Việt Nam bắt đầu triển khai tiêm kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca từ ngày 8/3, đến nay đã tiêm được 1.585 người tại 13 cơ sở của 9 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. HCM, Hải Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai và Long An.
Trong đó đến thời điểm này mới ghi nhận 6 trường hợp phản ứng phản vệ mức độ 2, đều được xử lý kịp thời, hiện sức khoẻ cuả các trường hợp này đã ổn định, còn lại hầu hết các trường hợp khác đều có phản ứng nhẹ sau tiêm như đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, sốt nhẹ...
Một ngày sau tiêm chủng- ngày 9/3, các cán bộ, nhân viên y tế của BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, BV Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và tỉnh Hải Dương - những người ưu tiên thực hiện những mũi tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầu tiên cho biết, tất cả đều không bị những biểu hiện sức khoẻ bất thường và thấy vững tâm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Để triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất đến nay của Việt Nam, Bộ Y tế đã và đang triển khai hàng loạt các biện pháp nhằm đảm bảo kế hoạch tiêm chủng.
Mới đây nhất, ngày 6/3/2021, Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn trực tuyến triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và xử trí sốc phản vệ cho nhân viên y tế các tuyến tỉnh, huyện, xã trên cả nước và nhân viên hệ thống tiêm chủng VNVC.
Tại hội nghị tập huấn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lưu ý, phản ứng sau tiêm vắc xin COVID-19 là có thể, vì không vắc xin nào đảm bảo 100% an toàn; có thể xảy ra phản ứng thông thường cho đến phản ứng bất lợi.
Do yêu cầu của công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong quá trình triển khai tiêm chủng lần này, ngoài đảm bảo an toàn tiêm chủng, các địa phương phải tuân thủ nghiêm các quy chuẩn kỹ thuật phòng lây nhiễm SARS-COV-2.
Hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn cho người được tiêm vắc xin phòng COVID-19 là ưu tiên cao nhất, Bộ Y tế sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát cùng với các địa phương về thực hiện nguyên tắc “4 tại chỗ”, đảm bảo sẵn sàng các phương tiện phòng chống sốc và xử trí kịp thời, yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc đúng đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ, đảm bảo công bằng trong tiếp cận vắc xin.
Bên cạnh đó, các tuyến thực hiện giám sát hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật và rút kinh nghiệm cụ thể, từ đó chia sẻ cho các cán bộ y tế tại các tuyến để triển khai tiêm chủng an toàn, đạt tỷ lệ cao.