Vĩnh Phúc hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tính đến ngày 1/1/2025, tỉnh Vĩnh Phúc đã hoàn thành việc sắp xếp 28 đơn vị hành chính cấp xã, giai đoạn 2023 – 2025.

Tại huyện Tam Dương, ngày 25/12, huyện Tam Dương tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Đảng bộ xã Hội Thịnh và Quyết định về công tác cán bộ theo Nghị quyết của Ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.

Theo Nghị quyết, xã Hội Thịnh được thành lập dựa trên việc sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên của 2 xã Vân Hội và Hợp Thịnh. Sau khi sắp xếp, xã Hội Thịnh có diện tích tự nhiên 8,4 km2; quy mô dân số 15.480 người.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc Phạm Quang Nguyên trao Nghị quyết của Ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 - 2025 cho xã Hội Thịnh.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc Phạm Quang Nguyên trao Nghị quyết của Ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 - 2025 cho xã Hội Thịnh.

Đảng bộ xã Hội Thịnh có 25 chi bộ gồm 14 chi bộ của Đảng bộ xã Hợp Thịnh và 11 chi bộ thuộc Đảng bộ xã Vân Hội với hơn 590 đảng viên. Trụ sở làm việc của xã Hội Thịnh được đặt tại xã Hợp Thịnh cũ. Bộ máy hành chính xã Hội Thịnh sẽ đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2025.

Sau khi sắp xếp, huyện Tam Dương có 12 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 10 xã và 02 thị trấn.

Tại huyện Yên Lạc, ngày 26/12, huyện Yên Lạc tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập Đảng bộ xã Hồng Châu và Quyết định về công tác cán bộ theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc trao Quyết định thành lập xã Hồng Châu.
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc trao Quyết định thành lập xã Hồng Châu.

Đảng bộ xã Hồng Châu được thành lập trên cơ sở sáp nhập Đảng bộ xã Hồng Phương và Đảng bộ xã Hồng Châu. Sau sáp nhập, Đảng bộ xã Hồng Châu mới có 21 chi bộ, giảm 3 chi bộ so với trước, với 541 đảng viên. Toàn xã có 16 đơn vị hành chính, tổng diện tích trên 8,4km, quy mô dân số trên 13.600 người. Bộ máy hành chính mới sẽ đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2025.

Sau khi sắp xếp, huyện Yên Lạc có 16 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 14 xã và 02 thị trấn.

Tại huyện Lập Thạch, ngày 27/12, huyện Lập Thạch tổ chức tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập Đảng bộ xã Tây Sơn và Quyết định về công tác cán bộ theo Nghị của Ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.

Theo Nghị quyết, Đảng bộ xã Tây Sơn được thành lập trên cơ sở sáp nhập Đảng bộ xã Triệu Đề và Đảng bộ xã Đình Chu. Xã Tây Sơn có 16 đơn vị hành chính, với diện tích tự nhiên 10,11 km2, quy mô dân số 14.757 người. Bộ máy hành chính mới của xã sẽ đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2025.

Sau khi sắp xếp, huyện Lập Thạch có 19 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 17 xã và 02 thị trấn.

Tại thành phố Phúc Yên, ngày 27/12, thành phố Phúc Yên tổ chức Hội nghị công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập phường Hai Bà Trưng và Quyết định thành lập Đảng bộ phường Hai Bà Trưng và các quyết định về công tác cán bộ.

Theo Nghị quyết, thành phố Phúc Yên sẽ sáp nhập 2 phường Trưng Trắc và Trưng Nhị thành phường Hai Bà Trưng. Phường Hai Bà Trưng mới có diện tích tự nhiên 2,7km2 và quy mô dân số 21.156 người, chính thức đi vào hoạt động từ 1/1/2025. Trụ sở phường Hai Bà Trưng mới đặt tại trụ sở phường Trưng Nhị hiện nay. Đảng bộ phường Hai Bà Trưng được thành lập trên cơ sở sáp nhập Đảng bộ phường Trưng Trắc và Đảng bộ phường Trưng Nhị.

Sau khi sắp xếp, Thành phố Phúc Yên có 9 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 7 phường và 2 xã.

Tại huyện Sông Lô, ngày 27/12, huyện Sông Lô tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập thị trấn Tam Sơn, thành lập xã Hải Lựu và Quyết định thành lập Đảng bộ thị trấn Tam Sơn; Quyết định thành lập Đảng bộ xã Hải Lựu theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.

Theo đó, sáp nhập các xã Nhạo Sơn, Như Thụy vào thị trấn Tam Sơn. Sau sáp nhập, thị trấn Tam Sơn mới có diện tích tự nhiên 12,4km2, đạt 88,57% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số 13.613 người, đạt 170,16% so với tiêu chuẩn; Đảng bộ thị trấn Tam Sơn được thành lập trên cơ sở sáp nhập Đảng bộ xã Nhạo Sơn, Như Thụy vào Đảng bộ thị trấn Tam Sơn.

Sáp nhập xã Bạch Lưu vào xã Hải Lựu. xã Hải Lựu mới có diện tích tự nhiệm 16,50km2, đạt 78,57% so với tiêu chuẩn và quy mô dân số 11.303 người, đạt 141% so với tiêu chuẩn; Đảng bộ xã Hải Lựu được thành lập trên cơ sở sáp nhập Đảng bộ xã Bạch Lưu vào Đảng bộ xã Hải Lựu.

Sau sáp nhập, sắp xếp, huyện Sông Lô giảm 3 đơn vị hành chính cấp xã, từ 17 đơn vị xuống còn 14 đơn vị gồm 13 xã và 1 thị trấn.

Tại huyện Vĩnh Tường, ngày 1/1, huyện Vĩnh Tường tổ chức Lễ công bố quyết định về việc thành lập 7 đơn vị hành chính mới được sắp xếp từ 15 đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện, theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông trao Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 - 2025 cho Đảng bộ xã Sao Đại Việt.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông trao Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 - 2025 cho Đảng bộ xã Sao Đại Việt.

Theo đó, sáp nhập xã Tân Tiến vào xã Đại Đồng. Sau khi nhập, xã Đại Đồng có diện tích tự nhiên là 8,20 km2 và quy mô dân số là 19.826 người. Đảng bộ xã Đại Đồng mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập Đảng bộ xã Đại Đồng và Đảng bộ xã Tân Tiến.

Thành lập xã Sao Đại Việt trên cơ sở sáp nhập xã Việt Xuân, xã Bồ Sao và xã Cao Đại. Sau khi thành lập, xã Sao Đại Việt có diện tích tự nhiên là 11,30 km' và quy mô dân số là15.408 người. Đảng bộ xã Sao Đại Việt được thành lập trên cơ sở sáp nhập Đảng bộ xã Bồ Sao, Đảng bộ xã Cao Đại và Đảng bộ xã Việt Xuân.

Thành lập xã An Nhân trên cơ sở sáp nhập xã Lý Nhân và xã An Tường. Sau khi thành lập, xã An Nhân có diện tích tự nhiên là 8,30 km2, quy mô dân số là 17.092 người. Đảng bộ xã An nhân được thành lập trên cơ sở sáp nhập Đảng bộ xã Lý Nhân và Đảng bộ xã An Tường.

Thành lập xã Lương Điền trên cơ sở sáp nhập xã Vân Xuân và xã Bình Dương. Sau khi thành lập, xã Lương Điền có diện tích tự nhiên là 10,90 km2, quy mô dân số là 22.435 người.

Thành lập xã Vĩnh Phú trên cơ sở sáp nhập xã Vĩnh Ninh và xã Phú Đa. Sau khi thành lập, xã Vĩnh Phú có diện tích tự nhiên là 11,10 km2 và quy mô dân số là 11.783 người. Đảng bộ xã Vĩnh Phú được thành lập trên cơ sở sáp nhập Đảng bộ xã Vĩnh Ninh và Đảng bộ xã Phú Đa.

Thành lập thị trấn Thổ Tang trên cơ sở sáp nhập xã Vĩnh Sơn và thị trấn Thổ Tang. Sau khi nhập, thị trấn Thổ Tang có diện tích tự nhiên là 8,60 km2, quy mô dân số là 24.989 người. Đảng bộ thị trấn Thổ Tang được thành lập trên cơ sở sáp nhập Đảng bộ xã Vĩnh Sơn với Đảng bộ thị trấn Thổ Tang.

Thành lập thị trấn Vĩnh Tường dựa trên cơ sở sáp nhập xã Tam Phúc vào thị trấn Vĩnh Tường. Sau khi nhập, thị trần Vĩnh Tường có diện tích tự nhiên là 6,50 km2, quy mô dân số là 12.289 người. Đảng bộ thị trấn Vĩnh Tường được thành lập trên cơ sở sáp nhập Đảng bộ thị trấn Vĩnh Tường và Đảng bộ xã Tam Phúc.

Sau khi sắp xếp, huyện Vĩnh Tường có 20 đơn vị hành chính cấp xã gồm 17 xã và 3 thị trấn.

Như vậy, tính đến 1/1/2025, tỉnh Vĩnh Phúc đã hoàn thành việc sắp xếp 28 đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết của Ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.

Sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Vĩnh Phúc có 09 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 07 huyện và 02 thành phố; 121 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 88 xã, 15 phường và 18 thị trấn.

Đọc thêm