Vĩnh Phúc: Nâng cao hiệu quả hoạt động công chứng

(PLVN) - Thời gian qua, hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được những kết quả tích cực. Qua đó, đáp ứng nhu cầu công chứng của người dân, góp phần thực hiện chiến lược cải cách tư pháp và cải cách hành chính.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ của thủ đô Hà Nội, sau 25 năm tái lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và đáng tự hào. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu công chứng hợp đồng giao dịch, số lượng tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng lên.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh hiện có 27 tổ chức hành nghề công chứng (trong đó có 1 Phòng công chứng và 26 văn phòng công chứng) với 56 công chứng viên. Các tổ chức hành nghề công chứng và doanh nghiệp đấu giá tài sản hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, trong đó, Phòng công chứng số 1 và Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh đã và đang trở thành đơn vị sự nghiệp tự chủ đầu tàu về chuyên môn nghiệp vụ.

Các công chứng viên đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tuân thủ pháp luật, có kỹ năng nghề nghiệp, quy tắc đạo đức hành nghề công chứng, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các bên khi tham gia giao dịch. Số lượng, chất lượng các việc công chứng đều được nâng lên. Năm 2021 các tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện được 76.769 việc, tăng 7% so với năm 2020.

Bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh còn có những tồn tại, hạn chế, có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề. Chất lượng đội ngũ công chứng viên chưa đồng đều, còn có hiện tượng vi phạm pháp luật và đạo đức hành nghề, hoạt động công chứng chưa đáp ứng yêu cầu ngăn ngừa các hành vi lừa đảo, lợi dụng công chứng để hợp pháp hóa các giao dịch bất hợp pháp, gây mất trật tự an toàn xã hội.

Cùng với đó, các quy định của pháp luật về công chứng như: quy định về số lượng công chứng viên của Văn phòng công chứng, việc xóa bỏ quy hoạch công chứng, hay quy định về tên gọi của Văn phòng công chứng đã ảnh hưởng và gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước ở địa phương đối với hoạt động công chứng. Những quy định này đã dẫn đến các tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên có sự dịch chuyển đến những địa bàn có số lượng hợp đồng giao dịch nhiều. Gây xáo trộn trong hoạt động công chứng.

Để khắc phục những tồn tại, đồng thời tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh cần nâng cao hơn nữa công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng.

Trong đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật Công chứng năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân có liên quan và toàn xã hội về vị trí, vai trò của hoạt động công chứng và hệ quả pháp lý của văn bản công chứng…

Đồng thời, Sở Tư pháp cần tiếp tục chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế và có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục triệt để; siết chặt quy trình cấp giấy chứng nhận công chứng viên.

Đặc biệt, cần chú trọng việc triển khai việc kết nối, chia sẻ dữ liệu về đất đai, nhà ở, doanh nghiệp, dân cư với Cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực bảo đảm việc kết nối liên thông giữa các sở, ban, ngành có liên quan với các tổ chức hành nghề công chứng. Bên cạnh đó, thực hiện thí điểm liên thông giữa thủ tục công chứng đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí trong việc thực hiện thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức./.

Đọc thêm