Việt Nam xin gia nhập Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế

Trong chuyến công tác Ai Len, được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường sẽ chính thức trao Thư của Việt Nam xin gia nhập Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế - một thiết chế quan trọng nhất trong lĩnh vực tư pháp quốc tế có trụ sở đóng tại La Hay, thủ đô Hà Lan.

Đoàn công tác của Bộ Tư pháp Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường dẫn đầu mới tới Ailen, bắt đầu chuyến công tác 3 nước Châu Âu: Ai Len, Hà Lan và Bang Hessen - Cộng hòa Liên bang Đức.

Mục đích chuyến công tác lần này của Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhằm thiết lập quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp với Cộng hòa Ai Len, Vương quốc Hà Lan và một số tổ chức quốc tế liên Chính phủ có trụ sở chính đóng tại Hà Lan. Với Bang Hessen - CHLB Đức, chuyến thăm này nhằm củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác pháp luật đã được thiết lập từ năm 2010.

lViệc gia nhập Hội nghị La Hay đáp ứng yêu cầu phát  triển nội tại của các quan hệ dân sự, kinh tế có yếu tố nước  ngoài tại Việt Nam. Ảnh minh họa
Việc gia nhập Hội nghị La Hay đáp ứng yêu cầu phát triển nội tại của các quan hệ dân sự, kinh tế có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam. Ảnh minh họa

Trong chuyến công tác Ai Len, dự kiến Bộ Tư pháp Việt Nam ký hai văn kiện hợp tác với Bộ Tư pháp và Công bằng Ai Len và Cơ quan Con nuôi Trung ương của Ai Len. Đồng thời, được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường sẽ chính thức trao Thư của Việt Nam xin gia nhập Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế - một thiết chế quan trọng nhất trong lĩnh vực tư pháp quốc tế có trụ sở đóng tại La Hay, thủ đô Hà Lan.

Ai Len là đối tác đã có quan hệ hợp tác về pháp luật và tư pháp với Việt Nam từ nhiều năm nay. Năm 2011 vừa qua, Ai Len đã ký Chiến lược quốc gia lần thứ hai (giai đoạn 2011-2015) với trọng tâm hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội, tập trung vào mục tiêu ưu tiên là xóa đói giảm nghèo và tăng cường quản trị quốc gia.

Ai Len và Việt Nam đã ký Hiệp định cấp Chính phủ về hợp tác nuôi con nuôi vào năm 2003 và tới nay hai Cơ quan Trung ương về con nuôi của hai nước đã hoàn tất Bản Ghi nhớ về các thủ tục hành chính áp dụng trong lĩnh vực con nuôi quốc tế giữa cơ quan trung ương về nuôi con nuôi của Việt Nam và Ailen nhằm triển khai hợp tác giữa hai nước về con nuôi phù hợp với quy định của Công ước La Hay về bảo vệ trẻ em và nuôi con nuôi quốc tế mà cả Việt Nam và Ai Len đều là thành viên.

Đối với CHLB Đức, hoạt động hợp tác trong lĩnh vực pháp luật đã có từ gần 20 năm nay và trong thời gian gần đây quan hệ hợp tác này đã được nâng lên một tầng cao mới, toàn diện hơn về các lĩnh vực hợp tác và mở rộng hơn về đối tác tham gia ở cả cấp liên bang và cấp bang. Vào năm 2010, Bộ Tư pháp đã ký một Thoả thuận hợp tác với Bộ Tư pháp Bang Hessen và từ đó cho tới nay, hàng năm hai bên đều có các cuộc thăm viếng, trao đổi học tập kinh nghiệm lẫn nhau.         

Đối  với Hà Lan, ngoài việc thiết lập quan hệ hợp tác với Bộ Tư pháp Hà Lan, chuyến công tác lần này của Bộ trưởng Hà Hùng Cường còn có trọng tâm là thiết lập quan hệ hợp tác với nhiều thiết chế quốc tế có uy tín về các vấn đề pháp lý và giải quyết tranh chấp quốc tế như Tòa án tư pháp quốc tế, Tòa trọng tài thường trực quốc tế, Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế, Viện Pháp luật quốc tế La Hay…

Trong bối cảnh Việt Nam đang chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế một cách toàn diện trên mọi lĩnh vực, cùng với việc triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, với phương châm chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế thì việc nghiên cứu khả năng gia nhập Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế của Việt Nam là rất cần thiết.

Việc gia nhập Hội nghị La Hay nhằm góp phần thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta về hội nhập quốc tế, về cải cách tư pháp, cải cách pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển nội tại của các quan hệ dân sự, kinh tế có yếu tố nước ngoài của Việt Nam. Đồng thời, việc gia nhập các thiết chế quốc tế đa phương về giải quyết tranh chấp, gia nhập thiết chế pháp lý về tư pháp quốc tế như Hội nghị La Hay cũng là hoàn toàn phù hợp với xu hướng hợp tác về tư pháp quốc tế hiện nay trong khu vực và trên thế giới.  

M.O.J.

Đọc thêm