Vinacomin “giải trình” về việc dừng xây dựng cảng Kê Gà

Theo Vinacomin, dự án xây dựng cảng Kê Gà được lập trong bối cảnh không có cảng nào phục vụ cho việc xuất nhập hàng hóa tại khu vực Bình Thuận. Đến thời điểm hiện nay, Bình Thuận có cảng Vĩnh Tân và đang chuẩn bị lập dự án xây dựng cảng trung chuyển than cho khu vực phía Nam thì “việc dừng xây dựng cảng Kê Gà là hợp lý” và phù hợp với quy hoạch của Chính phủ.

Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) hôm qua chính thức có thông cáo về  việc dừng xây dựng dự án cảng Kê Gà (tỉnh Bình Thuận).

Địa điểm Vinacomin dự kiến xây dựng cảng Kê Gà. Ảnh: Báo Năng lượng Việt Nam.

Theo Vinacomin, dự án xây dựng cảng Kê Gà được lập trong bối cảnh không có cảng nào phục vụ cho việc xuất nhập hàng hóa tại khu vực Bình Thuận. Đến thời điểm hiện nay, Bình Thuận có cảng Vĩnh Tân và đang chuẩn bị lập dự án xây dựng cảng trung chuyển than cho khu vực phía Nam thì “việc dừng xây dựng cảng Kê Gà là hợp lý” và phù hợp với quy hoạch của Chính phủ.

Bên cạnh đó, trên thực tế, đến năm 2020 lượng hàng hóa thông qua cảng Kê Gà chỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm, thấp hơn rất nhiều so với lượng hàng hóa theo dự án cảng đã được phê duyệt. Với lượng hàng hạn chế như vậy, việc sử dụng các cảng hiện có hiệu quả hơn so với đầu tư xây dựng cảng mới. Đây là nguyên nhân dẫn đến đề xuất tạm dừng đầu tư xây dựng cảng Kê Gà của Vinacomin.

Vinacomin cho rằng, việc dừng đầu tư dự án cảng Kê Gà “hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến 2 dự án bauxit - alumin đã và đang đầu tư” vì trong giai đoạn đầu, khối lượng sản phẩm cần thông qua cảng của 2 dự án này còn thấp nên Vinacomin thực hiện phương án thuê cảng tại khu vực Thị Vải - Cái Mép (cảng Gò Dầu, cảng Phú Mỹ…).

Liên quan đến thiệt hại của các dự án du lịch đã đầu tư nhưng khi triển khai thực hiện cảng Kê Gà thì phải dừng lại, Vinacomin khẳng định “việc dừng xây dựng cảng Kê Gà sẽ có tác động tích cực hơn cho doanh nghiệp du lịch và người dân vùng dự án”.

Theo tập đoàn này, các doanh nghiệp du lịch sẽ lại tiếp tục được thực hiện dự án du lịch của mình. Giai đoạn 1 của dự án có liên quan tới 4 doanh nghiệp du lịch, giai đoạn 2 liên  quan đến 43 hộ dân và 8 doanh nghiệp du lịch. Hiện nay, dự án đang trong giai đoạn 1, Vinacomin đã đã chuyển 4 tỷ/4,63 tỷ đồng giá trị đền bù GPMB cho địa phương, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay mới chỉ có 1 doanh nghiệp du lịch  nhận tiền và bàn giao đất.

Về một số ý kiến phản biện lập luận rằng dự án Tân Rai- Lâm Đồng đi vào vận hành thì không có hiệu quả kinh tế, Vinacomin giải thích rằng, khi lập dự án thử nghiệm bauxit Tân Rai- Lâm Đồng là có hiệu quả kinh tế. Song một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiệu quả kinh tế của dự án chưa đạt theo mục tiêu là vốn đầu tư tăng, trượt giá, chi phí nguyên nhiên vật liệu tăng và đặc biệt giá alumin tại thời điểm hiện nay trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế lại giảm xuống mức dưới 340 USD/tấn.

Tuy nhiên, với xu thế nền kinh tế thế giới đang phục hồi, Vinacomin cho biết tập đoàn này “tin chắc rằng ngành công nghiệp sản xuất nhôm sẽ tăng trở lại và việc giá alumin sẽ gia tăng là hiện thực (có thời điểm năm 2008 giá alumin đã đạt mức 500 USD/tấn)”.

Về một số ý kiến cho rằng với rủi ro lớn về hiệu quả kinh tế thì nên xem xét dừng dự án Nhân Cơ, tập đoàn này khẳng định hiện nay đã triển khai thực hiện 72/73 hạng mục, toàn bộ thiết bị chủ yếu đã tập kết đến chân công trình, nhà thầu đang tiến hành lắp đặt thiết bị, khối lượng hoàn thành đạt khoảng 51%. Dự kiến hoàn thành đầu tư Nhà máy và có sản phẩm vào giữa năm 2014, “vì vậy, việc dừng dự án Nhân Cơ trong bối cảnh hiện nay là không thực tế”.

Như Trang

Đọc thêm