Việt Nam lần đầu tiên ghép phổi người lớn từ người cho chết não

(PLO) -Theo dự kiến, vào tháng 9/2017, Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức (Hà Nội) sẽ lần đầu thực hiện ca phẫu thuật ghép phổi cho người lớn từ người hiến chết não. Ngoài ra, bệnh viện cũng đã sẵn sàng cho việc ghép tứ chi, ghép mặt và ghép tử cung.
GS.TS Trịnh Hồng Sơn- Phó giám đốc bệnh viện Việt- Đức
GS.TS Trịnh Hồng Sơn- Phó giám đốc bệnh viện Việt- Đức

Bước tiến mới

Tính đến 31/5/2017, số ca ghép tạng tại Việt Nam lên tới 2425 ca. Trong đó, Việt Nam đã thực hiện thành công 2327 ca ghép thận, 77 ca ghép gan, 18 ca ghép tim, một ca ghép thận tụy, một ca ghép tim phổi và một ca ghép phổi. Tổng số người đăng ký hiến tạng sau khi chết/chết não toàn quốc (tính đến 15/6/2017) là 8315. 

Trình độ ghép tạng của Việt Nam được đánh giá ngang tầm với khu vực và quốc tế. Tỉ lệ sống sau ghép tạng ở nước ta tương đương với thế giới, thậm chí về ghép thận, tỉ lệ kéo dài cuộc sống sau ghép còn cao hơn.

Cả nước hiện có 18 cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện các kỹ thuật ghép tạng. Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức là một trong những cơ sở được trang bị tất cả những thiết bị máy móc tiên tiến nhất, nhiều kỹ thuật mới, hiện đại đã được thực hiện thành công tại bệnh viện này.

Tính đến nay, Bệnh viện này đã tiến hành hàng chục ca ghép gan, trong đó tỷ lệ sống sau 1 năm tới 90%. Con số này cao hơn hơn với báo cáo của nhiều quốc gia có nền y học phát triển. 

Bệnh viện cũng thực hiện thành công hàng chục ca ghép tim ở Việt Nam. Đáng chú ý, ca ghép tim thứ 9 cho bệnh nhân T có trái tim bên phải được giới chuyên môn đánh giá là một kỳ tích trong lịch sử ghép tạng, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới.

Những thành tựu trên đã trở thành động lực để các chuyên gia ghép tạng của Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức chuẩn bị cho ca ghép phổi người lớn đầu tiên ở Việt Nam dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 9/2017.

“Bệnh nhân dự kiến được ghép phổi là một người đàn ông bị bệnh lý về phổi, phải sử dụng máy thở để duy trì sự sống. Ca ghép phổi cho người lớn đầu tiên này sẽ rất nhiều khó khăn do Việt Nam chưa có kinh nghiệm.

Ghép phổi vốn là loại ghép tạng dễ gặp nhiễm trùng nhất và hồi sức sau ghép cũng vô cùng nhiều thách thức. Hơn nữa, ca ghép không phải là đề tài Nhà nước nên sẽ gặp nhiều khó khăn về kinh phí”, GS.TS Trịnh Hồng Sơn (Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức, Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người) cho biết.

Dù vậy, bệnh viện đã chuẩn bị kỹ càng cho ca ghép từ nguồn ghép, người nhận, phẫu thuật viên, các trang thiết bị, máy móc hiện đại, bàn mổ… Mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng, công tác chăm sóc sau ghép cũng đã lên kế hoạch. 

“Trong tình huống có ngay người chết não hiến phổi với các chỉ số phù hợp, chúng tôi có thể tiến hành ghép phổi luôn mà không cần chờ đến kế hoạch”, GS Sơn khẳng định.

Những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản vì lý do nào đó phải cắt bỏ tử cung, tới đây cũng có thể sinh nở bằng phương pháp ghép tử cung. Cùng với đó, ghép mặt được đánh giá là phương thức đơn giản hơn, giống như tạo hình khuôn mặt. 

Ghép ruột là vấn đề thách thức về nguồn tạng. Hiện nay, có nhiều người bệnh phải cắt ruột cấp cứu, các bác sĩ thực hiện phẫu thuật nối tá tràng với đại tràng khiến cơ thể sau khi cắt ruột rất tiều tụy. Nếu được ghép ruột non thì sức khỏe những người bệnh này sẽ hồi phục được như bình thường.

Với ghép tứ chi, về mặt kỹ thuật các chuyên gia không quan ngại vì thực tế việc ghép chi tự thân cho những người không may bị đứt cũng đã được thực hiện rất nhiều và rất thành công.

Nỗi lo không của riêng ai

Theo GS.TS Trịnh Hồng Sơn: Con số bệnh nhân chờ ghép tạng lên tới hàng nghìn trường hợp, trong đó, phần lớn đều đã không có cơ hội để chờ đợi thêm bởi suy gan, suy thận, suy tim… đã đến giai đoạn cuối, không cho phép họ có nhiều thời gian để chờ đợi.

Trung bình mỗi ngày, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức có 3 - 5 trường hợp chết não do tai nạn giao thông và tai biến mạch máu não. Trên cả nước có hàng nghìn trường hợp chết não mỗi năm. Thế nhưng trong 5 năm qua, con số người chết não cho tạng để cứu các bệnh nhân lại vô cùng ít ỏi. 

Nhiều người nghĩ rằng chết não vẫn có cơ hội sống dù là sống thực vật. Tuy nhiên, theo GS Trịnh Hồng Sơn, bệnh nhân đã chết não thì không thể nào cứu được, ông khẳng định đã chết não là chết. Chính vì thế, khi không may có người chết não chúng ta nên nghĩ đến việc hiến tạng để cứu những người không may mắn mắc phải các bệnh khác.

Trước khó khăn thách thức về nguồn tạng ghép, Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức chủ trương ghép nhiều tạng cùng lúc từ người cho đa tạng để sử dụng tối đa nguồn tạng hiến.

“Hiến tạng là nghĩa cử vô cùng nhân văn, cao cả. Một cuộc đời người mất đi vì tai nạn, chết não thì vẫn có thể cứu được bao nhiêu người. Thận, tim, gan, giác mạc… có thể giúp cho những người khác có cơ hội sống, cơ hội nhìn thấy cuộc đời. Chúng tôi luôn nhớ những ân nhân – bệnh nhân của những ca ghép đặc biệt đó”, GS Sơn chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc (Phó Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người), ngay khi xây dựng dự án Luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, các chuyên gia trong ban soạn thảo và bản thân ông đã dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu về quan niệm “cái chết toàn thây”.

Khi được hỏi về vấn đề này, các bậc tu hành, trong đó có các vị chức sắc tôn giáo - những người có vai trò lớn trong đời sống tâm linh - đều khẳng định trong các tôn giáo chính thống hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam, không một tôn giáo nào nói về “cái chết toàn thây”. 

Đọc thêm