Đó là khẳng định của Bộ trưởng Hà Hùng Cường tại cuộc tọa đàm về đào tạo luật và đào tạo nghề nước CHXHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào tổ chức hôm qua (8/3) tại Thủ đô Vientiane (Lào) nhân chuyến công tác tại Lào của đoàn cán bộ Bộ Tư pháp Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường làm Trưởng đoàn.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường dự Tọa đàm về đào tạo luật và đào tạo nghề nước CHXHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào |
Tăng cường dạy tiếng Việt cho sinh viên Lào
Sau khi đề cập đến những hạn chế, khó khăn trong công tác đào tạo đại học nói chung và đào tạo luật nói riêng ở Việt Nam trước yêu cầu trang bị kiến thức pháp luật và xây dựng ý thức pháp luật cho xã hội của quá trình hội nhập và tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền (NNPQ), Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh đến chất lượng, vai trò của trường Đại học Luật Hà Nội và Học viện Tư pháp – những cơ sở đào tạo đang được xây dựng thành những trung tâm hàng đầu của Việt Nam trong đào tạo luật và nghề luật (các chức danh tư pháp) và hy vọng, trong thời gian tới, ngày càng nhiều sinh viên Lào chọn sang học tại hai cơ sở đào tạo này, nhất là khi các trường Luật của hai Bộ Tư pháp Việt Nam – Lào đã ký thỏa thuận hợp tác có việc hỗ trợ dạy và học tiếng Việt pháp lý cùng nhiều nội dung khác và việc Bộ Tư pháp Việt Nam sẽ thành lập thêm 2 trường trung cấp Luật tại Quảng Bình (giáp tỉnh Khăm Muộn) và Sơn La (giáp tỉnh Luông Pha-băng).
Tuy công tác đào tạo luật của Lào vẫn còn nhiều hạn chế và cần được hỗ trợ nhiều, nhất là về đội ngũ giáo viên, chương trình, giáo trình…, nhưng theo đại diện Học viện tập huấn pháp luật và công tác Tư pháp (thuộc Bộ Tư pháp Lào), để giải quyết khó khăn vì thiếu cán bộ tư pháp cơ sở, các trường cao đẳng luật của Lào đang áp dụng thí điểm chương trình đưa sinh viên luật đi thực hiện công tác tư pháp cơ sở tại 144 huyện trên toàn quốc và mở 152 với điểm học luật sơ cấp với 8.390 người. Đây là một kinh nghiệm đáng lưu ý trong quá trình đào tạo để giúp sinh viên luật trang bị được kinh nghiệm thực tiễn ngay từ khi trên ghế nhà trường.
Bên cạnh đó, Lào còn đưa nhiều sinh viên sang học ở các nước, trong đó có Việt Nam. Từ năm 1995 (26 năm), Đại học Luật Hà Nội đào tạo cho Lào 136 cử nhân luật, hiện đang có 20 sinh viên Lào theo học theo các chương trình học bổng của Chính phủ Lào, học bổng của một số địa phương của Việt Nam và tự túc. Từ năm 2002, Học viện Tư pháp cũng đã đào tạo cho Lào 44 học viên thẩm phán và công chứng viên.
Ông Trương Quang Vinh – Phó Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội -khẳng định, hợp tác đào tạo với Lào là một trong những trọng tâm trong chương trình hợp tác đào tạo quốc tế của trường. Tuy nhiên, vấn đề học tốt tiếng Việt trước khi sang học tại Đại học Luật Hà Nội là yêu cầu rất quan trọng, cần được quan tâm khắc phục trong thời gian tới để nâng cao chất lượng đào tạo cho các sinh viên Lào.
Bày tỏ tin tưởng vào chất lượng đào tạo Luật và nghề của Việt Nam, nhất là tại hai cơ sở đào tạo của Bộ Tư pháp Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lào GS.Kệt Kia-ti-sắc hy vọng sẽ ngày càng có nhiều sinh viên Lào được sang học tại Việt Nam, góp phần nhanh chóng kiện toàn đội ngũ các chức danh tư pháp của Lào. Thứ trưởng cũng cảm ơn Nhà nước Việt Nam đã chăm lo, nuôi dưỡng, đào tạo các sinh viên Lào và mong rằng thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục giúp đỡ Lào, nhất là trong đào tạo các cấp sau đại học và trong lĩnh vực pháp luật.
Đã có cơ chế để hỗ trợ và phối hợp THADS Việt Nam - Lào
Trước mong muốn các bạn Lào học hỏi kinh nghiệm về công tác THADS của Việt Nam tại buổi “Tọa đàm về THA nước CHXHCN Việt Nam và CHDCND Lào”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Thanh Thủy căn cứ theo qui định của pháp luật và thực tiễn THADS ở Việt Nam đã lần lượt giải đáp những vấn đề về điều kiện thành lập văn phòng thừa phát lại, nguồn ngân sách cho công tác THA có % giá trị các vụ việc đã thi hành hay không, tổ chức bán đấu giá tài sản THA như thế nào vì ở Lào, người dân không muốn mua tài sản THA, cơ quan THA ở Bộ Tư pháp có tổ chức THA hay chỉ làm công tác quản lý nhà nước về THA, giải quyết trường hợp người phải THA trốn THA như trường hợp người Lào phải THA tại Việt Nam nhưng trốn về Lào và ngược lại…
Làm rõ thêm vấn đề giải quyết các trường hợp người Lào phải THA tại Việt Nam nhưng trốn về Lào và ngược lại, ông Nguyễn Khánh Ngọc – Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế - khẳng định, Việt Nam và Lào đã có cơ chế để giải quyết những trường hợp này thông qua Hiệp định Tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự (năm 1998). Song vì nhiều lý do, Hiệp định này chưa được thực hiện hiệu quả khiến nhiều vụ việc cần thi hành bị tồn đọng (theo số liệu thống kê của Tổng Cục THADS là còn 74 vụ việc liên quan đến Lào chưa được thi hành). Do vậy, hai Bộ Tư pháp cần trao đổi để giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.
Trước những thông tin về thực tiễn trong hoạt động và tổ chức THADS của Việt Nam, Bộ trưởng Cha-lơn Nhia-pao-hơ cho rằng đó là những thông tin và kinh nghiệm quí báu cho Lào giải quyết những vấn đề đang “vướng” trong quá trình hoàn thiện tổ chức, hoạt động THADS. Và mong rằng, sẽ ngày càng tăng cường chặt chẽ hơn mối quan hệ giữa hai Bộ Tư pháp và hai ngành THADS Việt Nam – Lào.
Hương Giang