Vĩnh Thuận (Kiên Giang) quyết tâm nâng chất huyện nông thôn mới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Là một trong những huyện nằm trong top đầu ở khu vực ĐBSCL được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM) trong điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế nên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) không ngừng nỗ lực duy trì, nâng chất những kết quả đạt được trong quá trình xây dựng NTM.
Ông Lê Văn Đủ, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang)
Ông Lê Văn Đủ, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang)

Vượt khó xây dựng NTM

Ông Lê Văn Đủ, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) cho biết, Vĩnh Thuận vốn dĩ là huyện thuần nông thuộc vùng U Minh Thượng với cơ sở hạ tầng hạn chế. Trong đó, hạ tầng giao thông là rào cản lớn nhất trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Việc vận chuyển hàng hóa nông sản của người dân chủ bằng đường thủy xuôi theo những tuyến kênh, rạch nhỏ hẹp rồi sau đó kết nối với dòng sông Chắc Băng mới đến được các tỉnh, thành trong khu vực.

Huyện Vĩnh Thuận không ngừng nỗ lực duy trì, nâng chất những kết quả đạt được trong quá trình xây dựng NTM

Huyện Vĩnh Thuận không ngừng nỗ lực duy trì, nâng chất những kết quả đạt được trong quá trình xây dựng NTM

Thế nhưng, kể từ khi bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM vào năm 2010, bộ mặt nông thôn ở huyện Vĩnh Thuận không ngừng được khởi sắc. Những tuyến đường thuộc các xã vùng sâu, vùng xa trong huyện cũng từng bước được láng nhựa hoặc bê tông phẳng phiu. Những tuyến kênh thường xuyên khô cạn vào những tháng cao điểm cũng đã được nạo vét, mở rộng để hệ thống giao thông thủy, bộ trên địa bàn được thực hiện một cách liên hoàn thông suốt. Đặc biệt, từ khi cầu Cái Bé, Cái Lớn được thông xe và Quốc lộ 63 được nâng cấp mở rộng thì đời sống của người dân ở huyện Vĩnh Thuận cũng như của cả vùng U Minh Thượng đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Sau gần 10 năm bắt tay vào xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, cơ sở hạ tầng về điện, đường, trường, trạm được đầu tư khá đồng bộ. Rõ nét nhất là hệ thống kênh thủy lợi nội đồng được khép kín, đảm bảo tưới tiêu chủ động cho hàng chục nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, hệ thống điện lưới quốc gia đã được đầu tư đạt 100%. Nhờ vậy mà kinh tế của Vĩnh Thuận liên tục tăng trưởng khá, tổng giá trị sản xuất một số ngành chủ yếu bình quân hằng năm tăng 10,3%, trong đó tỷ trọng nông nghiệp chiếm 46,33%, thương mại - dịch vụ chiếm 36,05%, công nghiệp - xây dựng chiếm 17,62%.

Nông dân huyện Vĩnh Thuận thu hoạch lúa

Nông dân huyện Vĩnh Thuận thu hoạch lúa

“Đảng bộ, chính quyền và người dân huyện Vĩnh Thuận đã đón nhận niềm vui lớn vào năm 2020 sau khi được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn NTM. Để có được kết quả này, trong nhiều năm qua, Vĩnh Thuận phát động phòng trào “Chung sức xây dựng NTM” và đã liên tục triển khai các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã hình thành nhiều mô hình, sáng kiến của Mặt trận góp phần hoàn thành và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM ở cơ sở. Đồng thời, vận động người dân ủng hộ nguồn lực, hiến đất, hiến công xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; phát triển các mô hình tự quản trong cộng đồng; nhân rộng các mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, gia đình kiểu mẫu”- Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận Lê Văn Đủ chia sẻ.

Quyết tâm nâng chất huyện NTM

Theo lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Thuận, tính đến thời điểm hiện tại, Vĩnh Thuận có 7/7 xã giữ vững 19/19 tiêu chí xã NTM, 2 xã (Bình Minh và Vĩnh Phong) đạt chuẩn NTM nâng cao và xã Bình Minh đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Cùng với đó, Vĩnh Thuận vẫn giữ vững huyện đạt chuẩn NTM theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2020 đến nay và đang tiếp tục thực hiện các tiêu chí huyện NTM nâng cao.

“Chúng tôi xác định rõ mục tiêu của Chương trình xây dựng NTM là để đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn nâng cao cũng như rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Do đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa. Kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ, trình độ sản xuất tiên tiến, nông dân chuyên nghiệp, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Mục tiêu chung của chương trình còn là việc xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc cùng với môi trường, cảnh quan, không gian nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp. Cuối cùng là hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường, quốc phòng và an ninh trật tự được giữ vững để mọi vùng quê đều trở thành nơi đáng sống”- ông Lê Văn Đủ nêu quyết tâm.

Người dân huyện Vĩnh Thuận phấn khởi thu hoạch tôm

Người dân huyện Vĩnh Thuận phấn khởi thu hoạch tôm

Cũng theo lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Thuận, để đạt được các mục tiêu chung như mong muốn, Vĩnh Thuận đã đưa ra rất nhiều giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó, chú trọng khai thác được lợi thế của xã, huyện; Bảo vệ môi trường và cải tạo cảnh quan nông thôn; phát triển giáo dục, y tế, văn hóa cơ sở và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn và giữ gìn an ninh và trật tự xã hội nông thôn.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Theo chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận Lê Văn Đủ, hiện các ngành, các cấp và các địa phương trên địa bàn huyện đang tiếp tục triển khai kế hoạch giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Qua rà soát, hiện toàn huyện còn 298 hộ nghèo, chiếm 1,24% và hộ cận nghèo là 521 hộ, chiếm 2,16%.

Do đó, Vĩnh Thuận đang đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, ưu đãi cho phát triển kinh tế tập thể để tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập nông thôn.

Đồng thời, giải quyết kịp thời các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định và theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình phát triển ở địa phương.

Đọc thêm