Vincom Retail phản bác thông tin của MVP về cụm rạp Platinum

(PLO) - Ngày 08/03/2017, Tập đoàn giải trí đa quốc gia MVP (Indonesia) – chủ sở hữu cổ phần của hệ thống rạp chiếu phim Platinum thuộc công ty TNHH truyền thông Bạch Kim MVP (MVP) có Thông cáo báo chí liên quan đến việc đóng cửa rạp chiếu phim của Platinum tại ba Trung Tâm Thương Mại Vincom. Tuy nhiên, ngay lập tức Vincom Retail đã phản bác các thông tin này từ phía MVP.
Vincom Retail phản bác thông tin của MVP về cụm rạp Platinum

VCR thực hiện đúng quy định pháp luật và thỏa thuận

Phía MVP cho rằng ngày 02/03/2017 Vincom Retail đã buộc phải đóng cửa toàn bộ các rạp chiếu phim tại Trung tâm thương mại Vincom Long Biên, Royal city, Times city. Lực lượng bảo vệ của Vincom đã tiến hành niêm phong khu vực thuê và tài sản của MVP ngay trong đêm ngày 01/03/2017. Vincom không chỉ tiến hành việc niêm phong ngoài thời gian làm việc mà còn không hề có sự chứng kiến của bất kỳ đại diện có được ủy quyền của MVP hay bất cứ đại diện của cơ quan công quyền. 

Về nội dung này, Vincom Retail (VCR) cho biết đã rất nhiều lần gửi công văn yêu cầu MVP chủ động di dời toàn bộ tài sản và hoàn trả nguyên trạng mặt bằng theo đúng quy định của Hợp đồng đã ký giữa các bên khi chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, MVP cố tình trì hoãn. Cụ thế, ngày 15/10/2016 MVP đã đồng ý di dời nhưng xin gia hạn thời gian di dời đến ngày 4/2/2017 cho cả ba mặt bằng đang thuê tại hệ thống VCR. Ngày 19/12/2016, MVP lại xin gia hạn thêm 10-12 tháng. Ngày 20/12/2016 MVP tiếp tục đề nghị được gia hạn và hoạt động qua dịp Tết.

Về phía VCR, với tinh thần thiện chí và hỗ trợ đối tác, đã liên tục lùi thời hạn thu hồi mặt bằng, lần lượt là 20/2/2017, rồi 24/2/2017. Dù đã tạo điều kiện thuận lợi cho MVP chủ động di dời tài sản nhiều lần nhưng do MVP không thực hiện nên ngày 1/3/2017 - VCR buộc phải tiến hành niêm phong để thu hồi mặt bằng theo đúng quy định của hợp đồng. Việc này đã được thông báo trước cho MVP nên chắc chắn không phải là đột xuất hay bất ngờ.

Về việc niêm phong – đây là hành động hợp pháp là nhằm thu hồi lại mặt bằng thuộc quyền sở hữu của VCR đang bị MVP chiếm dụng khi Hợp đồng cho thuê đã chấm dứt. Quá trình niêm phong thu hồi mặt bằng có sự tham gia của các cán bộ quản lý của MVP tại từng địa điểm và sự chứng kiến của Thừa phát lại. VCR có đầy đủ vi bằng kèm hình ảnh do Thừa phát lại lập.

Về nội dung MVP cho rằng sau khi niêm phong, lực lượng bảo vệ và quản lý trung tâm thương mại của Vincom đã cương quyết ngăn cản MVP tiếp cận các tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình. VCR cho biết, ngày 2/3/2016 MVP đã có công văn yêu cầu cho vào mặt bằng đã niêm phong để kiểm kê tài sản. VCR đã đồng ý, chỉ yêu cầu MVP gửi kế hoạch cụ thể và ủy quyền hợp lệ cho nhân sự được cử đến làm việc. Biện pháp này nhằm bảo vệ tài sản của MVP, đồng thời để VCR có kế hoạch hỗ trợ phù hợp. Tuy nhiên, MVP đã không gửi các ủy quyền hợp lệ cho người thực hiện và bản kế hoạch công việc rõ ràng.

VCR cũng phản đối việc MVP quy chụp cho VCR coi thường pháp luật, VCR khẳng định luôn tuân thủ đúng mọi quy định của pháp luật và thỏa thuận của hai bên. 

Cũng tại TCBC của MVP, đơn vị này cho rằng hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng của Vincom là trái pháp luật khi MVP không có bất kỳ hành vi vi phạm hợp đồng nào. MVP quyết liệt phản đối hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam của Vincom. Tuy nhiên, phía VCR cho biết, trong các Hợp đồng đã ký kết quy định quyền của mỗi bên được yêu cầu chấm dứt hợp đồng trước hạn, cụ thể như sau.

- Đối với HĐ thuê mặt bằng tại TTTM Times City và Royal City, điều 15.2.f quy định “Một trong Các Bên đơn phương chấm dứt Hợp Đồng Thuê này trước Thời Hạn, bởi các lý do ngoài các điều khoản của Hợp Đồng Thuê, bằng cách gửi thông báo bằng văn bản trước ít nhất ba (3) tháng cho Bên kia và trả cho Bên kia một khoản bồi thường tương đương ba (3) tháng Tiền Thuê và Phí Dịch Vụ (tính theo Tiền Thuê và Phí Dịch Vụ trung bình trong suốt Thời Hạn của Hợp Đồng Thuê hoặc Tiền Thuê và Phí Dịch Vụ tại thời điểm thanh lý Hợp Đồng Thuê, tùy giá trị nào cao hơn)”

- Điều 15.1.f của Hợp Đồng Thuê mặt bằng tại TTTM Long Biên quy định: “Một trong Các Bên có thể chấm dứt Hợp Đồng Thuê này trước Thời Hạn, bởi các lý do ngoài các điều khoản của Hợp Đồng Thuê, bằng cách ra một thông báo bằng văn bản trước ít nhất sáu (6) tháng gửi cho Bên kia và trả cho Bên kia một khoản bồi thường tương đương  (6) tháng Tiền Thuê và Phí Dịch Vụ của tháng liền trước tháng ra thông báo chấm dứt Hợp Đồng Thuê”

Trong TCBC của mình, MVP cho biết đơn vị này không có bất kỳ một khoản nợ đọng tiền thuê nào đối với Vincom như đại diện của Vincom đã báo buộc trên các phương tiện truyền thông. Những thông tin sai sự thật mà Vincom cố tình cung cấp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của MVP. Ngược lại, phía VCR lại khẳng định MVP và VCR đã có một số buổi làm việc để tính toán xác nhận công nợ này và ngày 14/10/2016 đích thân trưởng phòng tài chính của MVP đã xác nhận số công nợ tồn đọng.

Có thể phải giải quyết tranh chấp tại tòa

Theo VCR, trong suốt quá trình hợp tác, MVP đã nhiều lần vi phạm nghiêm trọng hợp đồng như không thanh toán tiền thuê, khi VCR liên tục gửi yêu cầu mới thanh toán và vẫn chưa thanh toán đủ. Với việc vi phạm điều khoản thanh toán đã đủ cơ sở chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, trên tinh thần thiện chí, VCR chỉ yêu cầu chấm dứt hợp đồng trên cơ sở quyền của các bên đã được thỏa thuận và quy định rõ trong Hợp đồng.

Về ý kiến, MVP cho rằng đã báo cáo những hành vi tới Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và hi vọng sẽ nhận được sự can thiệp kịp thời. VCR cho biết đây là quyền của MVP. Tuy nhiên, VCR khẳng định vụ việc là vấn đề bất đồng giữa hai đối tác kinh doanh nên cần được giải quyết trên cơ sở pháp luật và thỏa thuận dân sự và thương mại giữa các bên. Việc MVP yêu cầu cơ quan chính phủ Việt Nam can thiệp phải chăng là MVP cho rằng họ phải được “quyền ưu tiên” và dùng “quyền ưu tiên” đó để gây sức ép với VCR

Tại TCBC phát ra mới đây, MVP cho biết, trong trường hợp Vincom không chấm dứt ngay hành vi trái pháp luật và nỗ lực khắc phục sai sót bằng việc hủy niêm phong, hoàn trả tài sản, bồi thường thiệt hai, MVP sẽ tiến hành mọi biện pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình bao gồm cả việc khởi kiện Vincom tại cơ quan tài phán có thẩm quyền.

Phản hồi về nội dung này, VCR cho biết đơn vị này phản đối việc Platinum vu khống VCR hành động trái pháp luật. Cơ chế xử lý tài sản của MVP khi hợp đồng chấm dứt đã được quy định rõ trong hợp đồng trên cơ sở thỏa thuận thống nhất giữa các bên. VCR đã, đang và sẽ thực hiện theo đúng các thỏa thuận này. 

Hợp đồng quy định về nội dung này như sau: nếu sau khi chấm dứt Hợp Đồng Thuê và rời khỏi mặt bằng thuê mà Bên Thuê để lại bất cứ tài sản nào và không di dời các tài sản đó khi quá thời hạn trong văn bản yêu cầu của Bên Cho Thuê thì những tài sản bỏ lại này được coi là Bên Thuê vứt bỏ lại. Bên Cho Thuê có quyền bán hoặc thanh lý các tài sản này và sử dụng số tiền thu được sau đi khấu trừ chi phí di dời, lưu kho và chi phi phát sinh hợp lý để thanh toán các khoản nợ của Bên Thuê (nếu có). Bên Cho Thuê được quyền đòi Bên Thuê trả phí di dời và dỡ bỏ trong trường hợp việc thanh lý tài sản của Bên Thuê vẫn ko đủ bù đắp các chi phí liên quan của Bên Cho Thuê. Bên Thuê sẽ bồi hoàn cho Bên Cho Thuê mọi trách nhiệm đối với tài sản của bên thứ ba bị Bên Cho Thuê thanh lý với sự tin tưởng ngay tình rằng tài sản đó thuộc về Bên Thuê.

Đọc thêm