Cư dân mạng hoài nghi về việc trao thưởng của Cty Vietlott |
Nghi vấn “game show” củaVietlott?!
Hầu như ai cũng biết câu chuyện gia đình chị Nguyễn Thị Ánh Đào ở Trà Vinh may mắn trúng giải Jackpot trị giá hơn 92 tỷ đồng vào ngày 16/10. Đây là số tiền thưởng xổ số lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Lần thứ 2 là một người đàn ông khác ở Đồng Nai trúng giải với số tiền tương đương 65 tỷ đồng được trao vào ngày 9/11.
Cty Vietlott đã không công khai thông tin theo yêu cầu của người trúng thưởng và giữ bí mật việc tổ chức trao thưởng, chỉ được phép công bố thông tin tên viết tắt, địa chỉ nơi cư trú theo tỉnh và hình ảnh che mặt. Mới đây, ngày 13/11, Cty Vietlott thông tin đã có người trúng giải với số tiền lên tới 71 tỷ đồng. Chỉ trong vòng một tháng đã có đến 3 trường hợp trúng giải với số tiền lên đến hơn 200 tỷ đồng khiến cho dư luận không khỏi hoài nghi về loại hình vé số “tưởng chừng khó nhưng dễ ăn” này.
Được biết, một số nước trên thế giới có rất nhiều loại hình xổ số điện toán với quy mô rất lớn như PowerBall, EuroMillions,... Tùy theo quy định của chính quyền sở tại, người trúng giải có quyền giấu những thông tin cá nhân quan trọng như địa chỉ, tên thật, tuổi tác hay số điện thoại nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như tránh được những phiền phức phát sinh do trúng số giá trị lớn.
Tại Việt Nam, Vietlott áp dụng lựa chọn tương tự cho khách hàng của mình, bao gồm: Không công bố họ tên đầy đủ của người trúng, chỉ cung cấp địa chỉ cư trú tới cấp tỉnh và giấu mặt người trúng trên các hình ảnh công bố ra dư luận. Với hình thức áp dụng như thế này thì cũng kèm theo hàng loạt câu hỏi đặt ra?!
Đó là sau hai kỳ quay, có người trúng độc đắc, liệu khi không ai biết người trúng thưởng là ai, có chắc rằng đây không phải là người được công ty xổ số thuê lĩnh giải hộ, có chắc rằng thực sự có người trúng giải hay không?! Việc Vietlott công bố trúng giải độc đắc chỉ là cái cớ để đơn vị phát hành xổ số chốt lời, hoặc thậm chí tạo “hiệu ứng” ham muốn cho mọi người đổ xô đi mua vé số điện toán?!
Trang Business Insider dẫn lời đại diện của Camelot - đơn vị phát hành xổ số điện toán tại Anh cho hay: Quyết định có xuất hiện trước công chúng hay không tùy thuộc vào sự lựa chọn của người chơi. “Sẽ rất tuyệt vời nếu họ có thể thoải mái công khai danh tính nhưng nếu họ lựa chọn nặc danh, chúng tôi vẫn sẽ ủng hộ hoàn toàn”. Đại diện Camelot rất mong muốn người chơi công bố danh tính vì nếu không, “những người chơi khác sẽ không thể biết số tiền thưởng độc đắc 161 triệu bảng Anh đã đi về đâu”, vị này chia sẻ về việc một giải độc đắc lớn của xổ số Quốc gia Anh được nhận nặc danh.
Vé số Vietlott được người bán dạo công khai ở khắp nơi không khác gì vé số truyền thống. Giá mỗi tờ là 12.000 nghìn đồng |
Nhiều công trình phúc lợi có thể bị xóa sổ vĩnh viễn
Mới đây, trong lần trao đổi với ông Nguyễn Thanh Đạm - Phó Tổng Giám đốc Cty Vietlott tại Hội nghị Xổ số kiến thiết (XSKT) khu vực miền Nam lần thứ 108, ông Đạm lý giải là do lỗi kỹ thuật trong quá trình quản lý trang mạng của công ty mới dẫn đến việc lộ thông tin.
Ngoài ra, ông Đạm còn khẳng định: Cty không có chủ trương cho phép người bán dạo vé số Vietlott mà phải thông qua các đại lý chính thức. Riêng trường hợp người bán tự ý mua đi bán lại thì Cty đã gửi công văn đến các tỉnh, thành yêu cầu xử lý bằng hình thức tịch thu và phạt hành chính. Cty sẽ lên kế hoạch kiểm tra, xử lý những đại lý nếu có hành vi phân phối cho người bán dạo.
Thử hỏi, một doanh nghiệp liên doanh có thể yêu cầu cơ quan chức năng xử lý người vi phạm bằng hình thức tịch thu hoặc phạt hành chính như Vietlott đã làm thì đã ổn về tính pháp lý trong thực tiễn áp dụng pháp luật. Đó là chưa nói, thực tế hoàn toàn ngược lại với lời nói của ông Đạm. Tình trạng bán vé dạo tràn lan, không kiểm soát đã làm đảo lộn thị trường vé số.
Thực tế, sau hơn 4 tháng đi vào hoạt động, người dân cũng không biết “đâu là bán đúng, đâu là bán sai” mà họ chỉ biết bán thật nhiều để được nhiều tiền mà thôi. Thậm chí, lãnh đạo nhiều Cty xổ số tại miền Nam còn cho rằng, việc thu - chi ngân sách của họ đang gặp vấn đề; trong khi các kế hoạch về những công trình phúc lợi xã hội đã được đưa vào kế hoạch nhưng đang có thể đối diện với nguy cơ đổ vỡ. Họ còn bày tỏ bức xúc khi doanh thu giảm đáng kể, trong khi nộp ngân sách thì tăng. Việc doanh thu giảm dẫn đến nộp ngân sách có thể không đạt kế hoạch đề ra. Trong khi, không ít tỉnh, thành đã hoạch định phân bổ ngân sách cho việc xây dựng các công trình phúc lợi.
Liên quan đến hành vi bán dạo vé số tự chọn, thay vì trách nhiệm quản lý, xử lý và kiểm soát thuộc về trách nhiệm của Vietlott thì Vietlott lại đẩy trách nhiệm cho địa phương, buộc địa phương phải tự quản lý.
“Tại sao các ông mở loại hình này ra mà không thể tự kiểm soát, để cho thị trường ảnh hưởng rồi sau đó lại bắt địa phương chúng tôi tự kiểm soát và quản lý(!?)” – một lãnh đạo công ty xổ số truyền thống bày tỏ bức xúc.
Về vấn đề này, mới đây lãnh đạo của Cty XSKT tại Đồng bằng sông Cửu Long đã có công văn gửi các cơ quan, ban, ngành yêu cầu xử lý tình trạng bán vé số điện toán sai quy định trên địa bàn. Một lãnh đạo khác trong ngành xổ số nói: “Vietlott phải có trách nhiệm kiểm soát thị trường về sản phẩm của mình. Không thể vì lợi ích của mình mà làm ảnh hưởng đến thị trường chung”.Có thể nói, việc gia tăng lượng người bán vé số truyền thống, “kiêm” luôn bán vé số điện toán dạo thì người muavé số điện toán khó tránh khỏi câu chuyện vé số giả hoặc ngày tháng mở thưởng bị sai lệch… L.Đ
Dân mạng bày tỏ chính kiến...
Về trường hợp người đầu tiên được Vietlott trao giải 92 tỷ đồng, cư dân mạng cho rằng đây là một “vở kịch không hoàn hảo”. Sự việc trên khiến cho nhiều người mất niềm tin vào xổ số điện toán. Nguyên văn từ nội dung được đăng tải trên các trang mạng xã hội: “Vụ trúng số 92 tỉ - màn kịch không hoàn hảo”. Bằng sự cảm thông sâu sắc đối với lần dàn dựng và ra mắt vở kịch đầu tiên của Vietlott nên còn hơi nhiều sạn.
Đồng thời với thiện chí góp ý xây dựng để những vở kịch sau được thành công tốt đẹp hơn - xin đóng góp với Vietlott như sau: Thông cáo báo chí chung với thông tin trúng giải có thể được soạn sẵn nhưng chờ sát giờ quay số hãy mail cho báo chí. Tránh tình trạng như hôm (16/10/2016) là chính trang Vietlott và một số trang khác lộ tin trúng giải (gồm cả dãy số và số tiền trúng) từ 12h trưa. Trong khi, 18h30 cùng ngày mới quay số.
Dù chọn các “diễn viên” là người bán dạo, nông dân để không có nhiều tương tác trên mạng xã hội nhưng rất nên chọn người có chỉ số IQ đủ để thuộc lòng kịch bản - tránh tình trạng như: Ông bố thì bảo mua vé số hẳn ở điểm Vietlott quận Tân Bình (TP HCM); còn chị con thì bảo mua lại của người bán dạo tại địa phương (tức là ở Trà Vinh). Các “diễn viên” đã được tiền thù lao cho vai diễn rồi thì không nên tham công tiếc việc thường ngày nữa - tránh tình trạng như sáng ngày vừa rồi chị Đào trúng 92 tỉ cả đêm mất ngủ mà sáng vẫn cố đi bán hàng làm chi(?!), mặc kệ ông bố lọ mọ lên TP HCM nhận thưởng...