Virus nguy hiểm lây lan chóng mặt

(PLO) - Tính đến hết  tháng 7/2016, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có 67 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã ghi nhận trường hợp nhiễm virus Zika. 
Một nhân viên y tế quận Miami-Dade xịt thuốc phòng muỗi quanh khu nhà ở
Một nhân viên y tế quận Miami-Dade xịt thuốc phòng muỗi quanh khu nhà ở

Như vậy, kể từ năm 2007 khi trường hợp đầu tiên nhiễm loại virus nguy hiểm này được phát hiện đến nay, Zika đã lây lan với tốc độ chóng mặt và diễn biến phức tạp, trong khi chưa tìm ra loại thuốc đặc hiệu để ngăn ngừa và đặc trị.

Lây nhiễm quá nhanh

Virus Zika lần đầu tiên được phát hiện trên loài khỉ ở rừng Zika tại Uganda vào năm 1947. Sau đó, bệnh tiếp tục được ghi nhận ở Nigeria vào năm 1954 và trở thành chủng virus lưu hành tại nhiều nước thuộc khu vực châu Phi.

Tại châu Á, trường hợp mắc bệnh đầu tiên được ghi nhận vào năm 2007 tại đảo Yap thuộc Liên bang Micronesia. Năm 2013, ổ dịch đầu tiên xuất hiện tại French Polynesia, sau đó lây lan nhanh ra các đảo trong khu vực Thái Bình Dương và một số quốc gia ở châu Mỹ, châu Phi, châu Á. 

Theo số liệu mới nhất của WHO, chỉ tính riêng trong hai năm 2015 và 2016, virus Zika đã lây lan ra 64 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tính đến nay, 67 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã ghi nhận trường hợp nhiễm virus Zika. Đặc biệt, virus này đang bùng phát mạnh khắp khu vực Mỹ Latinh, và Brazil là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, với 1.709 trường hợp trẻ sơ sinh mắc chứng đầu nhỏ có liên quan đến virus Zika

Virus Zika thuộc họ virus Flaviviridae, rất gần với các virus gây nên bệnh sốt xuất huyết. Cũng giống như sốt xuất huyết, bệnh được lây truyền qua vật chủ trung gian là muỗi Aedes (muỗi lan truyền bệnh sốt xuất huyết). Người mắc bệnh sẽ có những triệu chứng tương tự như khi mắc sốt xuất huyết như: sốt, xuất huyết nội, đau mỏi cơ khớp, viêm kết mạc, nhức đầu, phát ban…

Hầu hết các trường hợp nhiễm virus Zika có biểu hiện triệu chứng nhẹ và vừa, hoặc không có biểu hiện triệu chứng, do đó nhiều trường hợp mắc bệnh có thể không phát hiện được. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều có khả năng hồi phục hoàn toàn và chưa ghi nhận trường hợp tử vong do virus Zika. 

Thực chất, virus này không được xếp vào dạng nguy hiểm với người trưởng thành. Nhưng đối với phụ nữ đang mang thai, virus này để lại dị tật lớn cho thai nhi, trong đó nghiêm trọng nhất là trẻ sơ sinh bị dị tật đầu nhỏ (giảm đáng kể kích thước của hộp sọ, dẫn đến mất trí nhớ), cũng như các vấn đề về thị giác, thính giác hay chứng rối loạn thần kinh nguy hiểm. Trẻ em mắc phải hội chứng này sẽ không phát triển bình thường từ khi ở trong bụng mẹ, khiến trẻ học tập, vận động khó khăn và có nguy cơ gây tử vong. Cho đến nay chưa có vaccine điều trị loại virus này. 

Hiện 14 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã ghi nhận có những trường hợp trẻ sơ sinh đầu nhỏ hoặc có những bất thường khác trong việc phát triển hệ thần kinh trung ương ở trẻ sơ sinh do mẹ nhiễm virus Zika. Trong số đó có nhiều phụ nữ sinh con bị dị tật đầu nhỏ đã từng đến những vùng ghi nhận có virus Zika.

Tại Mỹ đã ghi nhận có 12 trường hợp bà mẹ nhiễm virus và sinh con có dị tật đầu nhỏ và 6 trường hợp nhiễm virus Zika bị sảy thai. Các nhà khoa học dự đoán khoảng 93,4 triệu người ở châu Mỹ, trong đó có 1,6 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh nở, có thể bị lây nhiễm loại virus nguy hiểm này trước khi dịch bệnh chấm dứt. 

Đặc biệt, kể từ tháng 2/2016, 11 quốc gia trên thế giới đã công bố bằng chứng về sự lây truyền virus Zika từ người sang người mà nguyên nhân là do quan hệ tình dục với người trở về từ vùng có dịch. Mới đây, các nhà khoa học ở bang Florida (Mỹ), còn phát hiện hai trường hợp nhiễm loại virus nguy hiểm này tại các quận Miami-Dade và Broward mà chưa hề đến các vùng có dịch. Đây được coi là một trong những diễn biến phức tạp và khó lường nhất của loại virus này. 

Mỹ cảnh báo hạn chế đi lại

Ngày 1/8, Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh của Mỹ (CDC) đã ban hành cảnh báo đi lại tại thành phố Miami, thuộc bang Florida, do lo ngại nguy cơ lây nhiễm virus Zika.

Theo CDC, phụ nữ mang thai cần hạn chế tới khu vực Wynwood, phía Bắc trung tâm thành phố Miami, để tránh nguy cơ nhiễm bệnh do virus Zika. Với những thai phụ từng tới khu vực này từ ngày 15/6, họ cần tới các cơ sở y tế để tiến hành xét nghiệm và phát hiện bệnh kịp thời. Trong khi đó, các thai phụ sinh sống tại Wynwood được khuyến cáo tạm thời không quan hệ tình dục hoặc sử dụng các biện pháp phòng ngừa an toàn để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm Zika từ bạn tình.

Ngoài ra, CDC cũng khuyến cáo người dân sử dụng thuốc chống muỗi, mặc áo dài tay, quần dài, và giữ gìn vệ sinh môi trường để hạn chế muỗi sinh sôi và phát triển. Được biết, hiện CDC đã cử một nhóm chuyên gia ứng phó khẩn cấp tới Florida để hỗ trợ giới chức y tế bang này đối phó với virus Zika. 

Lệnh cảnh báo đi lại đối với một khu vực dân cư thuộc Miami được đưa ra trong bối cảnh giới chức Florida hồi cuối tuần trước xác nhận thêm 4 trường hợp lây nhiễm Zika không liên quan tới những người đi du lịch nước ngoài, nâng tổng số ca nhiễm Zika tại bang này lên con số 14. Đây được cho là lần đầu tiên muỗi mang virus Zika xuất hiện trong lãnh thổ Mỹ.

Trước đó một ngày, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã yêu cầu các trung tâm tiếp nhận máu tại 2 hạt Miami-Dade và Broward của bang Florida ngừng chương trình hiến máu để điều tra về các trường hợp này.

Hồi tháng 1 vừa qua, giới chức Mỹ cũng từng ban hành cảnh báo đi lại đối với Puerto Rico khi vùng lãnh thổ này thông báo ca đầu tiên lây nhiễm Zika. 

Vaccine: Còn phải chờ

Trong một nỗ lực nhằm nghiên cứu thuốc đặc trị Zika, các nhà khoa học thuộc Đại học Washington (Mỹ) đã tuyên bố tìm thấy các kháng thể trong chuột thí nghiệm có thể giúp ngăn ngừa sự lây nhiễm của virus Zika. Phát hiện này được coi là một “bước tiến đáng kể”, mở ra triển vọng sản xuất thành công vaccine phòng ngừa loại virus nguy hiểm này.

Trong công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí “Cell” (Tế bào) số ra ngày 27/7, các nhà khoa học cho biết, trong cơ thể của các con chuột thí nghiệm chứa 6 loại kháng thể có thể “vô hiệu hóa” virus Zika và ngăn ngừa sự lây lan virus này. Các kháng thể có thể được sử dụng để tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán virus Zika.

Ông Daved Fremont, Giáo sư Khoa Miễn dịch và Bệnh tật đồng thời là thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, một số kháng thể được tìm thấy có thể vô hiệu hóa các chủng virus Zika ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc một loại vaccine chứa những kháng thể nói trên có thể bảo vệ con người chống lại tất cả các chủng virus Zika trên thế giới.

Cũng theo các chuyên gia nghiên cứu, các vaccine được sản xuất từ một con virus sống thường phòng ngừa bệnh rất hiệu quả, nhưng lại không thể sử dụng được ở phụ nữ mang thai hoặc ở những người mắc các bệnh mãn tính do hệ miễn dịch của họ đã suy yếu. Tuy nhiên, với những kháng thể mới được phát hiện nói trên, các nhà khoa học có thể sản xuất loại vaccine phù hợp để điều trị bệnh do virus Zika gây ra cho những đối tượng này. Đây được coi là tín hiệu tích cực, mở ra hy vọng chấm dứt đại dịch nguy hiểm này...

Đọc thêm