Vòng đánh thuế lớn nhất giữa Mỹ và Trung Quốc có hiệu lực

(PLO) - Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ leo thang đáng kể từ hôm  nay (24/9), khi vòng áp thuế lẫn nhau lớn nhất từ trước đến nay của 2 siêu cường kinh tế thế giới có hiệu lực.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo CNN, Chính phủ của Tổng thống Mỹ từ 0h00 ngày 24/9 (giờ Mỹ, giữa trưa ngày 24/9 giờ Bắc Kinh) sẽ áp mức thuế mới 10% lên 200 tỉ hàng hóa của Trung Quốc.

Số hàng hóa trong diện chịu thuế lần này lên đến hàng nghìn mặt hàng, bao gồm từ gia vị, găng tay bóng chày, bộ định tuyến cho đến các phụ tùng máy móc công nghiệp.

Trung Quốc cũng đã thông báo sẽ trả đũa với việc áp mức thuế từ 5 đến 10% lên 60 tỉ USD hàng hóa của Mỹ như thịt, hóa chất, quần áo và phụ tùng xe hơi.

Động thái đánh thuế trả đũa lẫn nhau này được dự báo sẽ dẫn tới sự leo thang đáng kể trong cuộc xung đột thương mại đang gia tăng giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Bởi, với quyết định áp thuế mới nhất của Mỹ, gần một nửa hàng hóa từ Trung Quốc nhập khẩu vào nước này từ nay sẽ phải gánh thuế.

Vòng áp thuế này được dự báo sẽ ảnh hưởng tới hàng ngàn sản phẩm mà người tiêu dùng Mỹ mua, bao gồm hàng trăm triệu USD đồ nội thất và các sản phẩm điện tử nhập khẩu.

Ông Doreen Edelman – thành viên công ty luật Baker Donelson – cho biết, người tiêu dùng Mỹ dự kiến sẽ phải mua rất nhiều mặt hàng đồ gia dụng, từ dầu gội, thức ăn cho thú cưng cho tới các sản phẩm gia dụng khác… với giá thành cao hơn.

Trước đó, các khoản thuế mà Mỹ đánh vào Trung Quốc hồi đầu năm chủ yếu ảnh hưởng tới các sản phẩm công nghiệp.

Các doanh nghiệp đã cảnh báo về thiệt hại có thể xảy ra. Nhà sản xuất chip người Mỹ Micron cho biết vòng đánh thuế mới của Mỹ nhiều khả năng sẽ khiến lợi nhuận của hãng sụt giảm trong năm tới. Các khoản thuế của Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới các công ty năng lượng của Mỹ dự kiến xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng. 

Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang bắt đầu cảm nhận được tác động của việc đánh thuế. Ông Feng Renhao cho biết công ty của ông ở thành phố Đại Liên, phía đông bắc Trung Quốc đã bị ảnh hưởng mạnh bởi việc đánh thuế. 

Theo ông Feng, công ty của ông đã mua hải sản từ các công ty của Mỹ trong suốt hơn 20 năm nay. Nhưng sau khi Trung Quốc áp thuế 25% lên mặt hàng hải sản từ Mỹ hồi tháng 7, công ty của ông đã phải giảm bớt số nhà cung cấp Mỹ, thay vào đó chuyển sang các công ty Canada và châu Âu.