Hướng tới thương mại công bằng, bền vững
Tại cuộc họp báo thường kỳ mới diễn ra chiều ngày 10/4 vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: Việt Nam cho rằng Mỹ hoãn áp thuế đối ứng là một bước đi tích cực và hai bên sẽ đàm phán thỏa thuận trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau nhằm đạt được giải pháp thỏa đáng hướng tới thương mại công bằng, bền vững và đáp ứng lợi ích của người dân, doanh nghiệp hai bên. Điều này thể hiện tinh thần của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện cũng như tinh thần “30 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao”.
![]() |
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cùng đoàn công tác gặp Đại diện thương mại Mỹ Jamieson Greer tại Washington ngày 10/4. Ảnh VGP |
Theo GS.TS Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh (Đại học Kinh tế TP HCM) việc Mỹ hoãn lại 90 ngày để áp dụng thuế là một thuận lợi cho Việt Nam để mình đàm phán và rà soát nhằm đưa ra các chính sách để giảm thuế nhập khẩu từ Mỹ. Đây được xem là 90 ngày vàng để Việt Nam cân bằng cán cân thương mại.
Vậy chúng ta phải làm gì?, theo GS. Vinh, về mặt ngắn hạn, các cơ quan có thẩm quyền hãy bắt đầu bằng việc lựa chọn những lĩnh vực, mặt hàng, ngành hàng mà Việt Nam cần ưu tiên cho phát triển kinh tế, cho việc nâng cao chất lượng sống của người dân, ví dụ như khí hóa lỏng, các mặt hàng đầu vào cho lĩnh vực sản xuất công nghệ cao để thể hiện được là, Việt Nam thiện chí trong giao thương với Mỹ để tăng nhập khẩu từ Mỹ, để thu hẹp chênh lệch thặng dư thương mại giữa Mỹ và Việt Nam.
Tiếp theo là giảm thuế, tăng cường việc kêu gọi, khuyến khích các nhà đầu tư FDI từ Mỹ, đặc biệt là các công ty lớn, công ty đa quốc gia trong lĩnh vực công nghệ cao, các tổ chức tài chính ngân hàng, các doanh nghiệp logistic lớn có sự hiện diện tại Việt Nam
Về lâu dài, khuyến khích các doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp tư nhân trong nước, doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp thuần nội địa xuất khẩu sang Mỹ.
![]() |
Dệt may là một trong những mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ có tỷ trọng cao |
Về phía các doanh nghiệp, bên cạnh thị trường Mỹ phải tìm kiếm nhiều thị trường khác, ví dụ như thị trường Châu Âu, thị trường Châu Á, thị trường Châu Mỹ La-tinh để đa phương hóa các quan hệ thương mại.
Để làm được việc đó, vai trò của các cơ quan Nhà nước rất quan trọng trong việc phát triển thị trường, thông qua việc đàm phán và thỏa thuận các hiệp định thương mại song phương, đa phương với các nước đó, có sự hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm bán hàng từ các nước trong các khối kể trên.
"Ngoài ra, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ xanh, sạch, đẹp, có thông tin rõ ràng về quy trình sản xuất để đáp ứng một số yêu cầu khắt khe của thị trường Châu Âu hay đòi hỏi về lượng khí thải cacbon hay quy trình sản xuất. Giai đoạn này có mấy việc quan trọng như vậy.", GS. Vinh nhấn mạnh.
Quan trọng nữa là Việt Nam cần có một chiến lược chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ các lĩnh vực thâm dụng lao động như hiện nay để phát triển kinh tế, chuyển đổi từ thâm dụng lao động sang công nghệ cao; phấn đấu trong cơ cấu xuất khẩu, nâng tỉ trọng của các doanh nghiệp thuần Việt tăng lên.
Đẩy nhanh chiến lược phát triển các doanh nghiệp trong nước trở thành những tập đoàn đa quốc gia có vị thế toàn cầu. Có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có chiến lược xuất khẩu với từng bước đi thích hợp.
Đặc biệt chú trọng thị trường trong nước với 100 triệu dân, xem thị trường trong nước là thế mạnh. Ngoài ra, rà soát và có chính sách miễn giảm thuế đối với hàng Mỹ để tạo độ tin tưởng, thể hiện thiện chí của Việt Nam trong phát triển quan hệ thương mại với Mỹ trên tinh thần đôi bên cùng có lợi như người phát ngôn Bộ ngoại giao đã tuyên bố.
![]() |
GS.TS Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh (UEH) phát biểu trong một hội thảo. |
Cần chính sách thuế phù hợp
Trả lời Báo Pháp luật Việt Nam về việc liệu hàng hóa nước ngoài có tràn sang Việt Nam khi bị áp thuế quá cao tại Mỹ, GS. Vinh cho rằng đây là tự nhiên, với rào cản thuế quan cao, họ sẽ đi tìm thị trường khác như Việt Nam.
Vậy, làm gì để Việt Nam không bị mất thị phần?, theo GS. Vinh, bài toán cho Việt Nam lâu dài là có chính sách thuế phù hợp; đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
![]() |
Các kênh phân phối tại siêu thị giúp đưa sản phẩm tới khách hàng được nhanh hơn, với chi phí thấp hơn, dịch vụ tốt hơn. |
Để đối phó với việc áp thuế quan từ Mỹ và làn sóng hàng hóa nước ngoài có thể tràn sang Việt Nam, giải pháp đối với doanh nghiệp Việt Nam là phải nâng cao năng lực quản trị, đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để có công nghệ cao, sản xuất với chi phí thấp. Quan trọng hơn là Việt Nam phải tạo ra được những mặt hàng riêng của chính mình để đủ sức cạnh tranh toàn cầu.
Cạnh đó, cần chú ý đa dạng hóa các kênh phân phối, các doanh nghiệp trong nước cần bắt tay với các chuỗi phân phối như các siêu thị để có chính sách khuyến mãi, hậu mãi để đưa sản phẩm đến với khách hàng với giá thấp hơn, dịch vụ tốt hơn. Đồng thời, tận dụng các kênh thương mại điện tử, chi phí logistics trong nước để giảm chi phí bán hàng và đưa sản phẩm đến khách hàng với giá hợp lý nhưng vẫn đảm bảo chất lượng “Made in Vietnam”.
GS. TS Võ Xuân Vinh