Violympic: Sân chơi trá hình cho cuộc đua 'luyện gà nòi'?

(PLO) - Không phủ nhận sức hút của cuộc thi Giải toán qua mạng Violympic thời gian qua, nhưng dư luận đang bày tỏ sự lo ngại trước một “sân chơi trên mạng” bị biến tướng thành một cuộc chạy đua về thành tích.
Violympic: Sân chơi trá hình cho cuộc đua 'luyện gà nòi'?

Cách học thụ động, máy móc.

Nội dung thi của Violympic xoay quanh các bài toán được thể hiện bằng nhiều hình ảnh, trò chơi, các em học sinh hoàn thành trong thời gian ngắn nhất để giành điểm. Thế nhưng sân chơi đã biến thành nơi rèn luyện kỹ năng để làm càng nhanh càng tốt. Nhiều phụ huynh, giáo viên đã lập nhiều tài khoản cho các em luyện tập cho thành thục, như kiểu... lập trình ro-bot, chỉ với mục đích duy nhất là: Thi đấu, có giải.

Một câu hỏi đơn giản có thể làm nhiều lần để rút ngắn thời gian
Một câu hỏi đơn giản có thể làm nhiều lần để rút ngắn thời gian

Chị Hương Lan (Cầu Giấy – Hà Nội) có con đang học lớp 2 cho rằng các mô hình học, cuộc thi được tổ chức online trên mạng là rất tốt. Tuy nhiên, nó chỉ phù hợp với các em học sinh cấp 2 trở lên đối với lứa tuổi nhỏ như tiểu học thì không nên tạo cho chúng các cuộc thi nặng tính cạnh tranh như thế này.

Đồng quan điểm, chị Phương Thảo (Hoàng Quốc Việt – Hà Nội) chia sẻ: “Tôi nhận thấy nhiều bố mẹ thúc giục và lập nhiều tài khoản cho con, thậm chí làm thay con nhằm có thành tích cao để lọt vào vòng sau, điều này là không nên. Cháu nhà tôi rất thích cuộc thi và luôn muốn làm đi làm lại để có được kết quả cao hơn. Thi thoảng cháu bỏ ăn, cáu gắt với bố mẹ chỉ vì muốn “chơi” Violympic. Ban đầu tôi rất ủng hộ và còn hướng dẫn cháu, nhưng sau đó nhận thấy việc làm lại nhiều lần khiến trẻ học thụ động và bỏ quên nhiều hoạt động bổ ích khác. Tôi đã không cho cháu tiếp tục thi nữa và gửi cháu tham gia các các câu lạc bộ văn nghệ, thể thao để cháu phát triển toàn diện”.

Thời gian làm bài "siêu nhanh" của một học sinh top đầu
Thời gian làm bài "siêu nhanh" của một học sinh top đầu

Làm đẹp hồ sơ để vào trường chuyên – “Luyện gà nòi kiểu Violympic”

Bộ GD&ĐT có chỉ thị không lấy kết quả thi của học sinh từ những hoạt động giao lưu, sân chơi trí tuệ để xếp thi đua. Nghiêm túc thực hiện việc nghiệm thu chất lượng giáo dục và bàn giao học sinh từ lớp dưới lên lớp trên, từ tiểu học lên THCS. Không tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6.

Tất cả những chủ trương này đều với mục đích: không gây áp lực học hành cho học sinh tiểu học.

Tuy nhiên, trong năm học 2016-2017, rất nhiều trường THCS trên địa bàn Hà Nội như Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Siêu, Marie Curie, Lương Thế Vinh, Cầu Giấy…đều tiến hành xét tuyển dựa theo các tiêu chí ưu tiên cộng thêm điểm cho các học sinh có giải thưởng trong các kỳ thi Violympic Toán, Tiếng Anh, Tin học…

Và đây chính là nguyên nhân để hình thành "cuộc đua'  Violympic, những 'lò luyện' Violympic. Cũng từ đây, hàng loạt các trung tâm gia sư luyện thi đã mọc lên, nhộn nhịp không kém ôn thi đại đọc, các thầy cô môn toán nhận dạy kèm thêm học sinh, phụ huynh thúc ép con cái ôn luyện để thiViolympic.

Và cũng từ đây, áp lực vẫn đè nặng lên vai các học sinh tiểu học.

Các em học sinh thi Violympic cấp trường
Các em học sinh thi Violympic cấp trường

Cấm tổ chức thi học sinh giỏi nhưng lại cho thi toán qua mạng quy mô toàn quốc?

Bộ GD&ĐT đã ban hành chủ trương, yêu cầu không tổ chức thi học sinh giỏi đối với cấp tiểu học. Không tổ chức các đội tuyển tham gia các hoạt động giao lưu, các sân chơi trí tuệ, gây áp lực căng thẳng cho học sinh.

Cuộc thi học sinh giỏi đã được xóa bỏ, tuy vậy, Violympic lại vẫn được coi như một 'sân chơi' và tổ chức nhiều năm liền đối với cả cấp tiểu học trên quy mô toàn quốc tạo nên sự ganh đua quyết liệt giữa các học sinh, các trường và địa phương.

Những con số “khủng” học sinh tham dự ở cấp tiểu học.
Những con số “khủng” học sinh tham dự ở cấp tiểu học.

Gần đây Trung tâm Truyền thông Giáo dục thuộc Bộ GD&ĐT đã nêu rõ: Chủ trương của Bộ là không tổ chức hoặc ủng hộ tổ chức các cuộc thi không thiết thực. Các cuộc thi làm ảnh hưởng đến quá trình học tập của học sinh gây băn khoăn cho phụ huynh và dư luận xã hội. Trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ GD&ĐT luôn khuyến khích các em học sinh năng động, tìm tòi học tập qua nhiều kênh khác nhau. Trong đó có hình thức học tập trực tuyến, nhưng đó phải là những kênh học tập lành mạnh và hiệu quả, thiết kế phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ mới đây cũng chỉ đạo dừng tổ chức cuộc thi “Chinh phục vũ môn” do gặp nhiều bất cập và ảnh hưởng đến quá trình học tập của các em học sinh. Bộ trưởng đã yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ chủ động tiến hành rà soát kỹ lưỡng, nghiêm túc các cuộc thi tương tự đang diễn ra, nếu không hiệu quả thì tạm dừng.

Như vậy, việc cho phép tổ chức thi Violympic quy mô toàn quốc là hoàn toàn mâu thuẫn với những chủ trương của Bộ GD&ĐT đã đưa ra.

Để có cái nhìn khách quan hơn nữa về vấn đề này, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu và đưa tin tới bạn đọc trong những bài viết tiếp theo.

Đọc thêm