Vốn vay theo Nghị định 28, “đòn bẩy” để xóa đói giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau gần 2 năm triển khai, chính sách tín dụng theo Nghị định 28 của Chính Phủ đã tạo cơ hội cho đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu phát triển nhiều loại hình sinh kế, tạo nguồn thu nhập ổn định, nhất là đối với hộ nghèo, cận nghèo có “đòn bẩy” để xóa đói giảm nghèo bền vững.
Vốn vay theo Nghị định 28, “đòn bẩy” để xóa đói giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thực hiện Chính sách phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025, năm 2022, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã triển khai chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định 28 ngày 26/4/2022 của Chính phủ. Nguồn tín dụng ưu đãi này đã và đang hỗ trợ người dân phát triển sinh kế, từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Gia đình chị Vàng Thị Bức, bản Huổi Sen, xã Mường So, huyện Phong Thổ được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế.

Gia đình chị Vàng Thị Bức, bản Huổi Sen, xã Mường So, huyện Phong Thổ được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế.

Nghị định 28 của Chính phủ gồm các nhóm chương trình cho vay đó là: hỗ trợ đất ở; hỗ trợ nhà ở; hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề; cho vay đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý; hỗ trợ cho vay phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.

Đối tượng được vay vốn thuộc chương trình hỗ trợ đất ở; hỗ trợ nhà ở; hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề là hộ nghèo dân tộc thiểu số; hộ nghèo dân tộc Kinh cư trú hợp pháp ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đối tượng này được cho vay hỗ trợ tạo đất ở 50 triệu đồng, làm nhà ở 40 triệu đồng, hỗ trợ tạo đất sản xuất, chuyển đổi nghề 77,5 triệu đồng. Thời hạn cho vay không quá 10 năm, với lãi suất cho vay bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo là 3,3%/năm.

Ngay sau khi Nghị định 28 của Chính phủ có hiệu lực, ngân hàng chính sách xã hội huyện Phong Thổ tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương rà soát các đối tượng để triển khai cho vay, đến nay đã giải ngân được 24 tỷ đồng cho 350 hộ vay vốn.

Người đồng bào dân tộc thiểu số đã được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Người đồng bào dân tộc thiểu số đã được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Qua kiểm tra đánh giá nguồn vốn thấy các hộ sử dụng nguồn vốn vay tốt, một số mô hình tiêu biểu được huyện xem xét nhân rộng, từ đó đã giúp cho những hộ nghèo sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế.

Gia đình chị Vàng Thị Bức ở bản Huổi Sen, xã Mường So thuộc diện hộ cận nghèo của bản, gia đình chị có 1,4 ha đất nương trước đây chỉ để cấy lúa 1 vụ nhưng năng suất rất thấp. Giữa năm 2022, gia đình chị đã được vay vốn 77 triệu đồng từ ngân hàng chính sách xã hội huyện Phong Thổ theo Nghị định 28 của Chính phủ về hỗ trợ đất sản xuất.

Sau khi được vay vốn, gia đình chị đầu tư san gạt mặt bằng diện tích trên nương và chuyển đổi sang trồng sắn thương phẩm. Sau khi thu hoạch vụ sắn đầu tiên, gia đình chị đã thu lãi 45 triệu đồng, vì vậy trong những vụ tiếp theo, chị Bức tiếp tục trồng sắn để gia đình có thêm nguồn thu nhập.

Theo lãnh đạo ngân hàng chính sách xã hội huyện Phong Thổ cho biết: Thời gian tới ngân hàng sẽ tập trung hỗ trợ cho người dân ở khu vực các xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn để giúp các hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số được tiếp cận nguồn vốn này nhiều hơn.

Về quy trình, thủ tục cho vay, ngân hàng sẽ phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội đặc biệt là các tổ tiết kiệm và vay vốn ở các thôn, bản hỗ trợ các hội viên thông qua việc bình xét những hộ có đủ điều kiện, đồng thời tư vấn cho các hộ lựa chọn đối tượng đầu tư đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại các hộ gia đình cũng như từng địa phương./.

Đọc thêm