VNR tính chuyện “thồ” hàng xuyên biên giới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Không đọ được với đường bộ và hàng không trong vận tải khách, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) quay sang làm mạnh mảng vận tải hàng, đặc biệt là các đoàn tàu chuyên tuyến, liên vận quốc tế đi Trung Quốc, Kazakhstan hoặc vào sâu trong lãnh thổ châu Âu…
Khai trương đoàn tàu chuyên tuyến Hải Phòng (Việt Nam) - Khai Viễn (Trung Quốc)
Khai trương đoàn tàu chuyên tuyến Hải Phòng (Việt Nam) - Khai Viễn (Trung Quốc)

"Giải cứu" tàu khách

Dịch bệnh COVID-19 khiến các đoàn tàu thưa vắng khách, thậm chí có thời điểm trên những đoàn tàu khách Bắc - Nam, ghế trống còn nhiều hơn người đi tàu. Các khoang khách khi đó không khác gì đang chở… “gió”. Lãnh đạo VNR dù rất sốt ruột nhưng chẳng thể cưỡng lại được vì những bất lợi quá lớn của đường sắt so với vận tải đường bộ, hàng không.

Trao đổi với PLVN về thực tế này, ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - cho hay, trong bối cảnh khó khăn như vậy, Ủy ban đã đề nghị lãnh đạo VNR cần năng động, sáng tạo; đồng thời phải đẩy mạnh hơn nữa lĩnh vực vận tải hàng hóa, nhất là vận tải hàng hóa liên vận quốc tế - một dịch vụ đã có từ trước ở VNR.

Cụ thể, vào thời điểm khó khăn nhất của dịch bệnh - tháng 7/2021, VNR đã tổ chức chạy thành công chuyến tàu container (hàng dệt may, da giày) đầu tiên đi Bỉ.

Tàu này xuất phát từ ga Yên Viên, điểm đến là thành phố Liege (Bỉ). Sau đó, chuyển tiếp container bằng đường bộ đến điểm cuối là thành phố Rotterdam (Hà Lan). Ngoài ra, VNR còn vận chuyển container bằng đường sắt Việt Nam - Trung Quốc, quá cảnh Nga, châu Âu, các nước ASEAN và các nước Trung Á.

Ưu thế của kết nối đường sắt liên vận quốc tế là chi phí vận tải phù hợp, thời gian di chuyển hàng hóa ngắn hơn so với vận tải biển… nên hoạt động này năm qua được coi là “cứu cánh” với VNR, khi vận tải khách giảm sâu, nhiều lao động đường sắt phải ngừng, nghỉ việc.

Được biết, năm 2021, vận tải hàng hóa liên vận quốc tế, trong đó có hàng đi châu Âu tăng trưởng 2 con số. Hàng liên vận quốc tế xuất qua hai ga cửa khẩu Lào Cai và Đồng Đăng đạt trên 500.000 tấn, tăng hơn 30% so cùng kỳ 2020. Chiều hàng nhập liên vận quốc tế cũng tăng gần 40% so cùng kỳ 2020.

Các đơn vị trực thuộc VNR đã tích cực mở rộng các dịch vụ gia tăng như đại lý khai báo hải quan, kiểm dịch thực vật, tư vấn thuế xuất nhập khẩu; cung cấp trọn gói các hoạt động liên quan xuất nhập khẩu hàng hóa cho khách hàng và nỗ lực tìm nguồn hàng để xuất, nhập.

Lãnh đạo VNR gặp 2 tân Đại sứ Việt Nam tại Kazakhstan và Israel để bàn về vận tải liên vận quốc tế

Lãnh đạo VNR gặp 2 tân Đại sứ Việt Nam tại Kazakhstan và Israel để bàn về vận tải liên vận quốc tế

Kết nối với các Đại sứ quán

Rõ ràng, vận tải hàng hóa giờ đang là lối thoát của VNR. Vì thế, mới đây, Tổng Giám đốc VNR Đặng Sỹ Mạnh đã làm việc với hai tân Đại sứ của Việt Nam tại Kazakhstan và Israel, với mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.

Theo ông Mạnh, tàu hàng từ Việt Nam có thể quá cảnh qua Trung Quốc để đến các nước thứ 3 như Kazakhstan, Nga, Mông Cổ, các nước Trung Á và Châu Âu. Hiện, hàng ngày, VNR đang tổ chức vận chuyển từ 7 - 9 đoàn tàu hàng từ miền Nam, miền Trung ra Hà Nội và kết nối với các đoàn tàu liên vận quốc tế để xuất sang Trung Quốc.

Thời gian tới, để khai thác tốt hơn tiềm năng của vận tải liên vận quốc tế, góp phần hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Kazakhstan đang tiến triển tốt, cũng như sự đóng góp của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu vào tăng trưởng thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các nước trong Liên minh (trong đó có Kazakhstan), Tổng Giám đốc VNR đề nghị Đại sứ có ý kiến với Chính phủ Kazakhstan tạo thuận lợi khi làm các thủ tục cho hàng hóa của Việt Nam vận chuyển bằng đường sắt nhập khẩu vào nước bạn.

Đồng thời hỗ trợ VNR và các công ty vận tải đường sắt trong kết nối với các chủ hàng tại Kazakhstan và các nước thuộc Liên minh kinh tế Á - Âu có nhu cầu vận chuyển hàng hóa giữa hai nước và quá cảnh đi các nước Trung Á khác, cũng như hỗ trợ Tổng công ty trong việc kêu gọi đầu tư, hợp tác kinh doanh, khai thác tiềm năng hiện có.

Đọc thêm