Tính trên phạm vi toàn cầu, GS Jean-Piere Michel, Giám đốc Liên đoàn đào tạo lão khoa của Hội Lão khoa thế giới cho biết, hiện có khoảng 35,6 triệu người bị sa sút trí tuệ, nhiều nhất là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình (chiếm 58%). Điều đáng nói là mỗi năm lại có thêm 7,7 triệu người mắc mới. Cứ 3 giây là thế giới có thêm 1 người bị sa sút trí tuệ.
GS.TS Phạm Thắng - Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, sa sút trí tuệ nói chung và bệnh Alzheimer nói riêng hiện nay là mối quan tâm hàng đầu của những chuyên gia lão khoa, bởi khi tuổi thọ trung bình ngày càng cao, số người mắc bệnh này ngày càng nhiều.
Tuy nhiên, với những người cao tuổi, tuổi càng cao thì những vấn đề sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer xuất hiện ngày càng nhiều. Đây là một trong những gánh nặng về sức khỏe không chỉ ảnh hưởng đến một người mà còn ảnh hưởng đến nhiều gia đình và cộng đồng.
Biểu hiện của chứng sa sút trí tuệ có nhiều giai đoạn từ nhẹ đến nặng như: Giảm trí nhớ gần, giảm khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ, thay đổi cá tính, cảm xúc, giảm hoặc mất khả năng thực hiện các công việc hàng ngày, như: vệ sinh cá nhân, ăn uống; mất định hướng về không gian và thời gian, rối loạn hành vi nặng, hoang tưởng, ảo giác,... Khả năng hồi phục phụ thuộc bệnh lý và liệu pháp điều trị.
Hiện nay tại Việt Nam vẫn chưa có các chương trình và dịch vụ liên quan đến sa sút trí tuệ. Trong thời gian tới hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được củng cố và thành lập mới để tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong cộng đồng. Việc đẩy mạnh mạng lưới chăm sóc sức khỏe người cao tuổi sẽ giúp phát hiện sớm và quản lý các bệnh trên hiệu quả, giảm bớt chi phí cho người bệnh.