3 mô hình trực tuyến phổ biến
Nhằm đa dạng hóa hình thức đấu giá, đáp ứng yêu cầu phát triển hoạt động hành nghề đấu giá trong tình hình mới, tiếp cận với xu thế phát triển của thế giới cũng như hạn chế thông đồng dìm giá, thu hút được nhiều người tham gia, Luật Đấu giá tài sản đã bổ sung hình thức đấu giá trực tuyến bên cạnh các hình thức đấu giá truyền thống so với Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản. Cụ thể, Điều 40 Luật Đấu giá tài sản quy định 4 hình thức đấu giá bao gồm đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá, đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá, đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp và đấu giá trực tuyến.
Đảm bảo triển khai quy định của Luật Đấu giá tài sản về hình thức đấu giá trực tuyến, Bộ Tư pháp đã tham khảo kinh nghiệm của các nước có hoạt động đấu giá trực tuyến phát triển, qua đó cho thấy hiện có 3 mô hình chính về đấu giá trực tuyến. Cụ thể, theo mô hình 1, tổ chức thương mại thành lập trang thông tin điện tử có hình thức đấu giá trực tuyến để người có tài sản, người mua tài sản thực hiện việc mua bán tài sản trên đó (như các trang web đấu giá eBay, amazone… là những trang đấu giá trực tuyến lớn nhất thế giới hiện nay).
Với mô hình 1, các tổ chức này không trực tiếp bán hàng của mình mà chỉ giúp các thành viên, doanh nghiệp (người có tài sản) liệt kê và trưng bày tài sản của họ, để các thành viên khác (người mua) xem, tham gia đấu giá tài sản đó và thực hiện việc thanh toán. Việc công bố thông tin, chất lượng, giá bán của tài sản hoàn toàn do người có tài sản tự thực hiện, đăng tải trên mạng.
Theo mô hình 2, Nhà nước giao cho 1 doanh nghiệp nhà nước đứng ra thành lập trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để bán đấu giá tất cả các tài sản công hoặc tài sản khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao. Ở mô hình 2, điển hình thành công là mô hình đấu giá của Công ty Quản lý tài sản Hàn Quốc (KAMCO). KAMCO là đơn vị được Chính phủ Hàn Quốc ủy quyền bằng một sắc lệnh cho phép thực hiện bán đấu giá tài sản công để thu hồi tiền về ngân sách. Các loại tài sản đấu giá rất đa dạng, từ đất đai, nhà ở, xe cộ… cho đến các tài sản đã qua sử dụng, thương hiệu, quyền khai thác…
Ngoài việc bán đấu giá tài sản công, KAMCO cũng thực hiện việc đấu giá tài sản của các cơ quan nhà nước khác thông qua hệ thống đấu giá trực tuyến và thu lệ phí tham gia. Từ sự thành công của hệ thống, tháng 10/2014, hình thức đấu giá tài sản công truyền thống đối với tài sản công đã bị hủy bỏ, chuyển 100% các cuộc đấu giá sang hình thức trực tuyến do KAMCO thực hiện.
Còn với mô hình 3, tổ chức đấu giá tài sản tự thành lập trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của mình và tổ chức việc đấu giá tài sản trên trang thông tin đó. Theo mô hình này, các tổ chức đấu giá tài sản thành lập trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của mình để tổ chức cuộc đấu giá bằng hình thức trực tuyến trên cơ sở hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với người có tài sản. Đối với các tổ chức đấu giá tài sản không thể thành lập trang tin điện tử đấu giá trực tuyến thì có thể ký hợp đồng với tổ chức đấu giá tài sản có trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để thuê cơ sở hạ tầng đấu giá trực tuyến để tổ chức cuộc đấu giá.
Tự thành lập trang tin đấu giá trực tuyến
Qua nghiên cứu các mô hình đấu giá trực tuyến nêu trên, đại diện thường trực Tổ biên tập Dự thảo Nghị định – Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Mai cho biết, việc đấu giá trực tuyến các hàng hóa tại mô hình 1 không do tổ chức đấu giá tài sản thực hiện nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu giá tài sản.
Còn với mô hình 2, việc đấu giá trực tuyến của KAMCO là chưa phù hợp và không đảm bảo tính khả thi với bối cảnh hoạt động đấu giá hiện nay của Việt Nam. Bà Mai lý giải, Luật Đầu tư, Luật Đấu giá tài sản chỉ cho phép các tổ chức đấu giá tài sản được thành lập theo quy định của Luật Đấu giá tài sản mới được thực hiện hoạt động hành nghề đấu giá tài sản và thu thù lao. Chỉ đến khi tổ chức cuộc đấu giá thì mới áp dụng một trong các hình thức đấu giá gồm đấu giá trực tiếp bằng lời nói, đấu giá bằng bỏ phiếu hoặc đấu giá trực tuyến.
Bên cạnh đó, KAMCO được quyền bán đấu giá các tài sản công, trong khi Luật Đấu giá tài sản quy định người có tài sản muốn bán đấu giá thì phải ký hợp đồng dịch vụ đấu giá với tổ chức đấu giá tài sản, trừ trường hợp thành lập Hội đồng đấu giá để bán đấu giá…
Vì vậy, Dự thảo Nghị định quy định hình thức đấu giá trực tuyến tại Việt Nam theo mô hình 3. Theo đó, các tổ chức đấu giá tài sản tự thành lập trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của mình hoặc cho các tổ chức đấu giá khác thuê cơ sở hạ tầng. Riêng đối với trường hợp cuộc đấu giá do Hội đồng đấu giá tài sản thực hiện thì Hội đồng ký hợp đồng với tổ chức đấu giá tài sản có trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để tổ chức cuộc đấu giá.
Dự thảo Nghị định quy định các điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến đối với trang thông tin điện tử của tổ chức đấu giá tài sản. Việc đánh giá, thẩm định điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến do Hội đồng thẩm định thực hiện với thành phần là đại diện các bộ, ngành có liên quan do Bộ trưởng Bộ Tư pháp thành lập. Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án đấu giá trực tuyến trên cơ sở đề nghị của Hội đồng thẩm định và công bố danh sách tổ chức đấu giá tài sản có trang thông tin đấu giá trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản.
Hơn nữa, để việc đấu giá trực tuyến trên trang thông tin điện tử được an toàn, công khai, minh bạch, khách quan, Dự thảo Nghị định quy định yêu cầu hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động đấu giá trực tuyến, việc xác định người trúng đấu giá trên hệ thống thông tin, trách nhiệm của tổ chức đấu giá tài sản, tổ chức có trang thông tin điện tử có chức năng đấu giá trực tuyến trong hoạt động đấu giá trực tuyến.