“Giá như tôi chết mà giúp đám tiêu sống lại”
Vừa dẫn XLPL ra vườn tiêu xác xơ, anh Phạm Quang Trung (SN 1978, ngụ thôn 5, xã Ea Tar, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk) vừa mếu máo cho biết, vào ngày 21/8, anh ghé vào Đại lý vật tư Nông nghiệp Trông Từ (số 74 Hùng Vương, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) để hỏi mua thuốc trừ sâu và phân bón lá.
Anh trình bày với nhân viên rằng, vườn tiêu của mình hiện đang phát triển và có kích thước bằng hạt đậu xanh. Sau đó, nhân viên tại đây tư vấn và bán cho anh 3 chai thuốc trừ sâu hiệu Karate 2,5ec dán nhãn của công ty Cổ phần khử trùng Việt Nam (TP.HCM) và 3 chai phân bón lá cao cấp Vitazyme dán nhãn của công ty Cổ phần bảo vệ thực vật An Giang.
Sau đó, nhân viên này hướng dẫn anh về pha lộn hai loại này vào 700 lít nước để phun cho tiêu.
Dựa trên hướng dẫn của nhân viên bán thuốc, sáng 27/8, vợ chồng anh Trung pha tất cả số thuốc nói trên vào khoảng 800 lít nước để phun cho khoảng 950 trụ tiêu. Dù trước đó hơn 2 tháng, anh Trung không sử dụng bồn chứa để pha thuốc. Thế nhưng, trước lần phun này, anh đã súc bồn chứa nhiều lần và làm rất kĩ càng.
Không ngờ, đến chiều 28/8, khi ra thăm vườn thì anh Trung hốt hoảng phát hiện hàng loạt trụ tiêu bị thâm đen lá. Đến sáng 29/8, vườn tiêu trong rẫy của anh rụng trái và lá đầy gốc khiến hai vợ chồng ôm nhau khóc ngất.
Theo quan sát của XLPL, hầu hết các trụ tiêu trên diện tích 1 hecta của vợ chồng anh Trung trái rụng la liệt dưới gốc, nhiều nhánh, lá tiêu có dấu hiệu bị cháy sạm. Anh Trung nhăn nhó kể lại: “Tôi kĩ tính lắm, mỗi lần phun thuốc đều phải súc bồn chứa thật kĩ để tránh những phản ứng hóa học. Nào ngờ, vườn tiêu đang xanh mơn mởn, trụ nào trụ nấy trĩu quả giờ đã cháy trụi hết, chỉ còn gốc và dây”.
Cũng theo lời anh Trung, để có diện tích tiêu này, vợ chồng anh phải vay mượn tổng cộng 220 triệu đồng của ngân hàng và người quen, thay nhau “cổ cày vai bừa” suốt 5 năm nay. Đến năm 2015, vườn tiêu mới bói quả, cho thu hoạch được gần 8 tạ, bán được hơn 150 triệu.
Sang năm nay, thấy tiêu ngày càng xanh tốt và sai quả, vợ chồng anh mừng thầm trong bụng, nghĩ rằng cuối năm nay sẽ có vụ mùa bội thu, có thể thu tiền tỉ, trả bớt nợ nần. Thế nhưng tai họa bỗng nhiên ập xuống, giấc mơ đổi đời chưa thấy thì anh chị lại tay trắng tay.
Sau khi xảy ra vụ việc trên, người thân của gia đình anh Trung cho biết, vợ chồng khổ chủ khủng hoảng tâm lí nặng, quên ăn uống, lúc nào cũng buồn rũ rượi: “Đôi lúc, vợ chồng tôi lại nhìn mặt nhau rồi khóc rưng rức. Trong lòng tôi giờ uất nghẹn lắm. Bao nhiêu năm vất vả giờ thành công dã tràng. Nhiều hôm, vợ tôi cứ đi lang thang như người mất hồn rồi ôm lấy từng gốc tiêu mà gào khóc. Hơn thế, vì không chịu nổi những áp lực và khó khăn trước cú sốc với đám tiêu, vợ tôi đã nhiều lần đòi tự tử bỏ lại chồng con. May sao mà tôi can ngăn, động viên kịp thời”.
Chị Nguyễn Thị Kim Châu (SN 1979, vợ anh Trung) ứa lệ: “Nếu tôi chết mà giúp cho đám tiêu sống lại thì tôi cũng cam lòng. Giờ nhìn công sức bao năm của hai vợ chồng đổ sông đổ bể, tôi xót xa lắm”.
Do thuốc rởm, hay bị kẻ gian cố ý làm hại ?
Phần vì nghi ngờ do chất lượng của thuốc, phần vì nghi ngờ có kẻ “ghen ăn tức ở”, ra tay “ám sát” vườn tiêu của mình, gia đình anh Trung đã làm đơn gửi lên UBND, Công an xã Ea Tar và nhiều cơ quan chức năng khác để nhờ giúp đỡ.
Trao đổi với XLPL về vấn đề này, ông Trương Thành Thắng, Trưởng Công an xã Ea Tar cho biết: “Sau khi nhận được tin báo của vợ chồng anh Trung, chúng tôi đã cử lực lượng vào kiểm tra và lập biên bản hiện trường. Hiện chúng tôi đang xem xét để báo cáo vụ việc lên cơ quan có thẩm quyền vào cuộc làm rõ, đảm bảo quyền lợi cho người dân”.
Trở lại với gia đình khổ chủ, anh Trung cho rằng, khi phát hiện lá, trái của tiêu bị rụng hàng loạt, anh đã gọi điện cho công ty Cổ phần bảo vệ thực vật An Giang để hỏi thăm.
Qua điện thoại, một nhân viên của công ty khẳng định hai loại thuốc Vitazyme và Karate 2,5ec không được phép trộn vào nhau để phun cho tiêu.
Nhân viên nọ giải thích, làm như vậy sẽ gây ra phản ứng. Ngay sau đó, vợ chồng anh đã báo cho Đại lý vật tư Nông nghiệp Trông Từ vào vườn kiểm tra để cùng tìm ra nguyên nhân.
Anh Trung kể lại: “Sáng 30/8, lúc mới vào, đại diện Đại lý vật tư Nông nghiệp Trông Từ nói rằng tôi phun lộn thuốc. Sau một hồi quan sát, người này đã mượn 10 trụ tiêu của hàng xóm rồi lấy hai loại thuốc này để thử nghiệm”.
Người vợ chia sẻ thêm, điều khiến chị thắc mắc nhất là việc 30 trụ tiêu mà anh chị phun đầu tiên vào sáng 27/8 vẫn “bình an vô sự”. Thời điểm đó, khi anh Trung phun thuốc cho 30 cây tiêu này, chị Châu vẫn đứng ngoài khu vực bồn chứa thuốc.
Kể từ trụ tiêu thứ 31 trở đi, chị phải vào kéo dây cho chồng vì khoảng cách xa. Do đó, những trụ tiêu phun sau đều bị rụng trái, lá cháy đen. Thậm chí, nhiều cây cà phê, cỏ dính thuốc cũng đều bị cháy.
“Tôi không loại trừ khả năng do thuốc. Tuy nhiên, cũng có khả năng có kẻ gian hãm hại bằng cách bỏ thuốc độc vào bồn chứa khi cả hai vợ chồng tôi vào sâu trong rẫy”, chị Châu phân vân.
Công ty thuốc trừ sâu nói gì?
Theo gia đình anh Trung, vào đầu năm 2016, vợ chồng anh đã bị kẻ xấu chặt hàng chục trụ tiêu. Tiếp đó, cách đây khoảng hai tháng, vợ chồng anh lại xảy ra mâu thuẫn với một người hàng xóm. Do vậy, hai bên có cự cãi nhau. Anh Trung băn khoăn mối mâu thuẫn đó không quá nghiêm trọng, sao đến nỗi bị trả thù?
“Bao nhiêu năm qua vợ chồng tôi phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới có được vườn tiêu xanh tốt, hy vọng đổi thay cuộc sống cực khổ. Giờ tay lại trắng tay, không những nợ nần chồng chất mà con cái tôi cũng phải khổ lây theo cha mẹ.
Bởi vậy tôi mong sao các cơ quan chức năng sớm kiểm tra, xác minh để làm rõ nguyên nhân. Nếu như do thuốc, phía đại lý Trông Từ và công ty sản xuất phải có trách nhiệm; nếu như có kẻ gian, phải truy tìm xử lý nghiêm minh”, anh Trung chia sẻ.
Đại diện cho Đại lý vật tư Nông nghiệp Trông Từ, bà Huỳnh Thị Trâu cho rằng, nhiều khả năng tiêu của vợ chồng anh Trung rụng trái, lá là do bị thuốc cỏ cháy.
“Để có kết luận cuối cùng, chính xác nhất thì chúng tôi vẫn đang chờ kết quả xác minh, điều tra từ cơ quan chức năng. Sau đó sẽ có hướng hỗ trợ người dân”, bà Trâu trao đổi.
Cũng với vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Hiệp, Giám đốc chi nhánh công ty Cổ phần bảo vệ thực vật An Giang tại Đắk Lắk khẳng định: “Thời gian qua, rất nhiều người dân đã mua sản phẩm Vitazyme của công ty về phun cho tiêu.
Thậm chí, Trường Đại học Tây Nguyên, Phòng Nông nghiệp phát triển Nông thôn huyện Cư M’gar cũng đã sử dụng phân bón lá cao cấp này phun trên cây hồ tiêu và không hề có chuyện gì xảy ra.
Do vậy, để làm rõ sự việc tại vườn tiêu của vợ chồng anh Trung, cá nhân tôi rất mong cơ quan điều tra vào cuộc làm sáng tỏ”.
Trong quá khứ, sự việc tiêu chết hàng loạt đã từng xảy ra nhiều lần tại Tây Nguyên, nhiều khi không tìm ra nguyên nhân.
Chi Cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk từng khuyến cáo tiêu là một loại cây trồng rất mẫn cảm với các điều kiện khí hậu, thời tiết, đất đai, phân bón, thuốc BVTV,…đặc biệt là thời gian có mưa nhiều, đất bị úng nước sẽ tạo điều kiện cho bệnh chết nhanh xâm nhiễm, gây chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn về mặt kinh tế cho người trồng tiêu.
Đa số những diện tích trồng mới cây tiêu người dân không chú trọng đến việc cải tạo đất, xử lý mầm bệnh, một số diện tích tiêu trồng trên những vùng đất không phù hợp, trồng một cách tạm bợ (cây chống không đảm bảo, cây giống không được chọn lựa), trồng xen trong vườn cà phê, điều và cây ăn quả và không được chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật.
Nhiều diện tích được trồng trên trụ chết, chưa chú trọng đến cây che bóng cho tiêu. Phân hóa học được bón với liều lượng cao, mất cân đối, ít quan tâm đến phân hữu cơ và chế phẩm sinh học cho cây tiêu, chính vì vậy tình hình sâu, bệnh hại trên cây tiêu phát triển mạnh, đặc biệt là các loại nấm bệnh chết nhanh, chết chậm.
Cơ quan này cũng khuyến cáo người dân không phát triển cây hồ tiêu một cách ồ ạt, tự phát triển những vùng đất không phù hợp cho cây tiêu phát triển.