Viettel đặt mục tiêu khôi phục dịch vụ trong 24h sau thiên tai

(PLO) - Với phương châm “Chủ động phòng tránh – Đối phó kịp thời – Khắc phục khẩn trương – An toàn hiệu quả”, Viettel luôn xác định phải đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, duy trì dịch vụ cho khách hàng trong thiên tai, hạn chế tối đa thời gian gián đoạn thông tin, xử lý sự cố, ứng cứu thông tin trong thời gian nhanh nhất, 100% các vị trí trạm được đảm bảo về nguồn điện. 
Viettel đặt mục tiêu khôi phục dịch vụ trong 24h sau thiên tai
Các phương án ứng cứu thông tin luôn sát với thực tế, đảm bảo thông tin trong bão trên cấp 13, bao gồm cả siêu bão trên cấp 16. Sau khi bão đi qua, Viettel sẽ nhanh chóng khắc phục hoàn toàn các sự cố trong 24 giờ đối với dịch vụ di động và tối đa 03 ngày với dịch vụ cố định.
Do mỗi trạm phát sóng của Viettel được vu hồi bằng 02 đường truyền dẫn khác nhau nên trong mọi tình huống, Viettel đều đảm bảo thông tin liên lạc các vị trí trọng yếu như các trạm phục vụ biển đảo, trạm tại các đảo, trạm tại khu vực có khả năng bị cô lập, trạm phục vụ các cơ quan chính quyền, quân đội, an ninh, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Trung ương, địa phương và các Sở chỉ huy phòng, chống thiên tai tiền phương,…
Trên thực tế, thời gian khắc phục sự cố do thiên tai gây ra trong 2 năm gần đây đã giảm 3 lần so với trước đó. Tiêu biểu, đối với cơn bão số 8 (Sơn Tinh) năm 2012 và cơn bão số 10 (Wutip) năm 2013, Viettel mất tới 3 ngày để khôi phục thông tin liên lạc tại các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình và Quảng Bình. Khoảng thời gian này được rút ngắn xuống 2 ngày đối với bão số 11 (Nari) năm 2013; 20 giờ đối với bão số 3 (Kalmaegi) năm 2014 và vẫn duy trì ở chỉ tiêu 24 giờ cho tới nay.
Để đảm bảo dịch vụ như vậy, Viettel tổ chức bộ máy điều hành, triển khai phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xuyên suốt từ cấp Tập đoàn đến các công ty trực thuộc, trung tâm kỹ thuật khu vực, chi nhánh và quận/huyện trên cả nước. Định kỳ hàng năm, Ban chỉ huy bao gồm lãnh đạo, chỉ huy các cấp được kiện toàn nhằm đảm bảo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ mới. 
Dưới sự điều hành của Ban chỉ huy, hàng năm, các đơn vị của Viettel đều tăng cường đào tạo, huấn luyện và diễn tập các tình huống ứng cứu thông tin, tập trung tổ chức tại các tỉnh ven biển hay bị bão lụt, các tỉnh dễ xảy ra lũ quét, sạt lở. Nội dung diễn tập bao gồm các tình huống về phòng chống cháy nổ, mất điện, đứt cáp, nước ngập, gió bão làm đổ cột ăng ten, sử dụng xuồng máy,…
Ngay sau khi nhận được chỉ thị, công điện khẩn của Ban chỉ huy về thiên tai, các cấp đơn vị tổ chức họp, xây dựng sơ đồ tổ chức điều hành bão, phương án ứng cứu thông tin, lịch trực,… Kết hợp với mô hình tổ chức của quân sự, Viettel thành lập các tiểu đội ứng cứu thông tin cố định, cơ động tại tỉnh có khả năng bị ảnh hưởng và các tiểu đội cơ động hỗ trợ tại các tỉnh không bị ảnh hưởng. 
Căn cứ vào tình hình cụ thể trong thiên tai, Viettel sẽ lập tức điều động các đội ứng cứu, phương tiện phòng chống bão đến từ nhiều địa phương khác nhau hoặc các tỉnh lân cận tham gia xử lý. Với mỗi đội, Viettel lựa chọn các B trưởng, B phó quản lý trực tiếp tại các quận/huyện trong thiên tai. 
Đây là đội ngũ có kinh nghiệm về vận hành khai thác, hạ tầng mạng lưới, đã tham gia ứng cứu thông tin trong các mùa mưa bão trước, có kỹ năng điều hành, quản lý để nâng cao công tác tổ chức, giảm thời gian khắc phục hậu quả của thiên tai.
Bên cạnh đó, khi có thiên tai, Viettel thực hiện "binh pháp" “Bốn tại chỗ” đã được đúc rút qua nhiều năm ứng phó với thiên tai. Ðó là: Chỉ huy tại chỗ; Lực lượng tại chỗ; Phương tiện tại chỗ; và Hậu cần tại chỗ. Với bài học kinh nghiệm sau nhiều năm, Viettel đã xây dựng được cẩm nang hướng dẫn nghiệp vụ trong công tác phòng chống thiên tai. 
Đây được coi là “kim chỉ nam” giúp toàn bộ lực lượng kỹ thuật Viettel thống nhất trong cách nghĩ, cách hành động và làm tốt mọi công tác trước, trong và sau thiên tai ở tất cả các cấp. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu tập trung về hệ thống hạ tầng mạng lưới, công cụ phần mềm hiện đại giúp Viettel có thể nhìn toàn diện và điều hành xuyên suốt từ mức Tập đoàn đến quận/huyện.
Hiện nay, tại tất cả các tỉnh thành, Viettel đều có đội ngũ cán bộ kỹ thuật được đào tạo và có chứng chỉ lái xuồng sẵn sàng làm nhiệm vụ trong mưa lũ. Tất cả phương tiện giao thông trong mùa mưa lũ như ca nô, xuống máy được hạ thủy và chạy kiểm tra hàng tháng để đảm bảo sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ ứng cứu thông tin, tìm kiếm cứu nạn trong hoàn cảnh địa hình bị chia cắt do ngập lụt. 
Các đội kỹ thuật đều được trang bị nhu yếu phẩm, công cụ dụng cụ đầy đủ như máy hàn, áo phao, đèn pin, mũ, áo mưa, ủng, dép rọ, lương thực,… vừa đảm bảo hoạt động trong thời gian mưa bão vừa kịp thời hỗ trợ người dân tại các địa phương bị cô lập bởi lũ lụt. Khi có tình huống xảy ra, Viettel cũng tiến hành gửi tin nhắn cho các thuê bao tại các tỉnh chịu ảnh hưởng của thiên tai để cảnh báo về cường độ và đường đi của các cơn bão, giúp người dân kịp thời phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Năm nay, công tác chuẩn bị, phòng chống bão lũ đã được Viettel hoàn thiện từ tháng 5/2015. Các chi nhánh Viettel thuộc tỉnh/TP thường xuyên có tâm bão đi qua như Bắc Giang, Quảng Ninh, Quảng Bình, Đà Nẵng,… đã tổ chức rà soát, kiểm tra tất cả các trạm BTS, xiết chặt bu-lông, ốc vít, dây co, phát quang cây cỏ quanh nhà trạm. Gần 35.000 lượt nhà trạm đã được củng cố và bảo dưỡng. 
Viettel cũng đã xây dựng gần 800 nhà vượt lũ cao cách mặt đất từ 1,5 - 4,5m tùy theo đỉnh lũ lịch sử tại địa phương, 12.200 nhà máy nổ, lắp đặt gần 300 bình biến áp cho trạm phát sóng tại các địa phương thường xảy ra lũ lụt, đảm bảo an toàn cho thiết bị, thông tin không bị gián đoạn khi mưa bão hoặc mất điện diện rộng. 
Trong những năm gần đây, song song với việc mở rộng vùng phủ, Viettel luôn chủ động kết hợp triển khai kiên cố, bền vững hóa hạ tầng mạng lưới. 11.000 km cáp quang thuộc các tuyến đường trục và tuyến trọng yếu đã được Viettel ngầm hóa, trong đó có 3.000 km thuộc 20 tỉnh ven biển dọc từ Quảng Ninh đến Vũng Tàu. Chương trình ngầm hóa tuyến cáp không chỉ giúp mạng lưới Viettel ổn định, vững chắc hơn mà góp phần xây dựng cảnh quan môi trường  sạch, đẹp hơn.
Trong quá trình triển khai các tuyến truyền dẫn liên tỉnh, đặc biệt là đường trục cáp quang Bắc – Nam, Viettel cũng tăng cường đưa vào sử dụng loại cáp OPGW, một loại cáp quang có khả năng chống sét do được bao bọc bởi các dây hợp kim bện lại, có độ bền cơ khí rất cao, lõi có sợi quang để đảm bảo an toàn. 
Đối với một số tuyến truyền dẫn ở khu vực đặc thù như biển đảo, sông nước, Viettel sử dụng loại cáp thả biển có độ tin cậy cao, ổn định, có khả năng chống lại áp suất của nước ở độ sâu tối đa là 8.000m và có thể duy trì trong thời gian khoảng 25 năm.
Ông Phạm Đình Trường, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Mạng lưới Viettel khẳng định: “Việc đảm bảo chất lượng dịch vụ, duy trì thông tin liên lạc thông suốt trong thiên tai và tìm kiếm cứu nạn không chỉ là ý thức, trách nhiệm của Viettel đối với khách hàng mà còn với xã hội và người dân. 
Với tính kỷ luật quân đội và kinh nghiệm đối phó với thiên tai trong nhiều năm, trong các năm gần đây, Viettel luôn làm tốt công tác chuẩn bị, chuyển hướng mạnh mẽ từ chủ động đối phó sang chủ động phòng ngừa nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại và đảm bảo an toàn thông tin trong thiên tai”.
- Hạ tầng mạng lưới đảm bảo thông tin liên lạc trong siêu bão trên cấp 16
- Điều hành theo binh pháp quân đội, khắc phục sự cố trong 24h sau thiên tai
- Ngầm hóa 11.000km cáp quang, sử dụng các loại cáp đặc biệt để bền vững mạng lưới

Đọc thêm