Liên quan vụ Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) đòi Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (GrabTaxi) bồi thường hơn 41,2 tỷ đồng, chiều ngày 23/10, đại diện VKS cho biết, theo đơn khởi kiện của nguyên đơn thì đây là tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đã được nguyên đơn chứng minh trong quá trình xét hỏi.
Đại diện VKS cho rằng có đủ cơ sở để khẳng định Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, kinh doanh không đúng đề án 24, vi phạm Luật Doanh nghiệp 2014 về kê khai không trung thực nên đề nghị chấp nhận toàn bộ yêu cầu bồi thường hơn 41,2 tỷ đồng của Vinasun.
Theo đó, về mặt thẩm quyền giải quyết vụ kiện, Viện kiểm sát cho rằng đây là tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Đề án 24 không phải là đối tượng khởi kiện trong vụ án này nên việc Grab cho rằng vụ kiện không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa là không phù hợp.
Về các yêu cầu của Grab đề nghị đưa Bộ GTVT tham gia tố tụng để làm sáng tỏ các vấn đề liên quan đến Đề án 24, Viện Kiểm sát cho rằng do đề án 24 không phải là đối tượng khởi kiện nên không cần thiết phải đưa Bộ GTVT vào tham gia tố tụng.
Về nội dung, giấy đăng ký kinh doanh của Grab thể hiện lĩnh vực đăng ký kinh doanh vận tải. Mặc dù theo đề án 24, Grab chỉ được phép cung cấp nền tảng công nghệ kết nối nhưng đại diện Viện kiểm sát cho rằng Grab đã lợi dụng quyết định 24 để trực tiếp kinh doanh, điều hành dịch vụ vận tải taxi như thu tiền cước, quản lý tài xế, quyết định mức chiết khấu, thưởng phạt với tài xế.
Ngoài ra, Viện kiểm sát cũng cho rằng Grab thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, trong đó có cả cuốc xe giá 0 đồng. “Từ đó, đủ cơ sở xác định Grab là chủ doanh nghiệp thực thụ trong việc kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi”, đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm.
Từ những hồ sơ vụ kiện, Viện Kiểm sát cho rằng, Grab kinh doanh không đúng đề án 24, vi phạm Luật Doanh nghiệp 2014 về kê khai không trung thực nên yêu cầu của Vinasun khởi kiện Grab yêu cầu bồi thường thiệt hại là có cơ sở.
Theo kết quả khảo sát của trung tâm nghiên cứu, có 40% khách hàng của Vinasun chuyển qua sử dụng dịch vụ của Grab. Theo báo cáo giám định của Công ty Cửu Long, số lượng xe của Grab gần 13.000 xe. Do đó, VKS đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu bồi thường của Vinasun, buộc Grab bồi thường hơn 41,2 tỷ đồng.
Trong một vụ án rất đặc biệt giữa Vinasun và Grab, quan điểm của VKS đã dấy lên nhiều ý kiến trái chiều nhau. Theo đó, có ý kiến cho rằng, lập luận của đại diện VKS là chưa thỏa đáng. Bởi lẽ, việc khách hàng lựa chọn dịch vụ nào không phải là lỗi của bên cung cấp dịch vụ mà đơn giản đó là quyết định của khách hàng. Việc Grab cung cấp dịch vụ tốt hơn dựa trên nền tảng công nghệ mới dĩ nhiên sẽ có lợi thế cạnh tranh với các hãng taxi truyền thống.
Do đó, Vinasun bị mất thị phần cũng không phải là điều lạ. Nếu chấp nhận yêu cầu của Vinasun và buộc Grab phải bù tiền cho số khách hàng đã “bỏ cũ theo mới” là không công bằng với các doanh nghiệp tham gia thị trường này, đặc biệt là các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới.
Vụ kiện Vinasun và Grab được xem là vụ “đối đầu” giữa truyền thống và hiện đại, giữa công nghệ và lạc hậu. Bảo vệ cái cũ hay ủng hộ cái mới không phải là vấn đề, vì hai doanh nghiệp cạnh tranh và họ đều là những tổ chức làm ăn, vì lợi nhuận. Có điều, người tiêu dùng sẽ ủng hộ ai mang đến lợi ích cho người tiêu dùng. Vậy tòa án sẽ phán quyết ra sao trong cuộc chiến giữa hai doanh nghiệp mà người tiêu dùng không được quyền có ý kiến này.