Theo kết quả điều tra, khảo sát của các cơ quan chức năng, đến nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hầu hết đã có ứng dụng phần mềm phục vụ công tác quản lý, giao dịch qua mạng internet; 100% các cơ quan nhà nước, đơn vị, trường học... có kết nối internet, kết nối mạng truyền số liệu giúp cán bộ có điều kiện triển khai hiệu quả ứng dụng, phục vụ nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Thực tế khảo sát tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng điện tử, điện lạnh lớn trên địa bàn tỉnh, hầu hết đã cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã biết tận dụng tối đa ưu thế thương mại điện tử (TMĐT) phục vụ quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, giao dịch, chăm sóc khách hàng, hỗ trợ thực hiện hợp đồng… giúp nhiều giao dịch được thực hiện hiệu quả, nhanh chóng và chính xác.
Trong giai đoạn 2021- 2025, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục hướng đến 4 mục tiêu: Mở rộng quy mô thị trường TMĐT; phát triển hạ tầng các dịch vụ phụ trợ; ứng dụng TMĐT trong doanh nghiệp và phát triển nguồn nhân lực.
Theo đó, đến năm 2025, tỉnh phấn đấu có 55% người dân trên địa bàn 2 thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên tham gia mua sắm trực tuyến, ở các huyện là 30%; doanh số TMĐT chiếm hơn 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.
Thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT đạt 55%, giao dịch trên website có hoá đơn điện tử đạt 70%; 100% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông chấp nhận thanh toán phí dịch vụ của các hộ gia đình qua phương tiện điện tử…
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động TMĐT. Tăng cường đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, cạnh tranh không lành mạnh thông qua tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng TMĐT. Đồng thời, giải quyết các tranh chấp, xử lý vi phạm hoạt động TMĐT; trang bị phương tiện hiện đại hỗ trợ theo dõi, giám sát, giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiếp tăng cường xây dựng và cung cấp các gói giải pháp toàn diện hỗ trợ bán hàng trực tuyến, triển khai các đề án hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia các sàn TMĐT lớn. Tổ chức chuỗi cung ứng TMĐT cho các mặt hàng nông sản, xây dựng mối liên kết giữa các doanh nghiệp để tối ưu hoá chi phí và thời gian đưa hàng hoá ra thị trường./.