VTV khiến khán giả "mắc lỡm" khi rơi lệ

(PLO) -Suốt tuần qua, hàng triệu khán giả bức xúc khi bị VTV “lừa” một cách ngoạn mục. VTV với đội ngũ biên tập viên trình độ thạc sĩ, đại học để một thanh niên mới học hết lớp 9 và một cô gái khiếm thị, hay một cô gái mang tên “Lượm” “xỏ mũi” thì thật là hài hước. Hay chủ đích của VTV muốn đưa khá giả "vào tròng"?
Tán dương hành động vi phạm pháp luật
Chương trình “Điều ước thứ 7” phát sóng ngày 10/1/2015 kể về một câu chuyện tình như cổ tích thời nay. Cô gái Nguyễn Như Đào quê Anh Sơn, Nghệ An mất thị lực từ lúc chào đời nên từ thuở thơ ấu cho đến khi trưởng thành, Đào chỉ có âm nhạc làm bạn. Khán giả thật sự xúc động trước một tình yêu có thể vượt qua mọi rào cản, vượt lên số phận giữa Đào và chàng trai trẻ Nguyễn Nhật Thanh quê Quảng Xương, Thanh Hóa - con trai duy nhất trong gia đình, tốt nghiệp Khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia.
Chuyện tình ấy khiến rất nhiều người rơi nước mắt vì cảm động. Nhưng sự thật hé lộ sau khi chương trình phát sóng một ngày đã làm cho hàng triệu khán giả “đứng hình” vì thấy mình bị lừa trong “câu chuyện cổ tích” ấy. 
Nguyễn Nhật Thanh chưa từng học, tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia như trong chương trình đề cập, thậm chí Thanh còn chưa học xong bậc phổ thông. Đáng buồn hơn là Thanh đã lập gia đình với chị Nguyễn Thị Hà (SN 1991) từ năm 2010, có đăng ký kết hôn đàng hoàng. Hai vợ chồng đã có với nhau 2 con gái, cháu lớn 4 tuổi, cháu nhỏ 18 tháng.
Chị Hà đang mang thai đứa con thứ 3 được 5 tháng. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên học xong lớp 9, Thanh ở nhà đi biển phụ giúp gia đình. Năm 2012 Thanh đi hát rong rồi ăn ở như vợ chồng và có con gái với cô gái mù Nguyễn Như Đào.  
Hai nhân vật cho "Điều ước thứ 7" vào tròng
Hai nhân vật cho "Điều ước thứ 7" vào tròng 
Suốt tuần qua, hàng triệu khán giả bức xúc khi bị VTV “lừa” một cách ngoạn mục. Họ đã rơi nước mắt vì câu chuyện đầy nhân văn rồi lại rơi nước mắt vì… uất ức thấy mình bị lừa. Chưa kể tới một chương trình nhân văn mà có những hành xử chẳng chút nhân văn nào. 
Bởi lẽ họ đã biết Thanh có vợ con, vậy mà sao vẫn phát sóng? VTV có nghĩ đến cảm giác đau khổ của một người vợ phải chứng kiến chồng mình “ăn ở hai lòng”? VTV có nghĩ đến hành động vi phạm pháp luật hôn nhân gia đình mà vẫn được truyền hình quốc gia tung hô, tán dương? 
Điều đáng nói đây không phải lần đầu tiên VTV đưa khán giả “vào tròng”. Trong chương trình “Người xây tổ ấm” phát sóng vào ngày 25/1/2011, cô Lượm - nhân vật chính kể lại cuộc đời của mình rất xúc động khiến nhiều khán giả cảm thương cho số phận nghiệt ngã của Lượm. 
Theo lời kể, Lượm bị mẹ bỏ rơi và được một cụ già ăn xin nhặt được nên đặt tên là Lượm. Sau khi bà qua đời, Lượm một mình mưu sinh bằng nghề bán báo, đánh giày. Lượm còn cho biết, cô lỡ có con với người yêu và con trai mình bị bệnh tim vừa mổ xong. Vì cuộc sống cơ cực nên cô quyết định đi làm gái đứng đường để kiếm tiền giành lại sự sống cho con.
Cuộc đời cô bé Lượm trong chương trình truyền hình trên đã gây xúc động cho hàng triệu người xem. Có rất nhiều nhà hảo tâm đã giúp đỡ tiền để Lượm trang trải chi phí mổ tim cho con. Nhiều người lại muốn tìm cho cô một công việc ổn định để nuôi con. Tuy nhiên, sự thật lại hoàn toàn khác. Câu chuyện cô Lượm ấy hoàn toàn là giả. Không hề có "cô Lượm" như thế tồn tại trong cuộc sống. 
Phải chăng chỉ vì cẩu thả?
 “Điều ước thứ 7”, “Người xây tổ ấm” đều là chương trình đậm tính nhân văn. Nhà báo Lại Văn Sâm từng khẳng định: “Chúng tôi muốn nâng đỡ những ước mơ tử tế của những con người tử tế. “Điều ước thứ 7” sẽ là chương trình hướng đến giá trị nhân văn, không phải là chương trình giải trí hướng đến mục đích thu quảng cáo”.
Chương trình "Người xây tổ ấm" cũng từng lừa khán giả
Chương trình "Người xây tổ ấm" cũng từng lừa khán giả 
Còn “Người xây tổ ấm” là chương trình chuyên về các đề tài xã hội - gia đình, tập trung vào các trường hợp nhân vật éo le và trắc trở, tạo niềm lạc quan tin yêu cuộc sống cho các nhân vật đó. Tuy nhiên, cách làm việc đầy chủ quan, cẩu thả của ekip chương trình đã khiến hàng chục triệu khán giả thất vọng, mất niềm tin. 
Người đã “đóng vai Lượm” cho hay: “Trong quá trình làm chương trình, vì sợ hãi, “bị động và nông cạn” nên mình đã không thể rút lui. Trong khi đó, các anh chị truyền hình cũng không hỏi gì nhiều để thẩm định thông tin”.
Xem chương trình “Điều ước thứ 7”, khán giả hoàn toàn có thể nhận thấy nhân thân của Thanh đã bị bỏ qua, không một thông tin, hình ảnh nào liên quan đến gia đình Thanh cũng như nơi mà Thanh cho là đã từng học - Học viện Âm nhạc Quốc gia.  Nếu ekip VTV làm tốt việc thẩm định thông tin, chuyện tình yêu, học vấn của Thanh chắc chắn sẽ không thể bị nhầm lẫn như vậy. 
Cư dân mạng “dậy sóng” khi cho rằng: “VTV với đội ngũ biên tập viên trình độ thạc sĩ, đại học để một thanh niên mới học hết lớp 9 và một cô gái khiếm thị, hay một cô gái mang tên “Lượm” “xỏ mũi” thì thật là hài hước”...
VTV đã xin lỗi về sai sót trong chương trình “Điều ước thứ 7” và đích thân đạo diễn “Điều ước thứ 7” Lại Bắc Hải Đăng cũng lên tiếng xin lỗi: “Việc đầu tiên, chúng tôi thành thật xin lỗi khán giả. Lỗi bắt nguồn từ việc ekip đã quá tin nhân vật và cũng là sai sót mình không làm đến nơi đến chốn việc thẩm tra, chủ quan, lỗi nghiệp vụ báo chí. Đây là lỗi rất là lớn”. Nhưng dường như hàng triệu khán giả vẫn chưa thể thỏa lòng vì mỗi một sự sai sót sẽ tác động, ảnh hưởng đến bao người?
Thời gian qua, VTV đã mắc nhiều lỗi, và sau mỗi lần xin lỗi thì lại tiếp tục mắc lỗi nguy hiểm hơn. Với những kiểu sai lầm như thế, VTV không thể nào là xin lỗi, phạt tiền là xong.  Vì trước những sự cố của VTV trong thời gian qua, khán giả xem truyền hình hoàn toàn có lý do đặt câu hỏi: Trong những chương trình nhân văn của VTV, liệu có bao nhiêu phần là sự thật? Và một khi đã mang trong mình tâm lý hoang mang thật - giả, khi xem liệu lệ có còn rơi được nữa không? 
Niềm tin của hàng triệu khán giả đã bị lung lay. Điều này, VTV khó lòng có thể “mua” lại được!