Các ngân hàng này cho các công ty của Phạm Công Danh vay và thu nợ gốc, lãi từ hơn 6.100 tỷ đồng tiền gửi của Ngân hàng Xây Dựng tại 3 ngân hàng. Cả 3 ngân hàng đều phản ứng quyết liệt và cho rằng không thể thu hồi vì số tiền này không phải là vật chứng, việc thu nợ là hợp pháp.
Bản chất là vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, không phải liên quan tới vật chứng?
Trong vụ án này, Ngân hàng Xây Dựng được xác định là bên bị thiệt hại do các hành vi phạm tội của Phạm Công Danh, trong đó có việc gửi tiền trái phép sang 3 ngân hàng để bảo lãnh cho các khoản vay của các công ty của Phạm Công Danh.Ngân hàng Xây Dựng đã yêu cầu tòa xem xét tính hợp pháp của các giao dịch có liên quan, buộc 3 ngân hàng trả lại tiền. Yêu cầu này là quyền của bên bị thiệt hại trong vụ án. Tòa sẽ phải đưa ra quyết định chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của Ngân hàng Xây Dựng.
|
Đại diện VKS tại phiên tòa xét xử Phạm Công Danh |
Theo một số luật sư, việc buộc 3 ngân hàng trả lại tiền không phụ thuộc vào việc xác định hơn 6.100 tỷ đồng có phải là vật chứng hay không như một số tranh luận tại tòa. Tòa Quyết định về việc này không phải là quyết định xử lý vật chứng, mà là quyết định về vấn đề dân sự trong vụ án hình sự. Để xem xét có buộc 3 ngân hàng trả lại hơn 6.100 tỷ đồng cho Ngân hàng Xây Dựng hay không, cần đánh giá tổng thể việc cho vay, giao dịch gửi tiền, bảo lãnh, thu nợ ở cả 3 ngân hàng và Ngân hàng Xây Dựng. Nếu các quan hệ cho vay, gửi tiền, bảo lãnh vi phạm quy định pháp luật thì các hợp đồng có liên quan vô hiệu, không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên. Luật sư cho rằng khi đó, 3 ngân hàng sẽ phải trả lại hơn 6.100 tỷ đồng gốc và toàn bộ lãi phát sinh cho Ngân hàng Xây Dựng.
Phạm Công Danh đã dùng các công ty “ma”, không có hoạt động trên thực tế hoặc nhờ công ty khác đứng tên vay tại 3 ngân hàng. Phương án vay vốn, nguồn trả nợ đều được lập khống, không có thật. Phạm Công Danh gian dối qua mặt Tổ Giám sát gửi tiền sang 3 ngân hàng để nhằm mục đích thực là bảo lãnh cho các khoản vay của mình. Việc bảo lãnh tại Ngân hàng Xây Dựng không có hồ sơ xét cấp bảo lãnh theo quy định.
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước không cho phép các ngân hàng nhận tiền, gửi tiền lẫn nhau có thời hạn quá 3 tháng, cả 3 ngân hàng đều nhận và duy trì tiền gửi của Ngân hàng Xây Dựng quá thời hạn quy định của Ngân hàng Nhà nước. Pháp luật quy định hợp đồng bảo lãnh phải có chữ ký của đại diện ngân hàng, người quản lý rủi ro, người thẩm định khoản bảo lãnh. Do không có hồ sơ bảo lãnh nên Hợp đồng cầm cố tiền gửi của Ngân hàng Xây Dựng với 3 ngân hàng bảo lãnh cho các công ty của Phạm Công Danh vay vốn không có chữ ký của người quản lý rủi ro, người thẩm định khoản bảo lãnh của Ngân hàng Xây Dựng.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, cả 3 ngân hàng đều không tuân thủ quy định pháp luật khi cho vay với các công ty của Phạm Công Danh. Các khoản vay đều không có phương án vay vốn và nguồn trả nợ khả thi, sử dụng vốn đều không đúng mục đích. Cả 3 ngân hàng đều không biết về khách hàng vay là công ty không hoạt động, công ty vay hộ. Giám đốc hầu hết các công ty là bảo vệ, rửa xe, tạp vụ … không biết gì, chỉ biết ký.
“Không thể khắc phục thiệt hại bằng tài sản của người khác”
Theo một số luật sư, về bản chất, Phạm Công Danh và đồng phạm đã gian dối, sử dụng trái phép tiền của Ngân hàng Xây Dựng để vay và có dấu hiệu chiếm đoạt số tiền vay tại 3 ngân hàng. Chính 3 ngân hàng cho vay có nhiều sai phạm, đây là nguyên nhân chính để Phạm Công Danh có thể rút tiền vay sử dụng cho mục đích cá nhân. Ngoài các sai phạm trong chính quá trình thẩm định hồ sơ vay, các giao dịch gửi tiền, hợp đồng cầm cố đều có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật. Thiệt hại của 3 ngân hàng đã xảy ra ngay sau khi các ngân hàng giải ngân cho các công ty của Phạm Công Danh vay vốn.
Thiệt hại này đã được khắc phục bằng cách cả 3 ngân hàng thu nợ vay bằng tiền gửi của Ngân hàng Xây Dựng, mặc dù Hợp đồng cầm cố không được ký kết đúng quy định. Nếu cả 3 ngân hàng thẩm định đúng về phương án vay vốn và khách hàng vay vốn, nếu cả 3 ngân hàng không chấp nhận duy trì tiền gửi quá 3 tháng để bảo đảm khoản vay, nếu cả 3 ngân hàng đều yêu cầu người thẩm định khoản bảo lãnh, người quản lý rủi ro về bảo lãnh của Ngân hàng Xây Dựng ký Hợp đồng cầm cố để bảo lãnh thì Phạm Công Danh không bao giờ lấy được tiền. Cả 3 ngân hàng đều có lỗi, nhưng thiệt hại của 3 ngân hàng đều đã được khắc phục bằng tiền của Ngân hàng Xây Dựng.
Theo quan điểm của luật sư, cho đến nay, 3 ngân hàng có lỗi nhưng lại không chịu hậu quả. Yêu cầu của Ngân hàng Xây Dựng, đề nghị của Viện Kiểm Sát buộc 3 ngân hàng hoàn trả lại tiền cho Ngân hàng Xây Dựng là hoàn toàn có cơ sở. Trong phần tranh luận, Viện Kiểm Sát giữ nguyên các đề nghị này.