Cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ
Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) đã thực hiện nghiên cứu “Phân tích về ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam” từ tháng 7/2020 đến tháng 4/2021 nhằm tăng cường hiểu biết về các loại chất thải nhựa bị rò rỉ ra sông ngòi và đại dương ở nước ta.
Báo cáo này ước tính, hàng năm khoảng 2,8 đến 3,1 triệu tấn chất thải nhựa được thải ra trên đất liền ở Việt Nam, và ít nhất 10% trong số này đổ ra đại dương. Về mức độ ô nhiễm nhựa tại Việt Nam, các chuyên gia của WB đánh giá, chất thải nhựa là loại phổ biến thu gom được trong các khảo sát thực địa ven sông, ven biển Việt Nam.
Trong đó, rác bao bì thực phẩm mang đi là loại chất thải nhựa phổ biến nhất, tiếp theo là chất thải liên quan đến nghề cá và rác thải hộ gia đình, tức là chủ yếu là các đồ nhựa dùng một lần.
Theo đó, Phép đo Chỉ số bờ biển sạch (CCI), một công cụ để đánh giá mức độ sạch tương đối của bờ biển, cho thấy 71% các địa điểm ven biển được khảo sát là cực kỳ bẩn và 86% là cực kỳ bẩn hoặc bẩn.
Tình trạng rác thải nhựa “bủa vây” bãi biển không chỉ là vấn nạn của riêng thành phố đảo Phú Quốc. Ảnh: Đỗ Trang |
Đáng nói, một nghiên cứu khác năm 2018 của WB cũng cho biết tỷ lệ phát sinh chất thải trên toàn quốc của Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi từ 27 triệu tấn năm 2018 lên 54 triệu tấn vào năm 2030.
Chính phủ Việt Nam cũng đã nhìn nhận rõ những nguy cơ, hệ luỵ của ô nhiễm nhựa đại dương từ nhiều năm trước đây, cũng như trách nhiệm của đất nước ta trong các hành động để giảm thiểu chất thải nhựa . Cụ thể, Việt Nam đã chính thức gia nhập danh sách 127 quốc gia thông qua Nghị quyết của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc về xử lý rác thải nhựa và rác thải biển từ năm 2017.
Năm 2018, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Canada, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết hành động cũng như kêu gọi hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề nhựa trên biển.
Ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết đặt ra mục tiêu về “ngăn ngừa, kiểm soát và giảm thiểu đáng kể ô nhiễm môi trường biển” và “trở thành quốc gia đi đầu trong khu vực trong giảm thiểu rác thải nhựa đại dương”.
Năm 2019, tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), nguyên thủ các nước và lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia đã cam kết mạnh mẽ về chống chất thải nhựa. Đây cũng là năm Thủ tướng Chính phủ đã gửi thư kêu gọi cả nước hành động giải quyết vấn đề chất thải nhựa.
Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào chống chất thải nhựa trên toàn quốc, nhiều cơ quan tổ chức, địa phương, doanh nghiệp và các cá nhân đã có các hoạt động thiết thực, hiệu quả để giảm thiểu và chống chất thải nhựa. Phong trào giảm thiểu nhựa dùng một lần đã lan toả rộng rãi từ các bộ, ban, ngành trung ương, tới chính quyền địa phương, từ các đô thị lớn cho tới các vùng nông thôn.
Ngày 4/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1746/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Kế hoạch đặt ra mục tiêu giảm 50% rác thải nhựa đại dương vào năm 2025, 75% vào năm 2030, và loại bỏ nhựa sử dụng một lần khỏi các điểm du lịch ven biển và các khu bảo tồn biển vào năm 2030.
Tiếp đó, trong Luật Bảo vệ môi trường mới cũng đã đưa vào các chính sách “người dùng phải trả tiền”, yêu cầu phân loại chất thải, và tạo cơ sở pháp lý cho các chương trình về trách nhiệm mở rộng của người sản xuất (EPR). Chỉ thị số 33/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ ngày 20/8/2020 quy định rõ các vai trò của Chính phủ trong việc tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa.
Sau đó, ngày 22/7/2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 1316/QĐ-TTG phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam. Đề án đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể, trong đó đáng nói là “phấn đấu đến năm 2025, giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần”.
Mới nhất, Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã đưa ra lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.
Đơn cử, từ ngày 1/1/2026, không sản xuất và nhập khẩu túi ni lông khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50 cm x 50 cm và độ dày một lớp màng nhỏ hơn 50 µm, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu hoặc sản xuất, nhập khẩu để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường.
Mặt khác, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy định và tổ chức triển khai hoạt động quản lý chất thải nhựa; bảo đảm sau năm 2025, không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch, trừ sản phẩm, hàng hóa có bao bì nhựa khó phân hủy sinh học; tổ chức thanh tra, kiểm tra các đơn vị sản xuất sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học trên địa bàn.
Việc liên tục bổ sung nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý chất thải nhựa, đặc biệt là nhựa dùng một lần, giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương là minh chứng cho thấy cam kết mạnh mẽ của chính phủ Việt Nam trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng chất thải nhựa toàn cầu.
Đây không chỉ là những cam kết thực hiện trong nước mà còn trước cộng đồng quốc tế về việc triển khai hành động giảm thiểu chất thải nhựa để bảo vệ môi trường sinh thái biển và đại dương.
Động lực thúc đẩy lộ trình chuyển đổi công bằng
Có thể thấy, quy định về quản lý chất thải nhựa ở nước ta đã tương đối nhiều và rõ ràng, tuy nằm ở nhiều văn bản khác nhau nhưng đã quy định được các vấn đề cơ bản bao gồm: phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý, tái chế, tái sử dụng, chôn lấp, thiêu hủy…
Tuy nhiên, các quy định nêu trên chưa thành một hệ thống thống nhất để có thể vận hành hệ thống xử lý, tái chế chất thải nhựa ở nước ta.
Cần có những quyết sách, hành động mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa đại dương. Ảnh: Trần Văn Sanh |
Rõ thấy nhất là trên thực tế, toàn bộ các tỉnh, thành phố của nước ta từ khi có Luật bảo vệ môi trường đến nay chưa thực hiện việc phân loại rác và thu gom rác theo đúng quy định. Một số địa phương mới thực hiện thí điểm ở một vài quận, huyện.
Các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa như tổ chức dọn rác, thu gom, tái chế, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hành động chống ô nhiễm nhựa đại dương, vẫn chỉ manh mún, rải rác, chưa liên tục.
Đáng nói, pháp luật hiện hành quy định giao cho địa phương tùy vào đặc thù của mình để hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt, trong đó bao gồm cả chất thải nhựa. Bởi vậy, có tình trạng có tỉnh thực hiện, có tỉnh không thực hiện bởi nếu không thực hiện thì cũng không phát sinh bất cứ trách nhiệm quản lý cũng như pháp lý nào.
Thực trạng ô nhiễm nhựa ngày càng gia tăng nhức nhối tại thành phố đảo Phú Quốc mặc dù đã có nhiều nỗ lực giảm thiểu là một minh chứng điển hình cho thấy địa phương này cần phải có những quyết tâm mạnh mẽ hơn, đầu tiên đến từ các cơ quan chức năng, trong việc quản lý xả thải và xử lý rác thải nhựa, giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương.
Theo đề xuất của nhiều chuyên gia trong các hội thảo chuyên môn về vấn đề này, các nhà làm luật nên cân nhắc việc có chế tài không chỉ đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp không tuân thủ quy định về quản lý chất thải nhựa.
Đối với người đứng đầu chính quyền địa phương cũng cần phải chịu trách nhiệm nếu chậm trễ trong việc ban hành quy định, lỏng lẻo trong việc triển khai thực hiện và thanh kiểm, tra trên địa bàn. Đặc biệt trong bối cảnh ô nhiễm nhựa đại dương ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, môi trường, xã hội nhưng phần lớn xã hội vẫn còn thờ ơ.
Trong Báo cáo tóm tắt chính sách giảm thiểu nhựa dùng một lần ở Việt Nam, WB cũng đánh giá, các hoạt động nhập khẩu, sản xuất, sử dụng và quản lý chưa đúng cách đối với nhựa đang gia tăng nhanh chóng ở Việt Nam, và tất cả những thực tế này dự báo là sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm nhựa trên đất liền và trên đại dương.
Theo kịch bản thông thường, Đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam (NPAP- Việt Nam) ước tính rằng rò rỉ nhựa vào các tuyến đường thủy của Việt Nam có thể tăng gấp đôi vào năm 2030 nếu tiếp tục duy trì tỷ lệ thu gom, tái chế, và xử lý chất thải chưa đáp ứng được nhu cầu như hiện nay. Vì vậy, điều cốt yếu đối với Việt Nam ngay từ bây giờ là phải có những hành động tích cực để giảm thiểu ô nhiễm nhựa.
Trong Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Việt Nam đặt ra các mục tiêu táo bạo để đảo ngược quỹ đạo rác thải nhựa của mình. Theo đề xuất của WB, nhằm đạt được những mục tiêu này đòi hỏi phải thực hiện lộ trình gồm ba trụ cột được đề ra trong Kế hoạch hành động của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về Phòng chống rác thải nhựa đại dương.
Trụ cột 1 là giảm đầu vào của hệ thống, thúc đẩy giảm thiểu nhựa dùng một lần có giá trị thấp và khuyến khích sử dụng các lựa chọn thay thế có thể tái sử dụng hoặc tái chế. Trụ cột 2 là cải thiện thu gom và giảm thiểu rò rỉ, thúc đẩy cải thiện hệ thống quản lý chất thải rắn và thiết lập các chương trình trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Trụ cột 3 là tạo ra giá trị cho việc tái sử dụng chất thải, thúc đẩy phát triển thị trường tái chế và tái sử dụng nhựa.