Thiệt hại nặng về người và của do mưa lớn, lũ dữ

(PLO) - Mưa lũ kéo dài từ ngày 25/7 đến nay trên địa bàn tỉnh đã làm 17 người thiệt mạng (không phải 18 như thông báo ban đầu), 6 người mất tích. 3 người trong 1 gia đình ở cao Bằng cũng thiệt mạng do sạt lở đất. Nhiều bản làng bị cô lập, nhiều nhà bị nhấn chìm bởi nước dữ...
Nước suối Vàng Danh dâng cao
Nước suối Vàng Danh dâng cao
Quảng Ninh thiệt hại nặng nề nhất
Quảng Ninh là tỉnh phải hứng chịu nhiều thiệt hại nhất từ trận lũ lụt lịch sử. Mưa lũ kéo dài từ ngày 25/7 đến nay trên địa bàn tỉnh đã làm 17 người thiệt mạng (không phải 18 như thông báo ban đầu), 6 người mất tích, 15 người bị thương; khoảng 3.700 hộ dân, trường học, bệnh xá ngập lụt; hàng trăm ngôi nhà sập đổ; tài sản, hoa màu của người dân ở nhiều vùng mất trắng; hạ tầng kinh tế, giao thông hư hỏng nặng... Ước thiệt hại lên tới 1.500 tỉ đồng, trong đó riêng ngành than thiệt hại hơn 500 tỉ đồng.
Người dân Quảng Ninh phải vận chuyển than ra khỏi vùng lũ.
 Người dân Quảng Ninh phải vận chuyển than ra khỏi vùng lũ.
 
Mưa lớn vẫn đang diễn ra, khiến đường vào khu vực danh thắng Yên Tử bị cô lập, giao thông tê liệt hoàn toàn. Lữ đoàn 147 điều động 2 xe lội nước đưa dân ra khỏi vùng ngập lụt. Mưa lớn đe dọa nhấn chìm hàng trăm hộ dân tại Uông Bí, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo cho phá đập tràn sông Sinh để thoát lũ cứu dân khẩn cấp.

Nước sông Mã dâng cao đe dọa người dân Thanh Hóa

Thông tin từ UBND huyện Quan Hóa ngày 3/8 cho biết, nước sông Mã dâng cao làm ngập lụt nhà của nhiều hộ dân sinh sống ven bờ sông, suối. 
Đến trưa 3/8, mực nước ở sông Mã tiếp tục dâng khiến nhiều xã của huyện Quan Hóa như: Thanh Xuân, Phú Xuân, Phú Lệ, Thành Sơn, Trung Thành chạy theo quốc lộ 15A đã bị ngập lụt cục bộ. 
Nước sông Mã dâng cao khiến nhà người dân chìm vào biển nước.
 Nước sông Mã dâng cao khiến nhà người dân chìm vào biển nước.
Trên tuyến quốc lộ 15A, nhiều đoạn bị ngập sâu cả mét nước. Một số bản, làng đã bị cô lập do nước tràn vào ngập ruộng đồng, đường liên thôn.

Lũ ống lớn nhấn chìm 45 căn nhà tại Cát Hải, Hải Phòng

Trong hai ngày (28 – 29/7), tại huyện đảo Cát Hải, thành phố Hải Phòng, sóng to, gió lớn kèm theo mưa kéo dài gây ngập lụt toàn bộ xã đảo Việt Hải. Xã Gia Luận và một số tuyến đường qua vườn quốc gia Cát Bà cũng bị nước lũ chia cắt.
Đến 17h ngày 29/7, hai xã Gia Luận và Việt Hải bị chia cắt hoàn toàn, giao thông đi lại bị tê liệt. Mưa lớn đã làm 45 căn nhà bị ngập sâu, 11ha lúa và hoa màu bị ngập, 600 con gia cầm bị cuốn trôi. Trong vòng 4 tiếng đồng hồ, mưa lớn đã gây ngập lụt toàn bộ xã đảo Việt Hải. Đây là đợt lũ ống lớn nhất từ trước đến nay tại đảo Cát Bà.
Hình ảnh lũ lớn tại Cát Hải.
 Hình ảnh lũ lớn tại Cát Hải.
Toàn bộ lực lượng phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn ở trạng thái thường trực, với lực lượng lên đến hơn 10.000 người, 46 ô tô các loại, 18 xuồng cao tốc, 4 xe thiết giáp.
Cao Bằng: 3 người thiệt mạng, 5 người bị thương do sạt lở đất
Hơn 21h ngày 2/8, hàng nghìn khối đất đá sạt lở xuống nhà anh Triệu Sành Khuôn (40 tuổi) ở xóm Nà Tềnh, xã Cần Nông, huyện Thông Nông (Cao Bằng). Anh Khuôn cùng vợ là chị Triệu Thị Chuổng (43 tuổi) và con trai Triệu Văn Say (20 tuổi) thiệt mạng.

5 người khác trong gia đình anh bị thương được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. 
Điện Biên vỡ đập do mưa lớn gây thiệt hại nặng nề
Đợt mưa lũ kéo dài đã khiến cho 4 người bị thương, 20 con trâu, bò, 67 con lợn, 11.500 con gia cầm trên địa bàn tỉnh bị chết. Đợt mưa vừa qua cũng khiến 159 công trình thủy lợi, một cầu dân sinh bị cuốn trôi, 59 đập bị hư hỏng. Mưa lũ cũng đã cuốn trôi hoàn toàn 2 ngôi nhà, 21 hộ gia đình ngập sâu, ước tính thiệt hại lên đến hơn 100 tỷ đồng.
Vào khoảng 7h sáng ngày 31/8, đập Huổi Củ đã bất ngờ bị vỡ tung, dòng nước ập xuống quét qua khu Tân Tiến, thị trấn Tuần Giáo tỉnh Điện Biên.
Theo tin lũ lụt ngày 2/8 tại tỉnh Điện Biên, tài sản của các hộ dân dù chưa có thống kê cụ thể nhưng cũng đã có gần 100 chiếc xe máy cùng các loại nội thất, gia dụng trong gia đình đã bị lũ cuốn trôi.
Ông Lê Thành Đô, Phó chủ tịch tỉnh Điện Biên cho biết, ngay sau khi nhận được tin vỡ đập Huổi Củ, UBND tỉnh đã ngay lập tức cử ông Lò Văn Tiến, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh trực tiếp xuống hiện trường để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả của trận mưa lũ.
Lào Cai sạt lở đất do mưa lớn
Tại Lào Cai, mưa lớn diễn ra trong nhiều giờ khiến chính quyền phải sơ tán gấp 36 hộ dân ở các huyện Sa Pa, Bắc Hà ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở ngay trong đêm. Mưa lũ gây sạt lở làm nhiều tuyến đường giao thông liên xã, liên thôn bị ách tắc. Hơn 20 ha lúa đang trổ bông của xã Cán Hồ, huyện Si Ma Cai bị ngập nước, hư hỏng hoàn toàn.
Sạt lở đất tại Lào Cai
 Sạt lở đất tại Lào Cai
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh Lào Cai cho biết sáng nay, cha con anh Thào A Dình (44 tuổi) và con Thào A Dề (15 tuổi) đi xe máy đến đoạn tỉnh lộ 152 thì bị đất đá sạt lở xuống đường làm bị thương.
Hiện tại, theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, mưa lớn vẫn đang xảy ra trên diện rộng ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Vì thế các ban ngành và người dân cần cùng có kế hoạch cụ thể để phòng tránh và đối phó, tránh thiệt hại về người và của.

Đọc thêm