Chia sẻ với báo chí về những vấn đề liên quan, đặc biệt khi Cộng đồng ASEAN sẽ hình thành vào cuối năm nay, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung nhấn mạnh, Việt Nam có rất nhiều đóng góp mang đậm dấu ấn riêng trong ASEAN, nhất là trong việc thu hẹp khoảng cách phát triển để tăng cường sự đoàn kết và sức mạnh của ASEAN.
ASEAN phải thu hẹp khoảng cách phát triển bằng chính sách
Cộng đồng ASEAN được hình thành vào cuối năm nay, liên kết kinh tế giữa các nước trong khối sẽ trở nên chặt chẽ hơn. Liệu việc này có dẫn tới nguy cơ khủng hoảng dây chuyền không, thưa Thứ trưởng?
- Trong một thế giới liên kết ngày càng tăng và tính phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng, khủng hoảng ở quy mô như Hy Lạp sẽ tác động đến cả khu vực và trên thế giới. Nếu khủng hoảng đó xảy ra trong một khối như ASEAN chắc chắn các nước trong khối bị ảnh hưởng. Nhưng Cộng đồng ASEAN khác với EU ở nhiều điểm, đặc biệt ASEAN không có đồng tiền chung.
Các quốc gia sử dụng đồng tiền chung được hưởng nhiều thuận lợi, nhưng cũng có ít linh hoạt hơn trong xây dựng chính sách thương mại, tài khóa, tiền tệ. Bên cạnh đó, quá trình xây dựng các thỏa thuận, hiệp định của ASEAN là tiệm tiến và linh hoạt, trên cơ sở hoàn cảnh cụ thể của từng quốc gia. Việt Nam và các nước ASEAN khác đều tham gia các thỏa thuận của khối ngay từ đầu, nên đều tính tới điều kiện cụ thể của từng nước.
Thêm vào đó, một trong bốn nội dung chính của Cộng đồng kinh tế ASEAN là phải thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên. Trong EU, những nước phát triển hơn và quỹ chung của EU cung cấp khoản tiền lớn cho các nước chậm phát triển hơn. Nhưng trong ASEAN hầu như không có nước nào ở trình độ phát triển như các nước EU. Phần lớn các nước ASEAN đều đang phát triển. Đó là điều không thuận lợi của ASEAN, nhưng cũng khiến ASEAN phải vươn lên hơn, phải thu hẹp khoảng cách phát triển bằng chính sách là chính. Do vậy, khi xảy ra khủng hoảng cũng sẽ có tác động, nhưng tôi cho rằng đó là do kinh tế ngày càng kết nối chứ không phải ra đời hiệp hội, ra đời cộng đồng.
Việc duy trì hòa bình ổn định ở khu vực là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia ASEAN. Vậy, Thứ trưởng đánh giá thế nào về sự đoàn kết và quan điểm của ASEAN đối với việc giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ trong khu vực, trong đó có có vấn đề biển Đông?
- Trong vấn đề biển Đông, về cơ bản, các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế đều cho đây là vấn đề quan trọng, gắn liền với hòa bình an ninh, hợp tác ở Đông Nam Á. Ngoài ra, đây là một vấn đề liên quan đến cộng đồng quốc tế, quyền tự do đi lại, quyền tự do hàng hải, do thực tế về lưu lượng rất lớn của hàng hải qua đây.
Do vậy, ASEAN và cộng đồng quốc tế thấy sự cần thiết phải phối hợp với nhau để thúc đẩy hợp tác ở khu vực biển Đông, đồng thời có biện pháp để ngăn ngừa xung đột, tạo điều kiện thuận lợi giải quyết tranh chấp.
Trong thời gian vừa qua, ASEAN đã có những hoạt động rất có ý nghĩa để giúp tăng cường hòa bình, an ninh và ổn định, trong đó có giải quyết các vấn đề tranh chấp. Hiện nay, ASEAN và Trung Quốc đã đạt được một số kết quả nhất định trong việc bàn về thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) và tiến tới sớm ký kết tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Tuy nhiên, ý kiến chung của ASEAN và nhiều nước khác là quá trình này còn chậm hơn nhiều so với những diễn biến phức tạp thực tế đang xảy ra trên biển Đông.
Tăng cường sự đoàn kết và sức mạnh của ASEAN
Vậy có hay không nguy cơ mất đoàn kết trong ASEAN khi ra đời Cộng đồng chung, thưa ông?
- Muốn phát huy vai trò trung tâm, trước hết các nước ASEAN phải đoàn kết, thống nhất. Chúng ta đều biết khẩu hiệu của ASEAN là “thống nhất trong đa dạng”. ASEAN đa dạng về lịch sử, văn hóa, chính trị, trình độ phát triển, do đó lợi ích cũng khác nhau. Nhưng ASEAN cần giải quyết hài hòa lợi ích quốc gia và lợi ích của các khu vực, lợi ích ngắn hạn và dài hạn. Ví dụ, lợi ích chung của cả khu vực là làm sao để đảm bảo hòa bình, an ninh, nên các nước trong khu vực cũng phải ủng hộ những nỗ lực góp phần thúc đẩy, bảo vệ hòa bình, an ninh, lên tiếng phản đối những hành động, chính sách làm ảnh hưởng đến hòa bình an ninh.
So với những năm trước đây, các nước ASEAN đã nhất trí hơn về quan điểm trong các vấn đề lớn, trong đó có vấn đề biển Đông. Các nước đều nhất trí cho rằng hòa bình, ổn định, an ninh ở biển Đông là mối quan tâm chung. Các nước đều nhất trí để bảo đảm điều đó thì phải bảo đảm quyền tự do hàng hải, tự do bay trên các vùng trời, vùng biển quốc tế ở biển Đông; đều nhất trí phải thực hiện nghiêm túc DOC, tiến tới COC và giải quyết hòa bình các tranh chấp; đều lo ngại về các diễn biến gần đây nhưng ở các hội nghị khác nhau có những thể hiện khác nhau.
Theo ông, đâu là đóng góp mang đậm dấu ấn của Việt Nam nhất trong ASEAN?
- Việt Nam có rất nhiều đóng góp mang đậm dấu ấn riêng. Việt Nam cũng là nước đưa ra sáng kiến kết nối toàn diện ASEAN, thu hẹp hoảng cách phát triển. Nói về thu hẹp khoảng cách phát triển, không phải bởi Việt Nam là nước có trình độ phát triển thấp hơn so với các nước khác nên đưa ra sáng kiến đó, mà Việt Nam cho rằng đó là cơ sở quan trọng để tăng cường sự đoàn kết và sức mạnh của ASEAN. Việt Nam cũng có sáng kiến thúc đẩy Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng mở rộng (ADMM+) được thông qua trong thời kỳ Việt Nam làm Chủ tịch.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!