Việt Nam hướng tới thực hiện mục tiêu khí hậu: Chú trọng tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việt Nam được đánh giá có tiềm năng lớn về điện gió ngoài khơi và đang trong quá trình xây dựng hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo này, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Đại diện Đại sứ quán Na Uy ở Hà Nội, UNDP, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam trong buổi ký kết thỏa thuận nhằm hỗ trợ quy hoạch quốc gia không gian biển Việt Nam ngày 23/11/2022. (Ảnh: UNDP)
Đại diện Đại sứ quán Na Uy ở Hà Nội, UNDP, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam trong buổi ký kết thỏa thuận nhằm hỗ trợ quy hoạch quốc gia không gian biển Việt Nam ngày 23/11/2022. (Ảnh: UNDP)

Cơ hội lớn từ đại dương

Tại Hội nghị COP27, Việt Nam đã thể hiện rõ mối quan tâm với việc phát triển điện gió ngoài khơi (ĐGNK) trong thời gian tới. Trong một phiên bên lề tại Hội nghị COP27, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định: Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á có tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi lớn, tiềm năng phát triển điện gió có thể nâng lên 600GW. Trong bản Đóng góp quốc gia tự cập nhật (NDC) năm 2022 mà Việt Nam gửi tới Hội nghị COP27 cũng nhấn mạnh một trong các biện pháp thúc đẩy thực hiện NDC là hoàn thiện chính sách, quy hoạch không gian biển quốc gia cho phát triển ĐGNK.

Còn trong Tờ trình số 7194/TTr-BCT ngày 11/11/2022 của Bộ Công Thương về phê duyệt Đề án Quy hoạch Điện VIII cũng nêu rõ: xác định ưu tiên phát triển mạnh điện gió trên bờ và ĐGNK. Dự kiến năm 2030 công suất điện gió trên bờ lên đến 21.480MW, còn ĐGNK là 7.000MW.

Tận dụng được tiềm năng to lớn về năng lượng gió biển như một nguồn năng lượng tái tạo quan trọng cho mục tiêu về khí hậu của quốc gia là một trong những tiền để quan trọng mở ra tiềm năng của nền kinh tế biển xanh tại Việt Nam. Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện chính sách, hệ thống pháp luật và các quy định cụ thể về ĐGNK, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững và hiệu quả của các dự án ĐGNK.

Theo bà Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc điều hành Sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam (VIETSE), ở thời điểm hiện tại, một trong những thách thức với việc phát triển các dự án ĐGNK tại Việt Nam là chưa có quy hoạch không gian biển. Cụ thể, trong quy hoạch cần xác định khu vực nào dành cho năng lượng, khu vực nào dành cho đánh bắt, nuôi trồng hải sản, khu vực nào dành cho hoạt động vận chuyển, hậu cần,… Vì chưa có quy hoạch nên chưa hình thành những phương án cho thuê biển cụ thể, khiến các nhà đầu tư e dè chưa dám bỏ tiền đầu tư.

Đồng tình, TS. Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng đề xuất cần xây dựng luật ĐGNK, cùng các nghị định, thông tư, quy định kỹ thuật và tiêu chuẩn quốc gia liên quan.

Một sự kiện đáng chú ý là vào ngày 23/11/2022, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) và Đại sứ quán Na Uy ở Hà Nội đã ký một thỏa thuận nhằm hỗ trợ quy hoạch quốc gia không gian biển vì sự bền vững của đại dương và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Tại sự kiện có sự tham dự của các đại diện từ Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam khẳng định: “Đại dương cung cấp các cơ hội quan trọng cho sự phục hồi kinh tế xanh và kinh tế biển, đồng thời mang lại tiềm năng to lớn cho năng lượng gió ven bờ và xa bờ, nếu được phát triển bền vững, sẽ hỗ trợ an ninh năng lượng và giúp Việt Nam đạt được cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”.

Cân nhắc tác động tới hệ sinh thái biển

Việc phát triển ĐGNK cũng phải tính đến những tác động đối với hệ sinh thái biển và cộng đồng sống dựa vào biển để đảm bảo quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng, bền vững.

Điện gió ngoài khơi là nguồn năng lượng tái tạo quan trọng cho mục tiêu khí hậu của Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Điện gió ngoài khơi là nguồn năng lượng tái tạo quan trọng cho mục tiêu khí hậu của Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Theo đánh giá của UNDP, Việt Nam là quốc gia với hơn một phần ba dân số sống ở các vùng ven biển. Đại dương của Việt Nam đang bị đe dọa do môi trường sống bị chia cắt, suy thoái, đánh bắt cá và các hình thức khai thác quá mức, biến đổi khí hậu và ô nhiễm chủ yếu là rác đại dương. Các nguồn tài nguyên biển, trong đó có rạn san hô ở Việt Nam, đang bị suy thoái và suy giảm nghiêm trọng.

Riêng về tác động tiềm tàng của các dự án ĐGNK đến hệ sinh thái biển, TS. Dư Văn Toán chỉ ra: Ảnh hưởng đáng kể của turbin điện gió đặt ngoài khơi đến sinh thái biển là độ ồn và tần số rung trong nước biển khi lắp đặt chân đế và đóng trụ trên nền biển, có thể ảnh hưởng đến sự sinh sống của sinh vật biển, cá voi và cá heo.

Bên cạnh đó, việc đặt dây cáp dưới nền biển để dẫn điện về đất liền có thể xáo động sự sinh sống của những sinh vật sống dưới biển cũng như sinh thái biển, đặc biệt là tại những vùng biển cần bảo vệ. Ngoài ra, turbin điện gió có thể là chướng ngại cho tàu thuyền đi biển hoặc việc đánh bắt hải sản nếu trang trại điện gió nằm gần tuyến hàng hải hoặc ngư trường.

Bởi vậy, các hoạt động khai thác, sử dụng biển đều phải cân nhắc đến nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới hệ sinh thái biển và các cộng đồng sống ven biển, để có giải pháp ứng phó, khắc phục kịp thời.

Đọc thêm