TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa cho biết, đã nhận được Quyết định của TAND Tối cao về việc quyết định chuyển hình phạt của bị án Lê Thị Hường từ tử hình xuống 20 năm tù.
Theo Quyết định của TAND Tối cao, cả hai cấp tòa sơ thẩm của TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và phúc thẩm của TAND Tối cao tại TP.HCM (nay là Cấp cao) đều tuyên tử hình bà Hường là đúng người, đúng tội. Tuy nhiên, sau khi hai cấp tòa tuyên án xong, ngày 27/11/2015, Quốc hội thông qua Bộ luật Hình sự (Có hiệu lực từ 1/7/2016, nhưng sau đó hoãn lại và thống nhất chỉ áp dụng những điểm có lợi cho bị can, bị cáo, bị án…).
Căn cứ khoản 3 Điều 7; Khoản 3 Điều 57;Điểm a khoản 4 Điều 1 và Nghị quyết số 144 ngày 29/6/2016 của Quốc hội. TAND Tối cao nhận thấy bà Lê Thị Hường bị kết án tử hình về tội giết người (phạm tội chưa đạt) thuộc trường hợp được chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt 20 năm tù. Vì vậy TAND Tối cao quyết định chuyển hình phạt bà Hường từ tử hình xuống 20 năm tù.
Theo hồ sơ vụ án, với tài ăn nói ngọt ngào, cộng với cái mác là vợ của đồng chí Bí thư xã, Lê Thị Hường (sinh năm 1975 ở xã Xà Bang, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) đã khiến không ít người phải kính nể vị thế của “chị hai”.Thấy Hường có chồng là Bí thư xã nên khi Hường ngỏ ý vay mượn tiền bạc, vợ chồng ông Nguyễn Chí Lâm sinh năm 1960 và bà Phan Ngọc Lan sinh năm 1960 ở ấp Hiệp Cường (xã Cù Bi, huyện Châu Đức, tỉnh BR-VT) đã cho Hường vay 80 triệu đồng.
Ngoài ra, vợ chồng bà Lan còn cho biết Hường còn nợ khoảng 80 triệu khác, nhưng không có giấy tờ chứng minh. Do không thống nhất được số tiền và phương án trả nợ, nên nhiều lần giữa Hường và bà Lan có lời qua tiếng lại.
Hường cho rằng, bà Lan dọa sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của chồng Hường, nếu Hường không trả nợ… Sợ bà Lan làm thật nên Hường nghĩ cách giết bà Lan để quỵt nợ và để Lan không có cơ hội gây mất uy tín của chồng mình. Nghĩ là làm, sáng 15/1/2013, dù sát nhà Hường có đám cưới, nhưng Hường không đi, mà chỉ gửi thiệp chúc mừng, vì Hường bận một “kế hoạch” giết người đã vạch sẵn. Hường liên tục gọi điện cho bà Lan đến nhà mình để tính sổ nợ. Tuy nhiên do lúc này, bà Lan đang phải nằm điều trị tại bệnh viện nên không đến được, mà hẹn Hường buổi chiều sẽ đến.
Chiều hôm đó, bà Lan nhờ chồng mình là ông Nguyễn Chí Lâm chở tới nhà Hường để lấy tiền nợ. Tại đây, sau một lúc nói chuyện, Hường tỏ ra là người biết quan tâm, sống nghĩa tình với người bệnh nên nhẹ nhàng dụ bà Lan vào nhà nằm nghĩ cho đỡ mệt. Chưa hết, Hường còn nói ngon nói ngọt với ông Lâm đi ra sau vườn nhà mình chặt lấy buồng chuối và lấy trứng gà về bồi bổ cho vợ.
Tưởng đó là tấm lòng thành của Hường, ông Lâm đi theo Hường ra sau vườn. Tại đây, Hường đưa cho ông Lâm một chiếc rổ rồi nói ông Lâm ngồi xuống nhặt trứng gà, còn Hường chạy vào nhà lấy một cây rựa (dùng để phát rẫy) rón rén lại gần sau lưng ông Lâm rồi bất ngờ chém liên tiếp nhiều nhát vào đầu và người nạn nhân.
Quá bất ngờ, ông Hùng vừa chống trả, vừa la hét kêu cứu. Nghe chồng kêu thất thanh, bà Lan vùng chạy ra thì bị Hường quay qua chém 2 nhát vào đầu. Sau đó Hường tiếp tục chém ông Lâm thêm nhiều nhát (tổng cộng 17 nhát, trong đó 5 nhát vào đầu và 12 nhát vào tay) cho tới lúc ông này gục ngã.
Nghe tiếng kêu cứu, nhiều người đi đám cưới gần đó chạy tới ứng cứu. Thấy nguy cơ giết người quỵt nợ bị bại lộ, Hường lập tức lấy kẽm gai tự cào vào cổ, mặt mình gây thương tích nhằm đỗ lỗi cho phía bị hại. Tuy nhiên hành vi gian xảo này đã bị cơ quan điều tra sau đó vạch mặt. Nhờ được đưa đi cấp cứu kịp thời nên vợ chồng bà Lan may mắn thoát chết, nhưng để lại tỷ lệ thương tật lớn (ông Lâm gần như phải sống cuộc đời thực vật, mất 79% sức khỏe, bà Lan mất gần 27%).
Trong quá trình điều tra vụ án này, bà Hường còn khai nhận có liên quan tới cái chết “bí ẩn” của bà Dương Thị Thủy Tiên- thủ quỹ xã Kim Long, huyện Châu Đức- nơi chồng Hường là bí thư xã. Theo đó, chiều 14/5/2012 Hường chạy xe máy đến chở Tiên về nhà mình nhờ làm thịt gà. Hường sau đó nhờ bà Tiên ra đóng cầu dao điện để bơm nước. Chờ mãi không thấy nước chảy, Hường chạy ra thì phát hiện bà Tiên bị điện giật chết.
Do hoảng sợ, Hường đã kéo xác bà Tiên ra sau vườn. Khi định đốt xác phi tang bà Tiên thì Hường thấy bà này có đeo vòng vàng và điện thoại nên đã nảy lòng tham, lấy số tài sản này cất giấu. Sau đó, Hường dùng củi cao su và cà phê đốt nhiều ngày liền, tro cốt của bà Tiên được Hường đưa đi rãi khắp nhiều nơi trong vườn nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.
Từ lời khai này, cơ quan công an đã cho người, máy móc tới đào bới khắp khu vườn này để tìm chứng cứ. Tốn bao nhiêu thời gian công sức, cơ quan điều tra thu được nhiều mẫu xương để gửi đi giám định. Tuy nhiên, kết quả cho thấy đó là xương người, nhưng vì đã bị cháy gần hết, mẫu xương không còn chất lượng nên không thể giám định được đó có phải là xương của bà thủ quỹ xã Kim Long hay không. Còn vàng và điện thoại của nạn nhân thì đã xác định được chính Hường là người đã bán chiếc điện thoại của bà Tiên cho một tiệm điện thoại trên địa bàn để lấy tiền tiêu xài.
Với hành vi tàn bạo của mình, bà Hường bị truy tố tội giết người với 3 tình tiết định khung, tăng nặng là giết nhiều người, có tính côn đồ và giết người vì động cơ đê hèn.
Qua xem xét đầy đủ, toàn diện hồ sơ vụ án cả hai cấp sơ và phúc thẩm đều tuyên mức án tử hình đối với bị cáo Hường về tội giết người.
Về lời khai liên quan đến đốt xác bà Tiên, sau đó TAND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu tuyên bị cáo này mức án 5 năm tù về tội xâm phạm thi thể.