Quy mô nền kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng, quy mô GRDP theo giá hiện hành của tỉnh đạt gần 93,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2 nghìn tỷ đồng so với năm 2017, đưa giá trị GRDP bình quân đầu người đạt 85,62 triệu đồng/người/năm, tăng 6,57 triệu đồng/người/năm so với năm 2017. Năm 2018, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 32,923 nghìn tỷ đồng. Có được kết quả ấy là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, sự lãnh đạo sát sao của Tỉnh ủy, giám sát chặt chẽ của HĐND, sự chỉ đạo kịp thời, chủ động và quyết liệt của UBND tỉnh về tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, trong đó có ngành Tư pháp. Có thể nói công tác tư pháp đã thực sự trở thành một trong những yếu tố quan trọng tham gia trực tiếp vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành có nhiều đột phá quan trọng, sát với thực tiễn, chú trọng hướng công tác tư pháp về cơ sở. Thực hiện tốt chức năng tham mưu giúp Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước đối với lĩnh vực tư pháp trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2018, Sở Tư pháp tiếp tục tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức thực hiện tốt Kết luận số 01-KL/TW ngày 04/4/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 30/5/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác Tư pháp giai đoạn 2016-2021. Tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai công tác và ban hành Chương trình công tác Tư pháp năm 2018 ; ban hành 22 Kế hoạch để triển khai thực hiện các nhiệm vụ ở các lĩnh vực kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; quản lý xử lý vi phạm hành chính; theo dõi thi hành pháp luật; hộ tịch; bồi thường nhà nước…. Ngoài ra, ban hành đầy đủ, kịp thời các kế hoạch theo thẩm quyền để triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể khác của Ngành.
Chất lượng công tác tham gia ý kiến, thẩm định văn bản QPPL ngày càng được nâng cao, đảm bảo kiểm soát được tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của dự thảo văn bản QPPL trước khi trình cơ quan có thẩm quyền ban hành. Trong năm 2018, Sở Tư pháp đã tham gia ý kiến 30 dự thảo văn bản QPPL của Trung ương và 105 dự thảo văn bản QPPL của tỉnh. Thẩm định 57 dự thảo văn bản QPPL của tỉnh, trong đó có 38 dự thảo Quyết định của UBND tỉnh, 19 dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh. Việc tham gia ý kiến, thẩm định văn bản QPPL cơ bản đảm bảo yêu cầu về chất lượng và tiến độ. Phối hợp các cơ quan liên quan tự kiểm tra 27 văn bản QPPL. Qua công tác tự kiểm tra, có 10 văn bản phát hiện có sai sót, đã tham mưu UBND tỉnh chấn chỉnh những sai sót đối với những văn bản này và rút kinh nghiệm không để xảy ra tình trạng tương tự.
Sở Tư pháp đã nhận và kiểm tra 21 quyết định của UBND cấp huyện. Qua kiểm tra có 8 văn bản có sai sót, các văn bản còn lại cơ bản được ban hành đúng thẩm quyền và thể thức kỹ thuật trình bày theo các quy định pháp luật hiện hành. Thực hiện rà soát đối với 31 văn bản QPPL của tỉnh. Qua rà soát, cơ bản các văn bản QPPL này đều cơ bản đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và hệ thống văn bản của tỉnh.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luậtcó nhiều chuyển biến tích cực, hoạt động ngày càng có hiệu quả. Sở Tư pháp đã phối hợp với các ngành, các cấp đã triển khai đồng bộ công tác PBGDPL đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh thông qua các hình thức hiệu quả, thiết thực và phù hợp với tình hình thực tế. Nội dung PBGDPL được lựa chọn, đảm bảo thiết thực, trọng tâm, trọng điểm bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, các vấn đề “nóng” dư luận quan tâm và các chính sách, quy định pháp luật của nhà nước có liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân.
Phối hợp với các Sở, ngành, UBND cấp huyện tổ chức mở 292 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ và nhân dân ở cơ sở, số người tham dự là: 43.810 người. Ngoài ra, Sở Tư pháp phối hợp với Báo Vĩnh Phúc và Tỉnh đoàn thanh niên tổ chức thành công 02 cuộc thi tìm hiểu pháp luật: Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu Bộ luật hình sự năm 2015”, với sự tham gia của 5.380 lượt thi thí sinh tham gia dự thi và cuộc thi sân khấu “Kể chuyện theo án”. Phối hợp với Đài PTTH tỉnh, Báo Vĩnh Phúc xây dựng trên 100 chuyên mục phổ biến, giáo dục pháp luật “giới thiệu văn bản pháp luật”, “hỏi đáp pháp luật” , “pháp luật và đời sống’’, “cửa sổ Tư pháp”phản ánh thực trạng thực hiện pháp luật ở địa phương, giải đáp, giới thiệu văn bản mới của Trung ương, của tỉnh; in và cấp phát 314.200 tài liệu tuyên truyền PBGDPL; giúp UBND tỉnh tổ chức Lễ mít-tinh hưởng ứng Ngày pháp luật năm 2018 và khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm triển khai Ngày Pháp luật.
Đồng chí Vũ Chí Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen của UBND tỉnh tặng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam |
Công tác quản lý xử lý VPHC và theo dõi THPL tiếp tục được quan tâm thực hiện. Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp, văn bản QPPL của cơ quan nhà nước cấp trên và Nghị quyết của HĐND tỉnh; theo dõi tình hình THPL; theo dõi tình hình THPL về xử lý VPHC; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2018. Đồng thời, hướng dẫn, tổ chức thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả và định kỳ tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả thực hiện theo quy định; thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tình hình THPL về xử lý VPHC trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên; tổ chức Hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật về công tác quản lý xử lý VPHC cho gần 250 người; nghiên cứu hồ sơ, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh hướng giải quyết 17 vụ việc phức tạp liên quan đến xử phạt VPHC; tư vấn, tham gia ý kiến 81 vụ việc phức tạp cho các sở, ngành, UBND cấp huyện.
Việc triển khai Chương trình hành động quốc gia về đăng ký, thống kê hộ tịch đạt nhiều kết quả quan trọng. Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh trang bị thống nhất máy tính, máy in cho các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức 05 lớp tập huấn sử dụng hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch cho 146 công chức làm công tác hộ tịch đăng ký, quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Cục Công nghệ thông tin – Bộ Tư pháp chính thức thực hiện Phần mềm hộ tịch dùng chung trên địa bàn tỉnh từ ngày 02/5/2018 (Là tỉnh thứ 27 thực hiện trong cả nước). Phối hợp với Học viện Tư pháp - Bộ Tư pháp mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch cho 150 công chức làm công tác hộ tịch. Kết thúc khoá bồi dưỡng, 100% học viên được cấp Chứng chỉ Bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch theo tiêu chuẩn và quy chế đào tạo của Bộ Tư pháp.
Công tác LLTP được duy trì thường xuyên. Năm 2018 tiếp nhận 10.742 thông tin án tích; cập nhật, bổ sung 4.648 thông tin; cung cấp 5.194 thông tin án tích cho Trung tâm LLTP Quốc gia và các Sở Tư pháp khác; đề nghị cơ quan tòa án cung cấp bổ sung thông tin án tích 227 thông tin; đưa vào lưu trữ 1.200 hồ sơ giấy. Trực tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận 1 cửa Trung tâm hành chính công của tỉnh: Tiếp nhận 3.580 hồ sơ đề nghị cấp phiếu LLTP, đã cấp 3.461 thông tin LLTP; số còn lại đang trong thời hạn giải quyết. Thực hiện xác minh thông tin xoá án tích cho 194 trường hợp. Thực hiện đăng ký nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài 02 trường hợp.
Lĩnh vực bổ trợ tư pháp ngày càng được tăng cường; hoạt động trợ giúp pháp lý có nhiều đổi mới cả về phương pháp và cách thức thực hiện, chất lượng trợ giúp pháp lý được nâng lên, góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật của người dân. Hoạt động bán đấu giá tài sản tiếp tục hỗ trợ đắc lực cho công tác thi hành án dân sự và thu hồi vốn vay cho các tổ chức tín dụng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân.
Công tác tổ chức cán bộ, xây dựng ngành được ngành Tư pháp tích cực triển khai thực hiện theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Đề án số 01-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2021.
Bước sang giai đoạn phát triển mới, lĩnh vực tư pháp, và công cuộc cải cách tư pháp có nhiều nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là phải xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước bằng pháp luật và hiệu quả công tác thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Tư pháp Vĩnh Phúc quyết tâm tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, sâu rộng, xuất sắc các nhiệm vụ được giao, tham mưu đắc lực cho UBND tỉnh nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành bằng pháp luật góp phần phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2019, căn cứ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; chương trình công tác của Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp Vĩnh Phúc xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình công tác Tư pháp, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là,nâng cao chất lượng tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về công tác tư pháp phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Tăng cường sự phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; cấp ủy, chính quyền cấp huyện và cơ sở trong triển khai thực hiện công tác tư pháp.
Hai là, tham gia ý kiến, thẩm định, kiểm tra và rà soát văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh đảm bảo 100% yêu cầu về chất lượng và tiến độ; trong đó chú trọng công tác phối hợp, đôn đốc, hướng dẫn các Sở, ban, ngành xây dựng Nghị quyết HĐND kỳ họp giữa năm và cuối năm.
Ba là,tiếp tục thực hiện nghiêm Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành ở các ngành, các cấp; tập trung nghiên cứu, đề xuất kịp thời với Trung ương để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.Đẩy mạnh công tác theo dõi thi hành pháp luật gắn với kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.
Bốn là,đổi mới các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với nhu cầu thực tiễn, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn và tập quán của địa phương. Tập trung PBGDPL đối với các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật. Tiếp tục mở các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật ngay tại cơ sở. Đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở; xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Tăng cường công tác kiểm tra và tự kiểm tra việc thực hiện các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.
Năm là, tiếp tục triển khai thực hiện Luật Hộ tịch năm 2014 với nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện cơ sở vật chất, triển khai có hiệu quả phần mềm hộ tịch. Xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử các cấp trên địa bàn tỉnh. Thực hiện công tác đào tạo, kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch đảm bảo đúng tiêu chuẩn Luật Hộ tịch. Đẩy mạnhviệcxây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, bảo đảm kết nối, chia sẻ thông tin giữa cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác liên quan.Chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra hoạt động giải quyết bồi thường nhà nước, hộ tịch, chứng thực ở cơ sở.
Sáu là, tiếp tục thực hiện các Chương trình, Đề án phát triển các nghề đặc thù trong lĩnh vực quản lý của ngành tư pháp như luật sư, công chứng, đấu giá, giám định tư pháp. Tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định chế độ chính sách thu hút nhân lực cho các tổ chức giám định tư pháp công lập và các chuyên gia, tổ chức có năng lực tham gia hoạt động giám định tư pháp tại tỉnh Vĩnh Phúc và tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh.Tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh.
Bảy là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành đảm bảo đúng tiến độ kế hoạch đề ra; tổ chức kịp thời các cuộc thanh tra đột xuất, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra sau thanh tra.
Tám là, tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án số 01-ĐA/TU ngày 30/11/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2021. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thi hành nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp.
Năm 2019, Tư pháp Vĩnh Phúc bám sát nhiệm vụ Trung ương và nhiệm vụ chính trị của tỉnh, đoàn kết khắc phục khó khăn và phát huy những thành tựu đã đạt được nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư pháp phục vụ kịp thời nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.