TS.Nguyễn Tiến Chỉnh – Trưởng ban Khoa học công nghệ, Chiến lược và Phát triển của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) hôm qua khẳng định trước báo giới, thời gian hoàn vốn của Dự án bauxite-nhôm Lâm Đồng là 12 năm, còn Dự án Alumin Nhân Cơ-ĐăkNông là 13 năm.
Công trường nhà máy sản xuất Alumina Nhân Cơ. |
Trước một số thông tin trái chiều về hiệu quả của hai dự án bauxite tại Tây Nguyên, Vinacomin đã thuê tư vấn tính toán và thẩm tra lại tổng mức đầu tư và hiệu quả kinh tế của 2 dự án.
Theo ông Chỉnh, kết quả cho thấy dự án đều có hiệu quả kinh tế trên 3 thông số về tác động kinh tế - xã hội, nộp ngân sách Nhà nước, tài chính doanh nghiệp cũng như thời gian hoàn vốn giản đơn. Theo tính toán, 2 dự án nộp ngân sách bình quân khoảng 858 tỷ đồng/năm. Về đóng góp xã hội, phát triển kinh tế Tây Nguyên, hai dự án này được cho sẽ kích thích ngành công nghiệp phụ trợ và ngành kinh tế khác…
Về ý kiến cho rằng, giá thành sản phẩm alumina sản xuất ra khó cạnh tranh được với các nước nên đề xuất dừng Dự án Nhân Cơ, theo ông Chỉnh, Vinacomin đã tính toán và cân nhắc.
“Sau khi tính toán, cân nhắc các thành tố về kinh tế, xã hội và thị trường trong nước cũng như toàn cầu, thuê tư vấn tính toán lại hiệu quả của dự án, tập đoàn nhận thấy có đầy đủ lý do để tiếp tục thực hiện dự án. Tuy nhiên, thời gian để thu hồi vốn có thể kéo dài hơn trước đây (thời gian thu hồi vốn sẽ là 13 năm trong phương án tính toán trọn đời dự án là 30 năm, trong khi dự án có thể kéo dài đến 50 năm). Vì thế, dự án vẫn sẽ đạt được hiệu quả kinh tế”, vị trưởng ban cho biết.
Về vấn đề bảo đảm an toàn môi trường, theo Vinacomin, khai thác bauxite và alumin “chỉ có lợi cho môi trường chứ không gây hại”. Đại diện tập đoàn này nói rằng, công nghệ ở đây rất đơn giản, bóc phần đất bề mặt, lấy quặng bauxite, sau đó phục hồi lại, trồng cây sẽ tốt hơn.
Đối với nhà máy tuyển quặng bauxite cũng không gây ảnh hưởng tới môi trường. Bởi các nhà máy này đều có hệ thống xử lý nước trong. Tại các hồ bùn đỏ, được sử dụng công nghệ làm bùn “khô tự nhiên”, độ PH thải ra môi trường trong giới hạn cho phép
Dự án Tổ hợp bauxite – nhôm Lâm Đồng có công suất thiết kế giai đoạn 1 là 650.000 tấn alumin/năm. Tính đến tháng 4/2013, đã khai thác được trên 1,6 triệu tấn quặng bauxite và sản xuất được trên 265.000 tấn quặng tinh bauxite. Tổng giá trị đầu tư đã thực hiện của toàn bộ dự án này khoảng 11.612 tỷ đồng, tổng giá trị đã giải ngân khoảng 11.125 tỷ đồng. Dự kiến trong tháng 5/2013 sẽ tiến hành chạy đồng bộ các chỉ tiêu để đưa Nhà máy Alumina vào sản xuất sản phẩm thương mại đầu tiên.
Đối với Dự án Alumin Nhân Cơ – Đăk Nông, tính đến tháng 4, tổng giá trị đã thực hiện của toàn bộ dự án và một số dự án khác liên quan là khoảng 6.836 tỷ đồng, trong đó, đã giải ngân gói thầu EPC đạt khoảng 4.606 tỷ đồng. Dự án này bao gồm phần khai thác mỏ bauxite, Nhà máy tuyển quặng bauxite và Nhà máy Alumin Nhân Cơ.
Cụ thể, phần khai thác mỏ bauxite đã tận thu được khối lượng trên 1,5 triệu tấn quặng bauxite nguyên khai, đủ để phục vụ công tác chạy thử của Nhà máy tuyển quặng và nhà máy Alumin. Vinacomin đã báo cáo Thủ tướng điều chỉnh một số nội dung của gói thầu EPC (bổ sung phạm vi cung cấp, thời gian thực hiện, giá gói thầu) để triển khai thực hiện đối với Nhà máy tuyển quặng bauxite.
Còn gói thầu EPC Nhà máy alumina Nhân Cơ đã triển khai thực hiện 72/73 hạng mục (còn hạng mục trồng cây xanh chưa thực hiện). Dự kiến nhà máy có sản phẩm vào giữa năm 2014.
Công nghệ của hai nhà máy được khẳng định là tiên tiến và phổ biến trên thế giới đang áp dụng. Theo thông tin có 26/27 nhà máy kể cả ở những nơi như Úc đang sử dụng phương pháp khai thác, sản xuất này.
Vinacomin đã ký hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ sản phẩm alumina với Công ty Marubenin (Nhật Bản) và Công ty Nhôm Vân Nam (Trung Quốc). Ngoài ra, các công ty của Thụy Sỹ, Hàn Quốc, Anh, Malaysia…, cũng đang tìm hiểu thị trường, xem xét việc mua alumina của Việt Nam.
Bô xít hay bauxite là một loại quặng nhôm trầm tích có màu hồng, nâu được hình thành từ quá trình phong hóa các đá giàu nhôm hoặc tích tụ từ các quặng có trước bởi quá trình xói mòn. Quặng bô xít phân bố chủ yếu trong vành đai xung quanh xích đạo đặc biệt trong môi trường nhiệt đới. Từ bôxit có thể tách ra alumina (Al203), nguyên liệu chính để luyện nhôm trong các lò điện phân, chiếm 95% lượng bôxít được khai thác trên thế giới. Nguồn wikipedia.org |
Mai Hoa