lao động, trong đó có ý kiến đề nghị luật cần quy định tạo việc làm cho người khuyết tật đề là nghĩa vụ của doanh nghiệp. Bà có bình luận như thế nào về đề xuất này?

-  Tôi nghĩ cách tốt nhất các bạn có thể làm ở đây là quy định theo luật thì người chủ doanh nghiệp không được đối xử với phân biệt đối xử với người khuyết tật vì khuyết tật nào đó. Nhưng tôi cũng nghĩ chỉ luật không thì không đủ vì như các bạn đã biết ở Mỹ, chúng tôi đã có Luật về người khuyết tật từ rất lâu, cơ sở hạ tầng cũng tốt hơn các bạn nhưng tỷ lệ người tham gia thị trường lao động và việc làm vẫn còn rất nhỏ. Tức là vẫn còn trở ngại rất lớn ở đây đó là thái độ của xã hội, mà muốn thay đổi thái độ của xã hội thì chúng ta phải chú trọng vấn đề giáo dục và tuyên truyền. Chẳng hạn, khi chủ doanh nghiệp tuyển dụng người khuyết tật, họ có thể có lo sợ nào đó hoặc có thể có những quan điểm không đúng về người khuyết tật. Nhưng, sau khi mình phổ biến thông tin, tuyên truyền cho họ, họ nhận thức được và qua quá trình làm việc với người khuyết tật, họ sẽ nhận thấy rằng trước đây mình nhận thức không đúng về người khuyết tật và sẽ cải thiện hành vi. Vì vậy, tôi nghĩ rằng song song với luật thì vấn đề rất lớn là cần cải thiện hành vi cũng như là giáo dục thông tin tuyên truyền cho các doanh nghiệp và các đối tượng khác trong xã hội.

Bà Berger chụp ảnh lưu niệm trong chuyến thăm Việt Nam. Ảnh: Trung tâm khuyết tật và phát triển
Bà Berger chụp ảnh lưu niệm trong chuyến thăm Việt Nam. Ảnh: Trung tâm khuyết tật và phát triển

Bà có nói rằng ở Mỹ, người khuyết tật không tự ti mà còn tự hào về bản thân của họ. Đó có phải là nhờ truyền thông?

-  Thực ra tôi nghĩ những điều đó không phải do truyền thông của chúng tôi mang lại. Cho đến hiện nay thì truyền thông có vẻ tốt hơn so với trước nhưng tôi cho rằng cách thực sự mà họ đưa tin về người khuyết tật vẫn mang tính chất giật gân nhiều hơn. Ví dụ, khi họ thấy người khuyết tật làm được điều gì đó thì họ đưa tin như kiểu đây là người hùng trong số những người khuyết tật. Ở Mỹ chúng tôi gọi đó là kiểu đưa tin “giật gân”, “câu view”. Do đó, tôi nghĩ để đẩy mạnh truyền thông về người khuyết tật một cách đúng đắn thì cần phải đẩy mạnh yếu tố về mặt nội dung thực chất, bao gồm cả những người đứng trước ống kính và sau ống kính. Điều đó có nghĩa là đằng sau ống kính phải có đội ngũ viết bài, đội ngũ viết kịch bản cho phim truyện hay kịch... thể hiện đúng tinh thần, tính chất của người khuyết tật. Bản thân những người đứng trước ống kính bao gồm các nhà báo, diễn viên cũng cần thể hiện và đưa tin về người khuyết tật một cách đúng đắn chứ không phải là “câu view”, “giật gân”.

Bà có nhắn nhủ gì đến người khuyết tật ở Việt Nam?

- Tôi có 2 thông điệp chính với các bạn khuyết tật ở Việt Nam. Thứ nhất, tôi thấy chính phủ Việt Nam thực sự quyết tâm và cam kết rất mạnh trong việc đảm bảo cuộc sống cũng như thúc đẩy và bảo vệ quyền của người khuyết tật. Thông điệp thứ hai của tôi là tất cả các bạn khuyết tật hãy chủ động khẳng định tiếng nói của mình và sử dụng những năng lực của mình có. Đừng là người chỉ đứng nhìn mà không hành động gì cả. Chúng ta hãy chủ động sử dụng tiếng nói của mình một cách tích cực và xây dựng với Chính phủ và các cấp chính quyền. Kinh nghiệm cho thấy, ở Mỹ, sở dĩ chúng tôi có được sự thành công như vậy là vì bản thân người khuyết tật đã tập hợp lại với nhau và bản thân họ là những người chủ động làm chủ được vận mệnh của họ. Ở Việt Nam cũng vậy thôi, khi người khuyết tật nhận thấy được rằng họ có quyền, có năng lực, có khả năng thì họ hoàn toàn có thể nói lên tiếng nói của mình để đạt được sự bình đẳng, cơ hội tham gia đầy đủ và thực hiện được tất cả các ước mơ của mình. Tôi nghĩ đó là cơ hội rất tốt cho chính bản thân của họ. 

Bà Helena Berger là nhà hoạt động trong lĩnh vực quyền của người khuyết tật trong 30 năm nay. Bà đã làm việc cho AAPD trong 20 năm, giữ các chức danh lãnh đạo như Giám đốc Điều hành, Trưởng phòng Hoạt động và Phó Chủ tịch Điều hành. Trước khi hoạt động trong AAPD, bà Berger là Giám đốc Vận động cho Hội Cựu chiến binh Bại liệt Miền đông (EPVA), sau này được đổi tên là Hội Chấn thương Cột sống Hợp nhất (United Spinal Association) vào năm 2005. Dưới sự lãnh đạo của bà, các chương trình vận động của EPVA đã mở rộng một cách đáng kể các hoạt động quảng bá giáo dục và cộng đồng, đặc biệt hướng tới nâng cao nhận thức của người Mỹ về Đạo luật về Khuyết tật. Nhờ đó, bà Berger có kinh nghiệm sâu rộng trong việc thiết kế và thực hiện các chương trình cơ sở và làm việc hiệu quả với các tổ chức phi chính phủ, lãnh đạo cộng đồng và doanh nghiệp và các cán bộ công chức để gia tăng sự hòa nhập cộng đồng, sự độc lập, và quyền cũng như cơ hội của người khuyết tật.

Chia sẻ về lý do khiến chọn công việc hiện nay, bà Helena Berger cho biết, thực ra bà đến với nghề này cũng là sự tình cờ. “Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi cũng đi xin việc và tình cờ có vị trí là vận động chính sách của một tổ chức người khuyết tật nên tôi nộp đơn và vào làm. Đó chính là sự khởi đầu trong công việc của tôi”, bà cho biết. Theo bà Berger, bản thân bà là người không khuyết tật, trong gia đình cũng không có ai là người khuyết tật nên trước đó bà nghĩ mọi việc đều bình thường nhưng đến khi làm vận động chính sách cho người khuyết tật bà mới thấy có hàng triệu người Mỹ khuyết tật đang bị phân biệt đối xử và bà phải làm gì đó để giúp chấm dứt tình trạng này. “Tôi cảm thấy rất may mắn khi mình đã gắn bó với công việc này. Tôi không coi đây là một công việc phải làm mà coi đó là một đam mê. Tôi cũng thấy việc tôi đến với nghề này giống như một cái duyên. Mỗi sáng thức dậy, tôi thấy rằng tôi đang làm một việc đúng đắn, tạo được ý nghĩa cho cuộc sống của những người khác. Tôi cảm nhận được niềm vui trong công việc của mình. Đó là điều mà không phải ai cũng có được”, bà nói. 

Đọc thêm