Vietnam Airlines muốn được ưu tiên đầu tư các hạng mục dịch vụ tại Sân bay Long Thành

(PLVN) - Nếu ví đầu tư khu hạ tầng sân bay là “phần xương” thì phần dịch vụ chính là “phần thịt” và Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đang bày tỏ mong muốn được ưu tiên để đầu tư, kinh doanh “phần thịt” này tại sân bay Long Thành…
Dịch vụ hàng không là “phần thịt” béo bở mà ai cũng muốn đầu tư kinh doanh.
Dịch vụ hàng không là “phần thịt” béo bở mà ai cũng muốn đầu tư kinh doanh.

Ông Đặng Ngọc Hòa – Chủ tịch Vietnam Airlines - vừa có báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và Ủy ban Quản lý Vốn nhà nước tại DN, trong đó có nội dung về chiến lược phát triển của Vietnam Airlines giai đoạn 2021 – 2030. Theo đó, Vietnam Airlines và các đơn vị thành viên sẽ ưu tiên bố trí tối đa nguồn lực để tham gia các dự án đầu tư xây dựng và khai thác cơ sở hạ tầng (CSHT) tại Cảng hàng không (CHK) quốc tế Long Thành.

Các dịch vụ được Vietnam Airlines đề cập gồm: cung ứng nhiên liệu hàng không, phục vụ kỹ thuật mặt đất, cung ứng suất ăn, nhà ga hàng hóa, trung tâm logistics hàng không. Ngoài ra, Vietnam Airlines muốn tổ chức hoạt động kinh doanh và phục vụ hành khách tại nhà ga như dịch vụ phòng chờ cho hành khách, bán hàng miễn thuế và các dịch vụ hàng không khác.

Theo Chủ tịch Vietnam Airlines, những dịch vụ trên đã và đang được đơn vị này khai thác tại nhiều sân bay lớn hiện nay thông qua các công ty con, công ty liên kết. Ông Thắng thừa nhận, quy mô hoạt động và lợi nhuận của các DN này đều tăng trưởng mạnh qua các năm. Chỉ riêng giai đoạn 2015 - 2019, tổng số cổ tức/lợi nhuận Vietnam Airlines nhận từ các DN có vốn góp là hơn 5.074 tỷ đồng, đạt tỷ suất lợi nhuận/vốn đầu tư bình quân hàng năm là 16%...

Theo tính toán của Vietnam Airlines, nếu đầu tư vào các dịch vụ tại sân bay Long Thành, tổng mức đầu tư khoảng hơn 9.900 tỷ đồng, trong đó dự kiến 30% là nguồn vốn chủ sở hữu và 70% còn lại từ vốn vay. Theo kế hoạch này, Vietnam Airlines và các công ty con của DN này sẽ trực tiếp đầu tư xây dựng CSHT hoặc theo hình thức hợp tác để thành lập công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn.

Vietnam Airlines cũng đề nghị cơ quan chức năng xem xét, chấp thuận cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên đối với Vietnam Airlines và các đơn vị thành viên có đủ CSHT và mặt bằng để khai thác tại nhà ga hành khách; xem xét bố trí nhà ga, cánh nhà ga riêng... Trước mắt, Vietnam Airlines xin được bố trí ngay vị trí đất để triển khai đầu tư sớm hạng mục xây dựng bảo dưỡng, sửa chữa máy bay tại CHK quốc tế Long Thành.

Theo tìm hiểu của PLVN, những hạng mục dịch vụ mà Vietnam Airlines đề xuất xây dựng, kinh doanh là những hạng mục được cho dễ sinh lời ở các CHK. Một chuyên gia am hiểu lĩnh vực này chia sẻ với PLVN rằng: Tổng thể trong một sân bay, đầu tư các hạng mục “cứng” như hệ thống đường lăn, hệ thống đường cất hạ cánh, nhà kho gần như không thể sinh lời. Trong khi đó, nếu đầu tư hệ thống dịch vụ tại nhà ga, suất ăn, dịch vụ logistics, cung cấp nguyên liệu bay, phục vụ kỹ thuật mặt đất… là những lĩnh vực “hái ra tiền”. “Nếu ví đầu tư khu hạ tầng sân bay là “phần xương” thì phần dịch vụ chính là “phần thịt” và ai cũng muốn được đầu tư, khai thác phần thịt này…”- Chuyên gia này ví von.

Tuy nhiên, theo đại diện Vụ KH&ĐT (Bộ GTVT), Nghị định 05 thay thế Nghị định 102 về Quản lý, khai thác CHK sân bay, có hiệu lực từ ngày 10/3 tới đây quy định, tất cả các dịch vụ hàng không, phi hàng không sẽ tổ chức đấu thầu rộng rãi. Quyết định phê duyệt dự án CHK quốc tế Long Thành của Thủ tướng cũng nêu nội dung các hạng mục dịch vụ tại sân bay này cần phải được đấu thầu. Theo lãnh đạo Vụ KH&ĐT, điều này đảm bảo công bằng giữa các DN, không ưu tiên cho DN nào.

Còn theo ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, nếu Vietnam Airlines muốn tham gia đầu tư các hạng mục dịch vụ tại sân bay Long Thành thì phải tham gia đấu thầu theo quy định. Ông Thắng cũng cho biết thêm, hiện đơn vị này đang hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn để sớm trình Bộ GTVT ban hành.

Đọc thêm