Không chỉ hệ thống đường giao thông, cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, sạch đẹp mà nông thôn mới đã làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con nông dân, với nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh, dịch vụ cho hiệu quả kinh tế cao được nhân rộng.
Năm 2023, tỉnh phấn đấu có thêm 14 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 89 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu và các huyện Vĩnh Tường, Tam Dương, Tam Đảo, Sông Lô, Lập Thạch tiếp tục hoàn thành các điều kiện, tiêu chí đạt nông thôn mới; 13 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2020, 2021 thực hiện duy trì đạt chuẩn theo quy định giai đoạn 2021-2025.
Để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh sẽ dành hơn 3.800 tỷ đồng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ trực tiếp hơn 452 tỷ đồng; ngân sách địa phương hỗ trợ gần 900 tỷ đồng; nguồn vốn lồng ghép gần 1.300 tỷ đồng.
Cùng với đó, tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường tuyên truyền, gắn việc xây dựng chương trình nông thôn mới với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Tỉnh Vĩnh Phúc cũng triển khai có hiệu quả các chính sách đã ban hành như hỗ trợ tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Vĩnh Phúc hiện có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 67 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 4 huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt 53 triệu đồng/người/năm. Tỉ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 0,99%.
Tất cả đường xã và đường từ trung tâm xã đến huyện được cứng hóa; 98,5% đường trục thôn và liên thôn được cứng hóa; 79% đường trục chính nội đồng được cứng hóa.
Hệ thống lưới điện tử cao áp đến lưới điện trung áp, lưới điện hạ áp được đầu tư đồng bộ, hiệu quả, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, hạ tầng văn hóa - xã hội được đặc biệt quan tâm.
Tỉnh đã cân đối gần 4.000 tỷ đồng nâng cấp, sửa chữa hệ thống trường học; tiếp tục cải tạo, sửa chữa, nâng cấp Trung tâm văn hóa - thể thao huyện; trung tâm văn hóa xã, nhà văn hoá.
Chia sẻ với phóng viên, lãnh đạo phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Tường cho biết: Vĩnh Tường đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình nông thôn mới trên địa bàn huyện giai đoạn 2011-2020.
Theo đó, Vĩnh Tường sẽ xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển theo hướng hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý. Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ. Gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch, có hệ thống chính trị vững mạnh, xã hội ổn định, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng được giữ vững, môi trường, sinh thái được cải thiện, an sinh xã hội được đảm bảo. Đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương, phương pháp, nội dung Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới để cán bộ, Đảng viên và nhân dân biết, chủ động thực hiện; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới ở các cấp, nhất là cán bộ thôn, xã; tập trung rà soát, điều chỉnh, lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới, yêu cầu quy hoạch phải đi trước một bước.
Cụ thể, huyện tập trung thể hiện 3 nội dung chủ yếu: Quy hoạch chung phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch chi tiết phát triển sản xuất và cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, quy hoạch chi tiết khu trung tâm và các điểm dân cư mới; chủ động huy động vốn theo quy định của Chính phủ và cơ chế chính sách của tỉnh, đồng thời xã hội hoá công tác xây dựng nông thôn mới. Vĩnh Tường chọn 3 xã là Thượng Trưng, Ngũ Kiên, Tam Phúc làm điểm triển khai thực hiện chương trình để đánh giá, rút kinh nghiệm.