Virus Corona có lây truyền qua tiền mặt?

(PLVN) - Có những ý kiến khác nhau xung quanh việc liệu tiền mặt (tiền giấy và tiền xu) có thể là vật dụng trung gian truyền nhiễm virus corona hay không.

Tờ báo Anh The Telegraph đã đăng tải một bài báo, trong đó trích dẫn một đại diện giấu tên củaTổ chức Y tế Thế giới  (WHO) khẳng định rằng, tổ chức này kêu gọi mọi người không dùng tiền mặt (tiền giấy và tiền xu), vì đây là vật dụng trung gian truyền nhiễm COVID-19. 

Khuyến cáo của WHO cho biết: "Virus có thể tồn tại từ vài giờ đến vài ngày tùy theo một số điều kiện (loại bề mặt, nhiệt độ và độ ẩm). Để tiêu diệt vi sinh vật và bảo vệ bản thân và những người khác, nên lau sạch bề mặt bằng chất khử trùng thông thường. Nên rửa tay bằng các sản phẩm có chứa cồn hoặc rửa bằng xà phòng. Đừng chạm vào mắt, miệng hoặc mũi."

Đại diện của WHO đã nói với The Telegraph: "Chúng tôi biết rằng, tiền mặt qua sử dụng thay đổi nhiều chủ sở hữu có thể tích tụ các loại vi khuẩn và virus. Do đó, tiền giấy nên được “tránh xa”. Sau khi cầm tiền mặt thì nên rửa tay. Tốt nhất là thanh toán không dùng tiền mặt như thanh toán bằng thẻ ATM".

Tuy nhiên, WHO đã giải thích với kênh CNBC rằng, trong khuyến cáo chính thức của tổ chức này về cách phòng chống COVID-19 không nói gì về tiền mặt và thanh toán không tiếp xúc. Điều quan trọng nhất là "rửa tay, kể cả sau khi bạn dùng tiền mặt, đặc biệt nếu bạn đang ăn hoặc chạm vào thức ăn". 

Tức là, tiền giấy phải được đối xử giống như bất kỳ đối tượng nào mà người nhiễm bệnh có thể chạm vào: tay nắm cửa, tay vịn cẩu thang, tay vịn trong giao thông công cộng, lan can và những thứ tương tự.

Mặc dù có một số nghiên cứu về việc truyền vi trùng và vi rút thông qua tiền giấy và tiền xu, nhưng, tiền mặt không khác biệt với các đối tượng khác. Theo các báo cáo gần đây, COVID-19 có thể tồn tại trên các bề mặt trong nhiều ngày. 

Biện pháp chính để phòng chống COVID-19 là giữ gìn vệ sinh cá nhân, chứ không phải cách thanh toán không tiếp xúc.

Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, Tiến sĩ Sinh học, Giáo sư Sergei Netesov, cán bộ khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Trưởng phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học và Virus học tại Đại học Quốc gia Novosibirsk, Trưởng phòng thí nghiệm tại Trung tâm virus học và công nghệ sinh học "Vector" cho biết: 

“Người dân thường giữ tiền mặt trong một hoặc hai ngày, trong thời gian này, virus không tồn tại nữa. Những đồ vật nguy hiểm nhất là những gì người bệnh chạm vào. Đấy có thể là tay nắm cửa, chậu rửa tay, tay vịn trong tàu điện ngầm và xe buýt.

Tay nắm cửa của nhà vệ sinh công cộng là bẩn nhất, bạn không nên chạm vào nó trong mọi trường hợp - chỉ bằng khuỷu tay hoặc qua khăn giấy, sau đó vứt ngay lập tức, ngoài ra nên rửa tay trước khi bạn rửa mặt. Điều này là quan trọng hơn nhiều so với thanh toán không tiếp xúc".

"Tất nhiên, bạn có thể không chạm vào tiền mặt và thanh toán qua điện thoại, nhưng, sau khi chạm vào điện thoại hoặc thiết bị ATM, bạn vẫn phải rửa tay" - Giáo sư Sergei Netesov nhấn mạnh. 

Như vậy giữ gìn vệ sinh cá nhân, nhất là rửa tay sát khuẩn thường xuyên, sau khi động chạm vào các vật dụng, bề mặt là biện pháp phòng dịch COVID-19 tốt nhất đến nay theo khuyến cáo của các nhà khoa học.

Trước đó, Trung Quốc đã tiến hành khử trùng tiền mặt và phát hành tiền mới cho tâm dịch Vũ Hán để hạn chế mức độ lây truyền dịch bệnh. Cả Trung Quốc và Hàn Quốc đều đã bắt đầu triển khai việc khử trùng, thậm chí "cách ly" những tờ bạc đã sử dụng sang để phòng ngừa lây lan dịch COVID-19. Các nhà chức trách đã sử dụng ánh sáng tia cực tím hoặc xử lý ở nhiệt độ cao để khử trùng các tờ bạc, sau đó đưa số tiền này vào niêm phong 14 ngày trước khi đưa trở lại lưu hành.

Đọc thêm