Việt Nam - Lào: Tập trung nguồn lực cho phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy

(PLVN) - Ngày 14/10, Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm đã dự Hội nghị song phương cấp Bộ trưởng giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Lào về hợp tác phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và phòng, chống ma túy.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long và các đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh: VGP).

Tại Hội nghị, hai bên đã trao đổi về công tác hợp tác phòng, chống tội phạm về mua bán người, tội phạm về trật tự xã hội, tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào. Hai bên cũng thảo luận phương hướng, giải pháp để nâng cao hiệu quả hợp tác phòng, chống tội phạm, trật tự, an toàn xã hội, tội phạm ma túy trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nêu rõ, sau đại dịch COVID-19, hoạt động của các đường dây, tổ chức tội phạm có liên quan đến hai nước Việt Nam - Lào đang có xu hướng gia tăng; đối tượng phạm tội ngày càng đa dạng và manh động hơn, bao gồm các lĩnh vực như tội phạm ma túy, kinh tế, hình sự, buôn lậu, lừa đảo qua mạng... Có thể thấy cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy (PCMT) và tội phạm xuyên quốc gia của hai nước ngày càng cam go và quyết liệt, đòi hỏi các cơ quan chức năng mỗi nước phải phối hợp chặt chẽ, triển khai các giải pháp phù hợp trước mắt cũng như lâu dài nhằm đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả với các loại tội phạm nguy hiểm này.

Với mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt giữa hai Đảng, hai Chính phủ Việt Nam - Lào, quan hệ về hợp tác PCMT và tội phạm giữa hai nước được thiết lập từ rất sớm. Trên cơ sở các thoả thuận hợp tác giữa hai nước, lực lượng Công an các đơn vị, địa phương của Việt Nam và Lào đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ theo phân công và đạt được những kết quả quan trọng.

Ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công an hai nước trong việc tăng cường các hoạt động hợp tác, nghiên cứu tìm ra sáng kiến, giải pháp nhằm kịp thời ứng phó với những diễn biến mới của tình hình tội phạm và ma túy hiện nay, Phó Thủ tướng cho rằng, còn nhiều thách thức, khó khăn phía trước. Đặc biệt, tình hình tội phạm trên tuyến biên giới Việt - Lào diễn biến phức tạp; phương thức, thủ đoạn rất tinh vi và manh động; tình trạng trồng cây có chứa chất ma túy còn xuất hiện ở một số khu vực giáp ranh hai nước; công tác quản lý tiền chất còn nhiều sơ hở, hạn chế.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị hai đoàn đại biểu tập trung cùng nhau trao đổi, đánh giá thẳng thắn, thực chất về tình hình, kết quả đã đạt được, tháo gỡ những vấn đề còn tồn tại, khó khăn trong quá trình phối hợp và thảo luận, thống nhất đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác giữa hai Bộ. Hai bên cần phải xác định rất rõ về quan điểm và một số mục tiêu trọng tâm cần tập trung hợp tác trong thời gian tới, là tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm và tệ nạn ma túy, giảm các loại trọng án, giảm tội phạm ở các địa bàn trọng điểm, góp phần xây dựng xã hội an toàn, ổn định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng ngừa tội phạm và tệ nạn ma túy, xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm, chiến lược, vùng dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo, vùng biên giới, biển đảo, khu công nghiệp và các TP lớn. Duy trì, phát huy tối đa hiệu quả cơ chế hợp tác về PCMT và tội phạm hiện có giữa hai quốc gia, trong đó tập trung vào “3 tăng cường”: Tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin qua đường dây nóng ở 4 cấp công an; Tăng cường phối hợp thực hiện các hoạt động nghiệp vụ và tác chiến xuyên quốc gia; Tăng cường hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống tội phạm và PCMT.

Đồng thời, tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy. Đẩy mạnh công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện công tác tái hòa nhập cộng đồng, tạo sinh kế, công ăn việc làm ổn định đối với người sau cai nghiện ma túy, người phạm tội, vi phạm pháp luật và đối tượng có nguy cơ phạm tội nhằm giải quyết căn bản nguồn gốc của tội phạm và tệ nạn ma túy. Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong PCMT và tội phạm, ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác đấu tranh nhằm phù hợp với diễn biến của tình tình ma túy và tội phạm tại hai nước.

Đọc thêm