Phát biểu tại họp báo, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa bày tỏ vui mừng chào đón Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Paetongtarn Shinawatra cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Hoàng gia Thái Lan thăm chính thức Việt Nam và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 4 nội các chung giữa hai nước.
Thủ tướng cho biết, Thái Lan là một trong những nước đầu tiên trong ASEAN thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam sau khi Việt Nam thống nhất đất nước; hiện là nước duy nhất có cơ chế họp Nội các chung với Việt Nam, do Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra đề xuất vào năm 2004; là một trong những nước đầu tiên trong ASEAN thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam vào năm 2013, dưới thời Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra; và nay hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra.
Việc quan hệ hai nước liên tục được nâng cấp qua các thời kỳ thể hiện sự tin cậy giữa hai nước cũng như vị trí, vai trò của hai nước trong khu vực và trên thế giới.
![]() |
Thủ tướng cho biết, hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
3 trụ cột chính trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện
Thủ tướng cho biết trên tinh thần chân thành, tin cậy, tôn trọng, xây dựng, hiểu biết lẫn nhau và cùng hướng đến tương lai, hai bên đã đồng chủ trì thành công kỳ họp Nội các chung lần thứ 4 giữa hai Chính phủ và cùng nhau thống nhất nhiều định hướng chiến lược quan trọng. Trong đó, kết quả nổi bật nhất là việc hai bên chính thức nâng cấp quan hệ lên đối tác Chiến lược toàn diện.
Theo Thủ tướng, với các nội dung hợp tác rất bao trùm, toàn diện, mang tính nhân văn sâu sắc, việc hai nước nâng cấp quan hệ có ý nghĩa quan trọng, góp phần tạo lập môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác, phát triển trong khu vực ASEAN, châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới; góp phần phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững với 2 nước; mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân 2 nước.
"Đây không chỉ là một tuyên bố chính trị, thể hiện dấu mốc mang tính biểu tượng mà còn là một cam kết chiến lược, khẳng định một bước tiến đột phá mới về nội hàm và chiều sâu hợp tác, thể hiện tầm nhìn xa, bao quát, nghĩ sâu làm lớn của lãnh đạo 2 nước", người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, hai bên nhất trí khẩn trương xây dựng Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Thái Lan giai đoạn 2025-2030 dựa trên 3 trụ cột chính.
Thứ nhất, Đối tác vì hòa bình bền vững, hai bên nhất trí làm sâu sắc hơn nữa hợp tác chính trị, quốc phòng, an ninh để giữ vững môi trường hòa bình, an ninh, ổn định ở hai nước và trong khu vực. Theo đó, hai bên sẽ tăng cường tiếp xúc cấp cao và các cơ chế hợp tác giữa hai nước, nhất là cơ chế họp Nội các chung và Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam - Thái Lan; thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao; đặc biệt sẽ phối hợp tổ chức các cuộc gặp gỡ thường niên giữa hai Thủ tướng cả trong khuôn khổ song phương và đa phương, nghiên cứu nâng cấp các cơ chế đối thoại chính sách quốc phòng và Đối thoại cấp cao về phòng, chống tội phạm và các vấn đề an ninh lên cấp Bộ trưởng.
![]() |
Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra cho biết hai bên đã trao đổi toàn diện về nhiều vấn đề trong bầu không khí hữu nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Hai bên nhất trí thúc đẩy và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực an ninh-an toàn hàng hải, công nghiệp quốc phòng, hậu cần, quân y, cứu hộ-cứu nạn, quản lý biên giới, giao lưu các quân-binh chủng; cam kết tăng cường hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt là buôn bán ma túy, mua bán người và tội phạm mạng; tái khẳng định cam kết không cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào sử dụng lãnh thổ nước này chống lại nước kia.
Thứ hai, Đối tác vì phát triển bền vững. Hai bên nhất trí đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế trong khuôn khổ Chiến lược 3 kết nối là kết nối các chuỗi cung ứng; kết nối doanh nghiệp và địa phương hai nước; kết nối các chiến lược tăng trưởng bền vững, tăng trưởng xanh, kinh tế số giữa hai nước.
Trên cơ sở đó, hai bên đã thống nhất cao về việc triển khai 5 tăng cường.
Một là tăng cường tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu của nhau, phấn đấu đạt 25 tỷ USD trong thời gian tới theo hướng cân bằng và bền vững.
Hai là tăng cường tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước này tiếp cận thị trường, mở rộng đầu tư tại nước kia, nhất là trong các lĩnh vực tiềm năng như năng lượng sạch, kinh tế số, kinh tế xanh, đổi mới sáng tạo, nông nghiệp công nghệ cao.
Ba là tăng cường kết nối hạ tầng giao thông, logistics, đặc biệt là hành lang kinh tế Đông - Tây, tạo thuận lợi cho lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ và con người giữa hai nước và trong khu vực.
Bốn là tăng cường hợp tác trong ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong các lĩnh vực, hướng tới một nền kinh tế carbon thấp và phát thải ròng bằng không.
Năm là tăng cường hợp tác lao động, việc làm và an sinh xã hội, thúc đẩy triển khai thỏa thuận tuyển dụng người lao động Việt Nam sang làm việc tại Thái Lan.
Thứ ba, Đối tác vì tương lai bền vững. "Chúng tôi xác định đầu tư cho thế hệ trẻ, giáo dục, giao lưu nhân dân và văn hóa chính là đầu tư cho một tương lai gắn kết bền vững của hai nước, hai dân tộc", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Trên tinh thần đó, hai bên nhất trí thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động giao lưu nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước, tăng cường hợp tác giữa các cơ sở đào tạo, trao đổi sinh viên, học bổng; mở rộng các trung tâm tiếng Việt tại Thái Lan và tiếng Thái tại Việt Nam; phát huy tối đa khuôn khổ kết nghĩa giữa các địa phương; khuyến khích mở thêm các đường bay trực tiếp giữa các địa phương hai nước; thúc đẩy hiện thức hóa sáng kiến kết nối du lịch "6 quốc gia-1 điểm đến".
Hai bên cam kết tạo điều kiện thuận lợi để công dân nước này sinh sống, làm việc, học tập tại nước kia, trong đó có cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Thái Lan. "Đây là cầu nối quý báu trong quan hệ hai nước, đồng thời là một phần không thể thiếu trong nỗ lực gìn giữ và phát triển tình hữu nghị, gắn bó giữa nhân dân hai nước chúng ta", Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá.
"Với việc nâng cấp lên Đối tác Chiến lược toàn diện, quan hệ Việt Nam - Thái Lan đã trở thành dòng chảy mạnh mẽ trong dòng sông lớn của khu vực ASEAN", Thủ tướng phát biểu và tin tưởng rằng với nền tảng hữu nghị, tầm nhìn chung và tin cậy chiến lược, quan hệ Việt Nam – Thái Lan sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, lan tỏa những giá trị tích cực – không chỉ cho nhân dân hai nước là còn vì một Đông Nam Á hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là chuyến thăm mang ý nghĩa quan trọng, toàn diện, thành công, thể hiện tình cảm giữa hai nước, kế thừa truyền thống tốt đẹp và mong muốn xây dựng Đông Nam Á hòa bình, hợp tác, phát triển, tâm điểm của tăng trưởng, nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển toàn diện, bao trùm trên thế giới.
![]() |
Hai Thủ tướng cho biết hai bên cũng thống nhất về việc tăng cường phối hợp, trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ song phương
Về phần mình, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra bắt đầu bài phát biểu với câu nói "xin chào" bằng Tiếng Việt; trân trọng cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu, trọng thị mà phía Việt Nam dành cho đoàn và đặc biệt bày tỏ cảm động khi Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhắc tới các thành viên gia đình Sinnawatra.
Bày tỏ vinh dự lần đầu tiên thăm chính thức Việt Nam, bà Thủ tướng đánh giá cơ chế họp nội các chung giữa hai nước là rất đặc biệt mà Việt Nam chỉ thiết lập với Thái Lan. Trong chuyến thăm, hai nước đã nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện, thể hiện tầm quan trọng mà hai nước dành cho nhau và mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ song phương trong bối cảnh tình hình thế giới đầy bất ổn.
Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra cho biết hai bên đã trao đổi toàn diện về nhiều vấn đề trong bầu không khí hữu nghị. Bổ sung thêm các nội dung mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề cập, Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra cho biết hai bên nhất trí tăng cường các chuyến thăm và tham vấn cấp cao một cách thường xuyên. Trong đó, Thủ tướng Thái Lan đã mời Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Cấp cao Mekong - Lan Thương vào cuối năm nay và hai bên sẽ thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao nhân dịp kỷ niệm 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm tới.
Hai bên cũng tăng cường hợp tác giữa quân đội và các cơ quan an ninh, trong đó, Thủ tướng Thái Lan hoan nghênh sự hợp tác thực chất giữa hai nước trong việc ngăn chặn việc vận chuyển các tiền chất ma túy qua biên giới và triệt phá các đường dây ma túy. Hai bên cũng tăng cường chia sẻ thông tin để triệt phá các mạng lưới tội phạm liên quan lừa đảo trên mạng.
Hai bên nhất trí thúc đẩy kết nối kinh tế để tận dụng thế mạnh của mỗi bên qua chuỗi giá trị bổ trợ lẫn nhau nhằm mang lại lợi ích tối đa; cũng như thúc đẩy hợp tác kinh tế trong tiểu vùng Mekong và ASEAN. Hai nước sẽ nhanh chóng xây dựng chiến lược kết nối về 3 trụ cột gồm: Chuỗi cung ứng, kinh tế địa phương và kinh tế xanh.
Thủ tướng Thái Lan đề nghị 2 Bộ trưởng thương mại sớm tổ chức Ủy ban hỗn hợp để tạo thuận lợi cho thương mại, đặc biệt là hàng nông sản và chăn nuôi. Nhân dịp này, Thủ tướng Thái Lan cảm ơn Việt Nam tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa sang nước thứ ba và luôn tạo thuận lợi cho đầu tư của doanh nghiệp Thái Lan, Thái Lan sẵn sàng chào đón thêm các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Thái Lan.
Hai bên cũng thống nhất thúc đẩy mạnh mẽ kết nối giao thông vận tải bằng hàng không, đường bộ và đường thủy. Thủ tướng Thái Lan hoan nghênh đường bay thẳng sắp được mở giữa Việt Nam và Đông Bắc Thái Lan, đường bay quốc tế đầu tiên với Đông Bắc Thái Lan là khu vực đang được phát triển thành trung tâm logistics mới. Cùng với đó, hai nước tăng cường kết nối giao thông đường bộ giữa Thái Lan-Lào-Việt Nam và đường thủy giữa Thái Lan -Campuchia-Việt Nam.
Hai nước cũng hợp tác chặt chẽ hơn trong kinh tế số và tạo thuận lợi cho thanh toán xuyên biên giới để hỗ trợ các hoạt động kinh doanh đang phát triển nhanh chóng.
Hai bên nhất trí thúc đẩy du lịch nhiều hơn giữa Đông Bắc Thái Lan và Việt Nam, tận dụng đường bay thẳng sắp được mở và thuận tiện kết nối đường bộ; thúc đẩy tuyến du lịch tàu biển giữa Việt Nam - Thái Lan và Singapore.
Trong hợp tác phát triển nguồn nhân lực, Thủ tướng Thái Lan nhấn mạnh lĩnh vực STEAM và các ngành công nghiệp hiện đại như AI, bán dẫn; hoan nghênh hợp tác giữa Đại học Khon Kaen và Đại học FPT về hợp tác đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ bán dẫn, phía Thái Lan khuyến khích mô hình hợp tác này và luôn ủng hộ nhiều hơn.
Hai Thủ tướng cho biết hai bên cũng thống nhất về việc tăng cường phối hợp, trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ vững sự đoàn kết, tự cường, thống nhất trong đa dạng của ASEAN, phát huy mạnh mẽ vai trò trung tâm của Hiệp hội, một ASESAN tự cường và là tâm điểm tăng trưởng và duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, thúc đẩy sớm thông qua COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế.