Thực hiện Nghị định Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn và các văn bản hướng dẫn của Bộ Công Thương, sở Công Thương Vĩnh Phúc đã xây dựng các chương trình, kế hoạch khuyến công và đã được UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm về công tác khuyến công.
Sở Công Thương Vĩnh Phúc đã tích cực chỉ đạo Trung tâm Phát triển Công thương phối hợp với các địa phương và các đơn vị thụ hưởng triển khai thực hiện nhiều đề án khuyến công quốc gia, địa phương theo đúng kế hoạch, đảm bảo đúng đối tượng, nội dung hỗ trợ theo quy định. Tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP 21 của Chính phủ về Khuyến công, Chương trình khuyến công Vĩnh Phúc đạt được những kết quả tốt.
Về hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề: Tổng kinh phí hỗ trợ là 3,37 tỷ đồng từ nguồn khuyến công địa phương. Qua đó tổ chức được 82 lớp đào tạo nghề và 2.760 học viên tham gia các lớp truyền nghề như: May công nghiệp; thêu ren đính cườm xuất khẩu; nghề đan lát; nghề mộc...
Về hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT): Tổ chức hỗ trợ đào tạo quản trị kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp qua các năm cho 799 học viên là lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc với kinh phí 525 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Trung tâm Phát triển Công thương cũng tích cực cung cấp một số văn bản pháp luật liên quan đến sản xuất sạch hơn, những chính sách ưu tiên áp dụng sản xuất sạch hơn trong Công nghiệp và TTCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Tạo điều kiện cho học viên đi tham quan học tập kinh nghiệm tìm hiểu thực tế hoạt động sản xuất sạch hơn tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Công ty TNHH Công nghệ Cosmos, Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam 1, Công ty Cổ phần Sản xuất dịch vụ Thương mại Phúc Yên…Tổ chức đoàn thăm quan khảo sát trong nước cho 06 đoàn với 72 người từ các cơ sở công nghiệp nông thôn đi tham quan khảo sát trong nước, với kinh phí 600 triệu đồng.
Thời gian qua, Trung tâm Phát triển Công thương tỉnh Vĩnh Phúc cũng chú trọng việc hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp – TTCN với tổng kinh phí hỗ trợ là 30,74 tỷ đồng, hỗ trợ cho 317 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp. Thu hút được trên 258,38 tỷ đồng vốn đối ứng. Trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ cho 07 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp với tổng kinh phí hỗ trợ 2,25 tỷ đồng. Thu hút được trên 17,28 tỷ đồng vốn đối ứng. Kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ cho 310 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp với tổng kinh phí hỗ trợ 28,49 tỷ đồng. Thu hút trên 241,1 tỷ đồng vốn đối ứng.
Về hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu, kinh phí khuyến công quốc gia: Trung tâm phát triển công thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai Hội chợ Công thương đồng bằng sông Hồng - Vĩnh Phúc 2022, kinh phí thực hiện 1,4 tỷ đồng trong đó Ngân sách 1,120 tỷ đồng, kinh phí đối ứng của đơn vị tham gia là 280 triệu đồng. Với quy mô hơn 200 gian hàng, tổng diện tích hơn 3.000 m2, các đơn vị tham gia hội chợ đã chủ động dàn dựng, bố trí cơ sở vật chất, các mô hình, các hình ảnh, sản phẩm giới thiệu tại Hội chợ.
Trung tâm Phát triển Công thương đã tổ chức 04 lần bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh với 35 sản phẩm được bình chọn với kinh phí là 402 triệu đồng. Qua đó tạo điều kiện hỗ trợ cho 04 Cơ sở được hỗ trợ đầu tư phòng trưng bày sản phẩm với tổng kinh phí hỗ trợ 290 triệu đồng. Hỗ trợ trên 939 triệu đồng cho 52 lượt cơ sở với 119 gian hàng tham gia Hội chợ triển lãm. Hỗ trợ in ấn tờ rơi, tờ gấp, catalog giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn với kinh phí 340 triệu đồng; Hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn xây dựng, đăng ký thương hiệu với kinh phí là 612 triệu đồng.
Về hỗ trợ tư vấn, trợ giúp các cơ sở CNTT, Trung tâm Phát triển Công thương cũng tư vấn lập dự án đầu tư; marketing; quản lý sản xuất - tài chính - kế toán - nhân lực; thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói; tiếp cận các chính sách ưu đãi đầu tư, đã triển khai được 32 cơ sở, kinh phí 960 triệu đồng.
Về hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công: Công tác kiểm tra, giám sát, tổng kết chương trình khuyến công giai đoạn, hội nghị tập huấn bồi dưỡng cán bộ khuyến công với tổng kinh phí 2,54 tỷ đồng. Trong đó tổ chức 10 hội nghị tập huấn khuyến công hàng năm (với trên 1000 lượt học viên tham dự), kinh phí thực hiện 834 triệu đồng.
Trung tâm Phát triển Công thương nắm bắt kịp thời các đơn vị có nhu cầu xin kinh phí hỗ trợ; phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát, nghiệm thu các đề án khuyến công; thực hiện chế độ báo cáo tháng, quý, năm theo đúng quy định.
Về hỗ trợ sửa chữa nâng cấp xử lý ô nhiễm môi trường tại cơ sở CNTT: Trong giai đoạn thực hiện sửa chữa hệ thống, xử lý ô nhiễm môi trường cho 01 đơn vị, kinh phí hỗ trợ là 270 triệu đồng.
Các chương trình do Trung tâm Phát triển Công thương thực hiện và phối hợp đã đem lại hiệu quả cả về vật chất và tinh thần, là người bạn đồng hành với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để nâng cao sản lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm.
Thời gian tới, Trung tâm Phát triển Công thương sẽ đẩy mạnh khâu kiểm tra giám sát, đảm bảo hoàn thành đề án đúng tiến độ, sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, chế độ chính sách pháp luật cũng như các quy định khác về quản lý hoạt động khuyến công. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách khuyến công trên các phương tiện thông tin đại chúng với các phương thức phong phú, đa dạng, thu hút sự chú ý, làm cho các cấp, các ngành và mọi người nắm được các chính sách của Nhà nước về công tác khuyến công để tích cực tham gia có hiệu quả.