Kết quả từ Khảo sát DN châu Á 2016 của Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) mới đây cho thấy 28% DN được khảo sát đã chọn Việt Nam là điểm mở rộng kinh doanh lý tưởng trong 3-5 năm tới trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Singapore (32%).
Điểm đến lý tưởng
Theo khảo sát của UOB, có 38% DN từ Malaysia, 35% đến từ Thái Lan và 29% đến từ Singapore đã xếp Việt Nam vào nhóm 3 điểm đến hàng đầu cho việc mở rộng kinh doanh. Đây là nhóm trong tổng số 28% DN được khảo sát chọn Việt Nam là điểm đến hứa hẹn để mở rộng kinh doanh trong vòng 3-5 năm tới.
Các DN châu Á quan tâm tới Việt Nam nhờ kinh tế - chính trị ổn định (41%), khách hàng có nhu cầu lớn và ngày càng gia tăng (40%), cũng như thuế suất ưu đãi và môi trường pháp lý thuận lợi (35%)…
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm 2015 cùng lực lượng lao động trẻ, khi 60% trong tổng dân số 90 triệu người đang ở độ tuổi dưới 35, Việt Nam đang chứng tỏ là một điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Theo UOB, với dân số trẻ, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, tiến trình đô thị hóa và mức chi tiêu ngày một tăng, Việt Nam trở nên hấp dẫn với các DN châu Á đang tìm kiếm thị trường mới cho các sản phẩm và dịch vụ của mình.
Trong nửa đầu năm 2016, cả nước đã thu hút được 11,3 tỷ USD, mức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) kỷ lục, tăng 105 % so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Eric Tham -Trưởng nhóm Ngân hàng thương mại của UOB cho biết, các kết quả từ Khảo sát DN châu Á 2016 của UOB đã tái khẳng định ý chí kinh doanh của các DN trong khu vực, khi tiếp tục tìm kiếm thị trường mới để phát triển.
Lĩnh vực nào “đắt hàng”?
Theo khảo sát, các lĩnh vực thu hút đầu tư đáng kể nhất vào Việt Nam là: công nghiệp sản xuất, y tế và dược phẩm, xây dựng và bất động sản, năng lượng và tài nguyên thiên nhiên. Đây là các lĩnh vực chủ chốt, giúp xây dựng nền tảng vững chắc để hỗ trợ công cuộc tăng trưởng kinh tế dài hạn của đất nước.
Có 39% đại diện DN được UOB khảo sát cho biết họ đang tìm hiểu mở rộng thị trường quốc tế để tăng doanh thu. Các công ty này cũng bao gồm nhóm hoạt động trong lĩnh vực y tế và dược phẩm, với mục tiêu đáp ứng nhu cầu và mức chi tiêu ngày càng cao của người Việt Nam để chăm sóc sức khỏe.
Theo ông Eric Tham, những DN châu Á biết nắm bắt cơ hội để cung cấp các sản phẩm và dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của tầng lớp trung lưu Việt Nam sẽ có ưu thế đặc biệt để xây dựng DN vững mạnh trong khu vực.
Số liệu mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tính trong 10 tháng đầu 2016, khối FDI đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của các DN FDI với 842 dự án đầu tư đăng ký mới và 691 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 12,84 tỷ USD, chiếm 72,9% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 10 tháng.
Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với 46 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 982,59 triệu USD, chiếm 5,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đứng thứ ba với 657,66 triệu USD, chiếm 3,7% tổng vốn đầu tư.
"Đầu tư vào Việt Nam cũng sẽ tạo thêm việc làm và giúp người dân tăng mức thu nhập. Ngược lại, điều này cũng sẽ mở ra các cơ hội kinh doanh mới từ lượng dân cư thành thị ngày một tăng ở Việt Nam, và tầng lớp trung lưu đang chi trả nhiều hơn cho hàng hóa tiêu dùng và dịch vụ chăm sóc y tế để đảm bảo sức khỏe cá nhân. Ngoài ra, các DN Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc hợp tác với DN nước ngoài để chia sẻ kiến thức và chuyển giao kỹ năng trong nhiều lĩnh vực ", ông Tham cho biết.
Việt Nam xếp thứ 82 thế giới về môi trường kinh doanh
Theo xếp hạng thường niên về mức độ thuận lợi trong kinh doanh của World Bank, Việt Nam xếp hạng 82 thế giới về mức độ thuận lợi trong kinh doanh, tăng 9 bậc so với vị trí 91 trong báo cáo năm trước của World Bank.
Cụ thể, báo cáo cho hay Việt Nam có sự cải thiện rất tốt về các tiêu chí, như Bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư nhỏ (tăng 31 bậc), Thương mại với quốc tế (tăng 15 bậc) và Các thủ tục về thuế (tăng 11 bậc).
Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu rõ việc đăng ký thành lập một DN mới ở Việt Nam trong năm 2017 sẽ khó khăn hơn so với năm 2016, khi chỉ số Khởi tạo DN giảm tới 10 bậc. Các chỉ số còn lại như Xin giấy phép xây dựng, Đăng ký điện, Thi hành hợp đồng hay đăng ký phá sản... đều có mức thay đổi không đáng kể.
Dù có sự cải thiện nhưng thủ tục về thuế ở Việt Nam lại bị đánh giá thuộc nhóm tệ nhất thế giới (xếp thứ 167). Các chỉ số về Thủ tục giải quyết phá sản và Khởi tạo DN cũng bị đánh giá rất thấp (lần lượt là 125 và 121 thế giới).
Theo báo cáo, Việt Nam làm tốt nhất ở khâu Xin giấy phép xây dựng, khi chỉ số này xếp thứ 25 thế giới về độ dễ dàng.
Trong khu vực Đông Nam Á, mức độ thuận lợi trong kinh doanh tại Việt Nam xếp sau Singapore (hạng 2 thế giới), Malaysia (hạng 23 thế giới), Thái Lan (hạng 46 thế giới) và Brunei (hạng 72 thế giới).
Để có thể hiểu thêm về môi trường đầu tư tại Việt Nam cũng như mối quan tâm của giới đầu tư trong khu vực, ngày 8/12 sắp tới tại Hà Nội sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN Bloomberg 2016 với sự tham dự của giới lãnh đạo chủ chốt của các tập đoàn hàng đầu khu vực và toàn cầu, lãnh đạo điều hành cấp cao của các công ty dịch vụ tài chính quốc tế cũng như các nhà lãnh đạo chính phủ.
Hội nghị này đang được giới đầu tư châu Á mong đợi để có thể nắm bắt giai đoạn phát triển tiếp theo của Việt Nam và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), nhất là trong thương mại và đầu tư xuyên biên giới trong khu vực.
Các lĩnh vực tăng trưởng như hàng tiêu dùng, cơ sở hạ tầng, hàng hóa và năng lượng, tài chính ngân hàng được cho là mối quan tâm lớn của giới đầu tư tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này.