Việt Nam phát huy vai trò thành viên Hội nghị La Hay

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện quyền và nghĩa vụ thành viên Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế của Việt Nam, nhằm khai thác tối đa các lợi ích, đồng thời thực hiện đầy đủ trách nhiệm thành viên Hội nghị La Hay của Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện quyền và nghĩa vụ thành viên Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế của Việt Nam, nhằm khai thác tối đa các lợi ích, đồng thời thực hiện đầy đủ trách nhiệm thành viên Hội nghị La Hay của Việt Nam.

Đại diện Bộ Ngoại giao Hà Lan trao Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên Văn bản thông báo Việt Nam chính thức được công nhận là thành viên đầy đủ của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế kể từ ngày 10/4/2013
Đại diện Bộ Ngoại giao Hà Lan trao Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên Văn bản thông báo Việt Nam chính thức được công nhận là thành viên đầy đủ của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế kể từ ngày 10/4/2013

Thêm nhiều quyền và nghĩa vụ về tư pháp quốc tế

Vào ngày 10/4/2013, Việt Nam chính thức trở thành thành viên Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế. Trở thành thành viên của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế, Việt Nam  sẽ có nhiều quyền nhưng cũng phải thực hiện nhiều nghĩa vụ cơ bản.

Về quyền, Việt Nam được tham gia quyết định chính sách, xây dựng các công ước hợp tác về các vấn đề tư pháp quốc tế và phương hướng tương lai của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế; có quyền bỏ phiếu hàng năm trong Hội đồng thường vụ và chính sách của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế; được mời tham dự mọi hoạt động, phiên họp ngoại giao, ủy ban đặc biệt; được nhận thông tin cập nhật về tất cả các công việc đang diễn ra tại Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế; được hưởng các dịch vụ hậu gia nhập, bao gồm: hỗ trợ và xây dựng mạng lưới quốc tế các cơ quan trung ương, hưởng hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia thành viên, hưởng các dịch vụ đào tạo và hỗ trợ của Trung tâm quốc tế về nghiên cứu tư pháp và hỗ trợ kỹ thuật (do Hội nghị thành lập).

Về trách nhiệm và nghĩa vụ, Việt Nam phải chỉ định cơ quan quốc gia làm đầu mối liên lạc với Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế và Ban Thường trực của Hội nghị; cử đại diện tham gia các hoạt động của Hội nghị; có nghĩa vụ đóng góp niên liễm cho Hội nghị khoảng 6.000 Euro/năm; tự chi trả các chi phí đi lại và ăn ở cho các đại biểu tham gia các hoạt động của Hội nghị.

6 nhóm nhiệm vụ cần thực hiện

Kế hoạch thực hiện quyền và nghĩa vụ thành viên Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế của Việt Nam đề ra 6 nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, tổ chức liên quan.

Nhiệm vụ đầu tiên được xác định là nâng cao nhận thức về tư pháp quốc tế, Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế và các công ước của Hội nghị. Nhiệm vụ thứ hai là kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, chuyên gia, luật sư trong lĩnh vực tư pháp quốc tế.

Nhiệm vụ này nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, luật sư, chuyên gia trong lĩnh vực tư pháp quốc tế có đủ trình độ, năng lực chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng tham gia một cách chủ động và tích cực vào các hoạt động pháp lý trong lĩnh vực tư pháp quốc tế nói chung và trong quan hệ hợp tác quốc tế trong khuôn khổ Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế nói riêng.

Nhiệm vụ thứ ba được xác định là phát huy vai trò là thành viên tích cực của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế. Nhiệm vụ này nhằm khai thác một cách tối đa các lợi ích mà Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế mang lại cho Việt Nam, đồng thời cũng tạo sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong việc thực hiện nghĩa vụ thành viên của Hội nghị, qua đó dần nâng cao vai trò và vị trí của Việt Nam trong hoạt động hợp tác quốc tế trong khuôn khổ Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế nói chung và trong khu vực nói riêng.

Nhiệm vụ thứ 4 được Kế hoạch đề ra là đẩy mạnh nghiên cứu, từng bước tham gia các công ước trong khuôn khổ của Hội nghị La Hay. Trong khuôn khổ của Hội nghị La Hay có 38 công ước điều chỉnh các lĩnh vực khác nhau của tư pháp quốc tế. Nhiệm vụ này nhằm xây dựng một lộ trình nghiên cứu gia nhập các công ước quan trọng của Hội nghị cần thiết đối với Việt Nam theo thứ tự ưu tiên phù hợp nhất với nhu cầu, điều kiện của Việt Nam.

Nhiệm vụ thứ 5 đươc xác định là nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện pháp luật về tư pháp quốc tế. Nhiệm vụ này nhằm đánh giá toàn diện hiện trạng pháp luật trong lĩnh vực tư pháp quốc tế và thực tiễn thi hành so với yêu cầu phát triển của Việt Nam cũng như tiêu chuẩn quốc tế, từ đó đề xuất việc hoàn thiện pháp luật trong nước về tư pháp quốc tế.

Nhiệm vụ thứ 6 là nhiệm vụ bố trí nguồn lực tài chính phù hợp để đảm bảo việc thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ thành viên Hội nghị La Hay của Việt Nam.

Thủ tướng giao Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch này theo quy định của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005; có trách nhiệm ban hành kế hoạch chi tiết, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao chủ trì thực hiện. Các bộ, ngành hữu quan có liên quan, căn cứ kế hoạch này và kế hoạch chi tiết của Bộ Tư pháp, có trách nhiệm ban hành kế hoạch của Bộ, ngành mình và phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao.

Quang Minh 

Đọc thêm