Vĩnh Phúc sẵn sàng cung ứng hàng hóa cấp độ 2 sau khi có ca bệnh Covid-19 thứ 12

(PLVN) - Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, Sở Công thương tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều phương án để chủ động đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho người dân trong mọi tình huống.
Ngành Công thương tỉnh Vĩnh Phúc đã sẵn sàng chuyển sang triển khai phương án cung ứng hàng hóa lên cấp độ 2.
Ngành Công thương tỉnh Vĩnh Phúc đã sẵn sàng chuyển sang triển khai phương án cung ứng hàng hóa lên cấp độ 2.

Ngay sau khi Bộ Y tế công bố bệnh nhân nam ở thôn Phương Lâu, xã An Hòa, huyện Tam Dương là ca nhiễm Covid-19 số 239 của cả nước và là ca thứ 12 dương tính với virus nCov của tỉnh Vĩnh Phúc, ngành Công thương đã sẵn sàng chuyển sang triển khai phương án cung ứng hàng hóa lên cấp độ 2.

Cụ thể, Sở Công thương đã xây dựng kế hoạch bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh với 5 tình huống, cấp độ.

Theo đó, ngành đã tăng cường phối hợp với UBND các huyện, thành phố theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến.

Cùng với đó, phối hợp với Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; chú trọng kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán theo giá niêm yết; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bàn hàng hóa bất hợp lý đối với hàng hóa là trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng chữa bệnh.

Đặc biệt, ngành Công thương thành lập 2 tổ công tác để chỉ đạo, ứng phó gồm Tổ công tác điều hành hàng hóa tiêu dùng thiết yếu và Tổ nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để thực hiện tốt nhiệm vụ cung cầu, điều tiết hàng hóa thiết yếu.

Ngành cũng đề các nghị địa phương phối hợp với các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn chủ động cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, chú trọng bảo đảm chất lượng, giá cả đối với các nhóm hàng hóa.

Trường hợp có khu vực bị cách ly, địa phương cần kịp thời thông tin số lượng người dân, nhu cầu cần phục vụ để triển khai việc cung ứng hàng hóa; có phương án chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp bố trí nhân sự, phương tiện vận chuyển kịp thời phục vụ nhân dân trong khu vực cách ly.

Riêng với trường hợp khu vực cách ly không có cửa hàng tiện lợi, cơ sở kinh doanh thương mại, ngành Công thương sẽ chỉ đạo, tổ chức các điểm bán hàng lưu động để phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân địa phương.

Đọc thêm