Vĩnh Phúc: Đẩy mạnh truyền thông về trợ giúp pháp lý góp phần xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu

(PLVN) - Trong thời gian qua, Sở Tư pháp Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030.
Một buổi truyền thông về trợ giúp pháp lý, phổ biến pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Một buổi truyền thông về trợ giúp pháp lý, phổ biến pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Giám đốc Sở Tư pháp đã quán triệt, triển khai đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức về mục đích, ý nghĩa cũng như tầm quan trọng trong việc thực hiện các chủ trương, định hướng về phát triển kinh tế phát triển văn hóa, con người Vĩnh phúc, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc. Nhiều mô hình phát huy hiệu quả trong thực tế như: Hình thành các thiết chế văn hóa - thể thao, sinh hoạt cộng đồng của làng nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần; thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp qua đó cải thiện thu nhập của người dân; bảo tồn, phát huy, làm sống dậy các giá trị văn hóa tốt đẹp, nhất là truyền thống giữ làng, giữ nước; nâng cao năng lực của bộ máy hệ thống chính trị ở cơ sở trong tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chấp hành pháp luật, quy ước, hương ước ở cơ sở…..

Trên cơ sở chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban giám đốc Sở Tư pháp công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý (TGPL) và phổ biến pháp luật góp phần xây “Làng văn hóa kiểu mẫu” được trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc triển khai có hiệu quả. Trong năm 2023, Trung tâm đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức thực hiện thành công nhiều cuộc truyền thông, trong đó nội dung là phổ biến Nghị quyết số 19-NQ/TU, Hướng dẫn số 05-HD/TU ngày 05/5/2023 về hoạt động của cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức hội tại các nơi thực hiện xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”; Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 05/5/2023 của Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua đề án xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023-2030...

Để nhiều người dân biết đến Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 16/3/2023 của Tỉnh ủy về Xây dựng Làng Văn hóa kiểu mẫu, Trung tâm TGPL đã tập trung phổ biến những nội dung cơ bản của Nghị quyết một cách ngắn gọn, dễ hiểu nhất như: Về quan điểm, Vĩnh Phúc coi xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Do đó chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt với quyết tâm chính trị cao; tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm thực chất, hiệu quả.

Quá trình thực hiện luôn nhất quán việc lấy lợi ích của người dân làm mục tiêu, động lực trong xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”. Lấy người dân là chủ thể, là trung tâm và đối tượng được hưởng lợi chính từ thành quả xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”.

Về mục tiêu, tỉnh chủ trương xây dựng các “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh trở thành nơi đáng sống, phát triển đồng bộ, toàn diện, bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng an ninh; giữ được sự cân bằng sinh thái, hài hòa với thiên nhiên, bản sắc văn hoá dân tộc; người dân có cuộc sống ổn định, ấm no và hạnh phúc. Đến hết năm 2030 có tối thiểu 60 làng được xây dựng đạt các tiêu chí của “Làng văn hóa kiểu mẫu” do cấp có thẩm quyền ban hành với các đặc trưng cơ bản: Cấu trúc không gian, kiến trúc cảnh quan được bảo tồn và chỉnh trang kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; môi trường cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh, giàu bản sắc văn hoá truyền thống; đời sống văn hoá, tinh thần của người dân lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tự quản.

Về đối tượng áp dụng: là các làng, thôn, bản, tổ dân phố, khu phố, khối phố, tiểu khu (được gọi chung là “làng”) được lựa chọn thực hiện xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh; các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, đơn vị có liên quan đến tổ chức triển khai, thực hiện chính sách quy định tại Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND ngày 5/5/2023 của HĐND tỉnh. Việc thực hiện chính sách được đảm bảo tính công khai, dân chủ, khách quan, minh bạch, công bằng, đúng mục đích, đảm bảo hiệu quả và tuân thủ quy định của pháp luật. Trong cùng một thời điểm, nếu nội dung hỗ trợ có nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau thì đối tượng hỗ trợ chỉ được lựa chọn áp dụng một chính sách; nếu đối tượng hỗ trợ đáp ứng nhiều nội dung hỗ trợ theo quy định của Nghị quyết này thì được lựa chọn áp dụng nội dung hỗ trợ có mức hỗ trợ có lợi nhất. Đối tượng hỗ trợ phải thực hiện đầy đủ các cam kết thuộc điều kiện hỗ trợ (nếu chính sách hỗ trợ có quy định). Trường hợp không thực hiện đúng cam kết, đối tượng hỗ trợ phải hoàn trả số kinh phí được hỗ trợ, nếu không hoàn trả sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Nghị quyết này gồm 16 chính sách đặc thù hỗ trợ (Có hướng dẫn thực hiện chi tiết), trong đó có 1 chính sách hỗ trợ thông qua hình thức cho vay vốn được ủy thác qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội, 2 chính sách hỗ trợ để thực hiện các dự án đầu tư công. Các chính sách còn lại chủ yếu thực hiện hỗ trợ một lần sau khi đối tượng được hỗ trợ đã hoàn thành mô hình, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận đủ điều kiện…

Thông qua các cuộc truyền thông về TGPL và phổ biến pháp luật, Trung tâm TGPL đã đưa pháp luật về gần hơn với nhân dân ở cơ sở đặc biệt là đưa chủ trương, chính sách mới của tỉnh vào cuộc sống , nhất là các quy định liên quan để xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”, với quan điểm chỉ đạo quyết tâm thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, góp phần mang lại những lợi ích thiết thực nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Đọc thêm