Việt Nam sẽ trở thành một cơ sở thu mua hàng hóa trọng yếu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đó là khẳng định của đại diện 2 nhà mua lớn trên thế giới trong buổi tọa đàm về việc đưa hàng hóa Việt Nam vào chuỗi cung ứng lớn trên thế giới do Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 11/8.
Tọa đàm được tổ chức theo 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp
Tọa đàm được tổ chức theo 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp

Tọa đàm diễn ra trong bối cảnh hàng loạt các nhà mua lớn đã xác nhận sẽ tới Việt Nam trong tháng 9 này tham dự Chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” để tìm kiếm thêm các nguồn hàng đưa vào chuỗi phân phối trên toàn thế giới của họ.

Đại diện Tập đoàn Fast Retailing (chủ sở hữu thương hiệu Uniqlo) cho biết, Việt Nam là một trong các cơ sở sản xuất chủ yếu và Tập đoàn mong muốn tiếp tục nỗ lực để phát triển hơn nữa, nhằm đảm bảo Việt Nam trở thành một cơ sở vững chắc, then chốt trong sản xuất các sản phẩm dệt may, nâng cao chuỗi cung ứng.

Theo vị đại diện này, để sản xuất mặt hàng may mặc, việc chỉ chú trọng vào sản xuất sau cùng đã không còn thích hợp, Tập đoàn cần có sự hợp tác giữa yếu tố đầu vào và đầu ra, để có thêm nhiều nhà máy nguyên liệu, phụ trợ nội địa. Nếu nền tảng đầu vào trong quá trình sản xuất vững chắc hơn, Tập đoàn có thể phát triển nhiều cải tiến cho chuỗi cung ứng tại Việt Nam, qua đó, Fast Retailing có thể tăng cường sự hiện diện hơn nữa tại Việt Nam thông qua hợp tác với các nhà máy đối tác.

Bên cạnh đó, việc phát triển nguồn nhân lực để nâng cao năng lực sản xuất đầu vào là một trong những yếu tố cơ bản để tăng sức cạnh tranh của dệt may Việt Nam xét trên khía cạnh về giá cả và chất lượng.

“Fast Retailing đặt ra nhiều ưu tiên về thu mua cho thị trường Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung, coi đây là một trong những mục tiêu quan trọng và thiết yếu trong chiến lược của Tập đoàn” - đại diện Fast Retailing cho biết.

Ông Nguyễn Đức Trọng – Trưởng phòng cấp cao Phát triển nhà cung ứng khu vực châu Á (Tập đoàn Walmart) khẳng định, Walmart đã xác định từ rất lâu Việt Nam sẽ trở thành điểm sản xuất thuê bên ngoài (outsourcing) chính ở Đông Nam Á, châu Á của Tập đoàn. Đến năm 2027, dự kiến thị phần thu mua tại Việt Nam sẽ tăng lên rất nhiều không chỉ với các mặt hàng quần áo giày dép mà còn nhiều sản phẩm khác, không chỉ tập trung vào các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài mà cả các công ty thuần việt.

Cũng tại hội thảo, ông Christian Merizalde Aguilar, Phụ trách chiến lược kinh doanh, Công ty Grupo Merica Food thông tin, Grupo Merica Food có văn phòng chính tại Tây Ban Nha, có tổng kho phân phối hàng hóa nhập khẩu từ châu Á và đưa hàng đi khắp châu Âu.

Năm 2022, công ty đã nhập khoảng 70 container hàng hóa từ Việt Nam với rất nhiều sản phẩm khác nhau. Xu hướng tiêu thụ hàng hóa thời gian gần đây tại Grupo Merica Food cũng cho thấy, khách hàng đã nhận biết tốt hơn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam. Chất lượng hàng hóa Việt Nam đã có sự gia tăng tốt, việc chuẩn hóa chất lượng đã đc cải thiện qua nhiều năm. Do đó, năm 2023, công ty dự kiến sẽ tăng thu mua lên khoảng 110 container.

"Chúng tôi có mối quan hệ chặt chẽ với các nhà cung ứng tại Việt Nam. Chúng tôi cũng đang dự tính “chuyển tịch” một số mặt hàng vốn thu mua từ Thái Lan qua Việt Nam để tận dụng các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia và ký kết” - ông Christian Merizalde Aguilar thông tin.

Đọc thêm