Việt – Nhật trao đổi kinh nghiệm sửa đổi Hiến pháp

Ý nghĩa của Hiến pháp, quyền con người, tổ chức bộ máy nhà nước, kiểm soát quyền lực chính trị… đã được chuyên gia pháp lý, nhà khoa học có uy tín trong lĩnh vực pháp luật của Việt Nam và các GS Nhật Bản trao đổi tại hội thảo quốc tế “Hiến pháp với sự ổn định và phát triển của quốc gia – từ kinh nghiệm của Nhật Bản” do Ủy ban Pháp luật Quốc hội và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức hôm qua-20/9 tại Hà Nội.

Ý nghĩa của Hiến pháp, quyền con người, tổ chức bộ máy nhà nước, kiểm soát quyền lực chính trị… đã được chuyên gia pháp lý, nhà khoa học có uy tín trong lĩnh vực pháp luật của Việt Nam và các GS Nhật Bản trao đổi tại hội thảo quốc tế “Hiến pháp với sự ổn định và phát triển của quốc gia – từ kinh nghiệm của Nhật Bản” do Ủy ban Pháp luật Quốc hội và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức hôm qua - 20/9 tại Hà Nội.

Thiết chế bảo vệ quyền con người

Trả lời mối quan tâm của TS.Nguyễn Sỹ Dũng (Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) về quan điểm của chủ nghĩa lập hiến liên quan đến vai trò rõ ràng nhất của Hiến pháp là “thiết chế nhằm bảo vệ quyền con người”, GS.Hasebe Yasua khẳng định, hầu hết các quốc gia (trừ Vatican) đều xây dựng Hiến pháp theo quan điểm này.

Để thực hiện được vai trò đó, các quyền con người cần được qui định trong Hiến pháp bao gồm các quyền tự do tư tưởng, tôn giáo, quyền riêng tư, quyền tài sản, quyền tự biểu hiện, quyền tham gia chính trị, các qui định để có thể đáp ứng yêu cầu về “các quyền mới” tương ứng với sự thay đổi của tình hình xã hội.

Ngoài ra, còn có các nguyên tắc “phân chia quyền lực giữa TƯ và địa phương”. Theo GS.Takami Katsutoshi, quan hệ giữa nhà nước và địa phương là “ngang bằng” có sự phân công vai trò, loại bỏ cơ chế ủy quyền, xem xét lại cách thức nhà nước can thiệp vào chính quyền địa phương…

Trong Hiến pháp Nhật Bản, mục đích của nguyên tắc là để “người dân địa phương chịu trách nhiệm về quản lý địa phương và đạt được công việc của địa phương, dân chúng tham gia chính trị để tự giác về vai trò tự quản hành chính tại địa phương, nhằm tại sự hòa bình ổn định cho đất nước, thúc đẩy phúc lợi của nhân dân…” như nhận định của các chuyên gia pháp lý Nhật Bản.

Dù cùng thống nhất vai trò “hạn chế quyền lực chính trị nhằm bảo vệ quyền con người” của Hiến pháp nhưng giới hạn của việc sửa đổi Hiến pháp (thể hiện tính “cứng” của Hiến pháp) lại được qui định khác nhau ở các nước. Nhìn chung, có những nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp (như việc bảo vệ quyền cơ bản của con người như nhân quyền) không thể thay đổi dù có thông qua thủ tục sửa đổi Hiến pháp. Do đó, Hiến pháp không thể bị thay đổi một cách đơn giản mà nội dung phải cần được đưa vào đời sống, phải có cơ chế thẩm định, kiểm tra các đạo luật do Quốc hội ban hành, không để trái với Hiến pháp.

GS.Hasebe cho rằng, giới hạn sửa đổi Hiến pháp liên quan đến vấn đề “đặt niềm tin đối với người dân – những người có quyền sửa đổi Hiến pháp” nên trong khi Đức, Nhật… quan niệm về giới hạn cho việc sửa đổi Hiến pháp vì “đôi khi họ (người dân – PV) cũng có thể nhầm lẫn” thì Mỹ đã hai lần sửa đổi toàn bộ Hiến pháp (kể cả những nguyên tắc, nội dung cơ bản) bởi “người dân có quyền sửa đổi cơ bản và toàn bộ Hiến pháp của họ”.

Thúc đẩy xã hội phát triển

Đó là vấn đề được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đưa ra tại Hội thảo khi bàn đến tính “cứng” và “mềm” tương ứng với độ khó, dễ của một bản Hiến pháp. Chủ nghĩa lập hiến hiện đại là nền tảng cho Hiến pháp. Có nhiều cách hiểu khác nhau về tính “cứng” và “mềm” của Hiến pháp. Thực tiễn thế giới hiện nay, chỉ 1 số quốc gia như Anh, Malaysia, Israel… có Hiến pháp thuần túy là Hiến pháp “mềm”, song vẫn chưa có câu trả lời logic về vai trò của Hiến pháp “cứng” hay “mềm” đối với sự hưng thịnh của xã hội.

Theo đánh giá của GS.Hasebe, Hiến pháp Việt Nam là Hiến pháp “cứng” vì khi sửa đổi phải được 2/3 số đại biểu quốc hội tán thành. Do đó, Hiến pháp Việt Nam có thể qui định các nội dung mang tính chi tiết. Dù vậy, độ “cứng” của Hiến pháp Việt Nam vẫn chưa bằng của Nhật Bản vì ngoài điều kiện 2/3 tổng số nghị sỹ tán thành thì việc sửa đổi những quyền cơ bản trong Hiến pháp của Nhật Bản phải được người dân bỏ phiếu thông qua. GS.Hasebe khẳng định, “như vậy mới không làm mất đi vai trò của Hiến pháp trong cuộc sống của con người có nhân sinh quan khác nhau”….

Những kinh nghiệm, chia sẻ của các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo này sẽ đóng góp thiết thực trong việc sửa đổi Hiến pháp của Việt Nam.

Tiếp GS Hasebe Yasuo và GS Takami Katsutoshi, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh hai giáo sư sang thăm, làm việc tại Việt Nam, chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức của mình với các nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu, xây dựng hiến pháp.

Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang nghiên cứu tổng kết, sửa đổi Hiến pháp năm 1992, do đó, việc nghiên cứu hiến pháp của các nước phát triển, các nước đối tác chiến lược của Việt Nam, trong đó có Nhật Bản là hết sức quan trọng. Qua đó, Việt Nam sẽ có thể chọn lọc tiếp thu những nội dung phù hợp. Phó Thủ tướng bày tỏ rất ấn tượng với kiến thức và kinh nghiệm của hai giáo sư trong lĩnh vực nghiên cứu Hiến pháp Nhật Bản cũng như Hiến pháp của nhiều quốc gia trên thế giới.Việc các giáo sư hàng đầu của Nhật Bản về nghiên cứu Hiến pháp sang tham dự Hội thảo để chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi những vấn đề mang tính học thuật và thực tiễn với các nhà khoa học Việt Nam  có ý nghĩa rất tích cực trong việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, xây dựng hiến pháp.

X. Tuyến

Hương Giang

Đọc thêm